55 năm, nhớ câu nói đầu tiên của anh Gagarin từ vũ trũ 'vọng về' Trái đất
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12-4-1961, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, thực hiện ước mơ hàng nghìn năm của nhân loại. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử chinh phục không gian vũ trụ của loài người.
- Phim về Gagarin gây tranh cãi
- Yuri Gagarin - 50 năm nhớ một huyền thoại
- Gagarin đã trả lời câu hỏi khó nhất cho nhân loại
*Anh hùng Yuri Gagarin và chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ
Vào lúc 9 giờ 7 phút giờ Moskva ngày 12-4-1961, tàu Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo, với tốc độ 28.000 km một giờ và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái đất từ bên ngoài vũ trụ.
Anh hùng Gagarin
Anh thấy Trái đất màu xanh da trời dìu dịu, bên cạnh là bầu trời tối thẫm, điểm muôn vàn vì sao rất sáng. Gagarin không nhìn thấy mặt trăng nhưng mặt trời thì rất sáng, sáng gấp hàng chục lần khi nhìn từ mặt đất.
Và người ta không bao giờ quên được câu nói đầu tiên từ vũ trụ của Gagarin chuyển về Trái đất. Anh nói: “Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”.
Đây cũng chính là thông điệp hòa bình bất diệt mà Liên Xô thời đó đã chuyển tới con người trên khắp hành tinh.
Sau khi bay một vòng quanh Trái đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga. Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi.
Sau này, trong cuốn “Đường vào vũ trụ”, Gagarin đã viết lại cảm xúc của mình khi đó: “Tất cả xảy ra như trong một giấc mơ: Từ không gian bao la tôi đã quay về an toàn nơi tôi cất cánh lần đầu trên mặt đất”.
Chuyến bay thành công của Gagarin đã mang lại niềm hân hoan phấn khởi cho mọi người trên khắp thế giới. Ước mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực.
Hành trình chinh phục vũ trụ
Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô Gagarin ra đời tại ngôi làng Klushino, cách thủ đô Moskva 180 km về phía tây. Gagarin đã mơ ước về bầu trời từ thời niên thiếu. Trong một tấm ảnh được người nhà của ông lưu giữ, có một người thanh niên đứng bên cánh máy bay, giơ tay vẫy chào thân mật.
Khi đó Gagarin mới tốt nghiệp ngành đúc, trường kỹ thuật công nghiệp Saratov, đồng thời tham gia khóa huấn luyện của một câu câu lạc bộ hàng không. Tốt nghiệp loại giỏi, Gagarin được điều động về một trường hàng không và trở thành phi công quân sự. Năm 1955, sau 4 năm luyện tập, Gagarin thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên.
Gia đình Gagarin
Tháng 11-1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo thứ hai đem theo chú chó Laica, Gagarin lần đầu tiên mơ về vũ trụ: Có lẽ sắp tới con người sẽ bay vào vũ trụ và tại sao người đó không phải là mình? Khi nghe tin tuyển phi công để nắm bắt kỹ thuật mới, anh đã đề nghị được ứng cử.
Trong số 3.500 tình nguyện đáp ứng đòi hỏi bắt buộc: Cao không quá 1,65 m (Gagarin cao đúng 1,65 m) và cân nặng không quá 68 kg, cuối cùng chỉ có 20 người được chọn, trong đó có Gagarin.
Sau một thời gian luyện tập, anh đã được lựa chọn làm nhà du hành vũ trụ đầu tiên bay vào vũ trụ và Gagarin đã thực hiện thành công chuyến bay này.
Sau thành công đó, Iuri Gagarin không bay vào vũ trụ nữa. Ngày 27-3-1968, ông bất ngờ ra đi trong một buổi tập máy bay chiến đấu thử nghiệp. Khi ấy, ông mới 34 tuổi.
* Những mốc quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian
Chuyến bay của Gagarin đã mở đầu kỷ nguyên chinh phục không gian của loài người trong 55 năm qua:
- Ngày 5-5-1961: Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian trong chuyến bay kéo dài 15 phút và 28 giây.
- Ngày 16-6-1963: Valentina Tereshkova người Liên Xô trở thành nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên trong lịch sử thám hiểm vũ trụ của loài người.
- Ngày 18-3-1965, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Aleksei Leonov đã trở thành người đầu tiên trên thế giới bước vào khoảng không vũ trụ bao la, trong khoảng thời gian 12 phút 9 giây.
- Ngày 20-7-1969, Chỉ huy trưởng Neil Armstrong trở thành người đặt những bước chân đầu tiên trên bề mặt Mặt trăng với chuyến đi lịch sử của phi thuyền Apollo 11.
- Ngày 2-3-1972: Tàu thăm dò vũ trụ không người lái Pioneer 10 của Mỹ đã được phóng lên quỹ đạo. Đây là con tàu vũ trụ đầu tiên vượt qua vành đai tiểu hành tinh quanh Mặt trời và cũng là con tàu đầu tiên trực tiếp quan sát sao Mộc. - Ngày 19-4-1971: Liên Xô đã phóng thành công trạm không gian đầu tiên của thế giới, trạm “Chào mừng 1” (Salyut 1).
- Ngày 14-5-1973: Trạm không gian đầu tiên của Mỹ (Skylab) được phóng thành công lên quĩ đạo.
- Ngày 15-7-1975: hai con tàu Soyouz của Nga và Apollo của Mỹ gặp nhau trong không gian. Chỉ huy 2 tàu Tom Stafford và Alexey Leonov đã trao nhau cái bắt tay quốc tế đầu tiên trên vũ trụ.
Sứ mệnh được mệnh danh là “cái bắt tay trong không gian” đã trở thành một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất khi ấy. Nó giúp chấm dứt cuộc chạy đua khai phá không gian giữa Liên Xô và Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong mối quan hệ hợp tác không gian giữa Mỹ-Nga cũng như nhiều nước khác cho đến hôm nay.
- Ngày 25-4-1990: Kính thiên văn Hubble được đưa lên quĩ đạo từ tàu con thoi Discovery của Mỹ.
- Ngày 4-7-1997: Phi thuyền không người lái Pathfinder mang theo robot tự hành đầu tiên Sojourner, hạ cánh thành công trên Sao Hỏa.
- Ngày 20-11-1998: Bộ phận đầu tiên của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã được phóng lên quỹ đạo.
- Ngày 28-4-2001: Triệu phú Mỹ Dennis Tito trở thành khách du lịch vũ trụ đầu tiên.
- Năm 2011 đánh dấu việc xây dựng thành công Trạm vũ trụ quốc tế ISS nặng 400 tấn, dài 108m, rộng 74m, quay quanh Trái đất một vòng hết 90 phút, cho phép quan sát 85% diện tích Trái đất bao gồm 95% dân số trên thế giới.
Tại ISS, các nhà du hành đã hoàn thành nhiều thí nghiệm quan trọng, trong đó có việc trồng cây, thử nghiệm phân tích gên, thử nghiệm và đánh giá cuộc sống con người ở môi trường không trọng lực kéo dài…
Tháng 8-2015, các nhà khoa học trên ISS trồng thử nghiệm thành công rau xà lách. Thậm chí, ngày 16-1 vừa qua, bông hoa đầu tiên trên vũ trụ đã nở.
Có thể khẳng định, khoa học du hành vũ trụ không những giúp con người mở mang sự hiểu biết về không gian vũ trụ mà còn đang phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống của con người, từ truyền hình qua vệ tinh đi khắp thế giới cho đến viễn thám thăm dò tài nguyên thiên nhiên, hướng dẫn giao thông trên biển và đất liền qua hệ thống định vị toàn cầu, quan sát nạn ô nhiễm khí quyển và lỗ hổng của tầng ôzôn, chụp ảnh mây để dự báo các cơn bão...
Bảo Châu (tổng hợp)