A+ A A- Kiểu đọc sách

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tạo sân chơi công bằng cho taxi truyền thống và taxi công nghệ

16:46 05/06/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời chất vấn trong phiên họp ngày 5/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải đáp nhiều vấn đề “nóng” được đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có các nội dung liên quan đến taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tranh luận đến cùng, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâm

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tranh luận đến cùng, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâm

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, trong 2,5 ngày, từ 4/6 đến sáng 6/6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội. Đây là một trong những hoạt động đặc biệt quan trọng của kỳ họp Quốc hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước theo dõi qua phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Người dân nên tính toán hiệu quả khi mua xe tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải

Theo đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), nhiều cử tri cho rằng việc thực hiện Quyết định 24 về Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng taxi công nghệ kéo quá dài, thực hiện từ 1/7/2016, gây nhiều bất cập trong quản lý Nhà nước, từ thu thuế, ký hợp đồng lao động, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng. Thời gian qua, nhiều vụ khiếu kiện xung quanh vấn đề này đã xảy ra. Việc chậm ban hành Nghị định 86/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước trong việc giải quyết những bất cập nêu trên. Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Trần Thị Hằng đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chậm ban hành dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, đồng thời đặt câu hỏi khi nào Nghị định được ban hành?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị định 86 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan thông tin truyền thông, cơ quan nghiên cứu. Bộ đã trình Chính phủ 7 lần và mỗi lần đều có những thay đổi do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, đến nay, nội dung Nghị định đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các hiệp hội, tổ chức, cơ quan. Bày tỏ hy vọng Nghị định 86 sửa đổi sẽ sớm được ban hành, Bộ trưởng khẳng định, khi đó, taxi công nghệ và taxi truyền thống sẽ có cơ hội cạnh tranh như nhau vì taxi truyền thống cũng có thể lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng cho biết ưu, nhược điểm của cơ chế quản lý giới hạn số lượng đối với xe taxi, việc cấp hạn ngạch đối với các xe kinh doanh vận tải. Theo Luật Quy hoạch, cơ quan quản lý sẽ không được đặt ra giới hạn về số lượng xe. Đại biểu mong muốn Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý vấn đề này để đảm bảo phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và quyền tự do gia nhập thị trường của người kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Nghị định 86 sửa đổi có nội dung cho phép taxi truyền thống cũng có thể gắn các thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ. “Do đó sắp tới, hoạt động này chắc chắn sẽ đảm bảo công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Việc không giới hạn số lượng xe theo Luật Quy hoạch sẽ có thể khiến gia tăng số lượng phương tiện tham gia trên đường, theo Bộ trưởng, khi Luật đã quy định đây là quyền của công dân. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng việc này cũng có thể gây ra hệ lụy là có nhiều phương tiện hoạt động không hiệu quả. Từ thực tế đó, Bộ trưởng hy vọng nhân dân khi mua xe tham gia vào các hoạt động vận tải nên tính toán để đảm bảo hiệu quả kinh doanh dịch vụ, phù hợp với nhu cầu của kinh tế thị trường.

Cho rằng phần trả lời về vấn đề taxi Grab của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chưa thỏa đáng, đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) nêu thực trạng về việc xe Grab do điều kiện không phải đeo mào có thể đi vào tất cả các tuyến phố cấm, trong giờ cao điểm, còn taxi truyền thống có mào do đó các lực lượng chức năng nhận biết và quản lý được. Ngoài ra, xe Grab do cá nhân tự mua và đăng ký, nhưng hiện tại không ai quản lý, các hợp tác xã xe lại cho rằng xe là của hãng công nghệ. Về phương hướng quản lý vấn đề này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý cụ thể trong thời gian tới.

Cũng theo đại biểu Đào Thanh Hải, Bộ có chủ trương không hạn chế các phương tiện vận tải hành khách trong đó có Grab. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển mạng lưới công cộng hiện nay của Thủ đô Hà Nội mới có 15% số người tham gia và sử dụng phương tiện xe bus. Trong những năm qua, Hà Nội đã phải quản lý xe taxi truyền thống, không cho phát triển quá nóng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thời điểm trước đây cao nhất là 22.000 xe, hiện nay taxi còn 15.000 xe. Tuy nhiên hiện nay, Grab đang có khoảng 31.000 xe ô tô và 50.000 xe máy.  

Trả lời đại biểu Đào Thanh Hải, Bộ trưởng cho biết: “Trong Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là xe taxi và xe taxi hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ”. Bên cạnh đó, hiện nay, số lượng xe sau khi thực hiện Luật Quy hoạch không còn hạn chế số lượng. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc thành phố Hà Nội muốn hạn chế số lượng phương tiện là không thỏa đáng do đã có quy định của Luật Quy hoạch. Giải pháp là các doanh nghiệp cần chủ động tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội để đầu tư và chịu rủi ro.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị định số 86 sửa đổi quy định xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ, xe taxi truyền thống có hồ sơ thủ tục như nhau nên tất cả các xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống. Điều kiện hoạt động của taxi công nghệ và taxi truyền thống hiện nay như nhau nên việc phục vụ thời gian tới sẽ tốt hơn, “ Hãng Taxi truyền thống hãng lớn như Vinasun, Mai Linh đều sử dụng công nghệ như Grab nên họ hoạt động song song. Nếu gọi taxi truyền thống, họ cũng phục vụ và kết nối họ cũng phục vụ”, Bộ trưởng khẳng định.

Quản lý chặt chẽ, tránh thất thu thuế từ taxi công nghệ   

Băn khoăn về trách nhiệm nộp thuế của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe công nghệ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn chứng con số: Hiện nay, toàn quốc có gần 500 đơn vị vận tải với hơn 40.000 phương tiện tham gia thí điểm Đề án 24. Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế, xe công nghệ Grab đã đăng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tổ chức hợp xã nhiều hơn gấp 3 lần trên các tỉnh, thành phố đang thực hiện. Do đó, đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa con số đăng ký và con số thực tế. Sự chênh lệch này cũng dẫn đến việc Công ty công nghệ Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 – 2016, năm 2017 – 2018 cũng không cao hơn nhiều; trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả ngàn tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý loại hình xe công nghệ để không có tình trạng “chui số lượng” nhằm trốn thuế, bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.   

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, số lượng xe công nghệ hoạt động trong thực tế có thể ít hơn số liệu thống kê do một số người dân “đăng ký nhưng không hoạt động”. Bộ trưởng cho rằng, những diễn biến này chỉ các doanh nghiệp mới có thể nắm được. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương có liên quan đã kết nối số liệu với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an để cơ quan có thẩm quyền nắm được thông tin về toàn bộ các xe tham gia vận tải dịch vụ theo công nghệ để quản lý một cách chặt chẽ tất cả biến động cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, nhằm tránh thất thu thuế cũng như tạo điều kiện đảm bảo an toàn an ninh vận tải. Về việc nộp thuế ít của một số doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng đây là trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính.   

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay có khoảng 14 phần mềm cung cấp dịch vụ xe công nghệ đang vận hành tại Việt Nam. “Các phương tiện này đều kết nối với Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế. Do đó, việc thất thu thuế của các phương tiện tôi nghĩ ít xảy ra vì các cơ quan thuế nắm rất kỹ”, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề về phần tiền trích lại cho các doanh nghiệp như Grab trong thực tế cần được các cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ, vì “có thông tin là Uber, Grab lỗ mà việc này chúng tôi cũng nắm được thông tin qua các phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ rằng, Bộ Tài chính là đơn vị nắm rõ nhất vấn đề này”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn các cơ quan Nhà nước sẽ chung tay  đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là taxi công nghệ cũng như taxi truyền thống.   

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia cung cấp thông tin thêm về nội dung quản lý thuế đối với dịch vụ, hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong thời đại công nghệ, thương mại điện tử, nếu như các ngành không hoàn thiện các văn bản pháp luật để quản lý sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý xã hội và nói riêng là công tác quản lý thuế.   

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, taxi công nghệ không được quy định theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 của Chính phủ. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định số 24 về thí điểm quản lý taxi công nghệ, sau đó tổng kết, đánh giá, sửa Nghị định 86. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng tối đa các quy định pháp luật, quản lý thuế và các luật thuế hiện hành để quản lý thu thuế taxi công nghệ thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ thanh tra và kiểm tra. Theo quy định hiện hành, kinh doanh vận tải điện tử, công nghệ nộp thuế theo quy định của pháp luật và pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp như thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn giảm.

Theo đó, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp Grab, Vinasun, Mai Linh nộp thuế theo phương thức kê khai. Phương pháp tỷ lệ áp dụng trên doanh thu đối với nhà thầu nước ngoài như Uber không đáp ứng được điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đối với các tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, việc áp dụng thuế đảm bảo phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh và tương đồng giữa các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thống kê, 9 công ty vận tải taxi lớn trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đã kê khai số thuế phải nộp là 437 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đã nộp 415 tỷ đồng. Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thuế tại Công ty Uber thời kỳ 2014 – 2016 và đã truy thu, xử lý vi phạm qua thanh kiểm tra là 66,68 tỷ đồng. Đến 31/8/2018, công ty đã nộp đầy đủ số thuế này.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc tiếp tục hoàn thiện các pháp luật liên quan để quản lý các ngành các lĩnh vực phục vụ cho quản lý kinh tế nói chung, quản lý xã hội rất là có tác dụng cho quản lý thuế. Về biện pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai nội dung bổ sung vào Luật Quản lý thuế và các pháp luật có liên quan; thực hiện kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách; triển khai thực hiện Nghị định số 119 của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ trong đó có dịch vụ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hoạt động điện tử…   

Hiền Hạnh/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...