215 nghìn người cùng hàng chục cơ quan sẽ di dời khỏi khu nội đô lịch sử
(Thethaovanhoa.vn) - Với việc chuẩn bị công bố Quy hoạch phân khu nội đô (nội đô lịch sử), TP. Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều vấn đề cần các giải pháp để triển khai quy hoạch, trong đó có vấn đề giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, việc TP. Hà Nội công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng là cơ sở để Thành phố triển khai việc cải tạo, chỉnh trang đô thị nhằm tạo cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại hơn.
Theo ông Lưu Quang Huy, cấu trúc không gian kiến trúc - cảnh quan trong Quy hoạch được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo điểm nhấn, phù hợp Quy chế công trình cao tầng được duyệt.
Để bảo đảm tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tổng quy mô dân số tại khu vực Hoàn Kiếm là khu vực Khu phố Cổ, phố Cũ và Hồ Gươm và vùng phụ cận cần giảm khoảng trên 215.000 người.
Đối với giải pháp giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử, quan điểm của Thành phố là từ năm 2020-2030 khi Hà Nội đang từng bước triển khai các dự án: Di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực Nội đô; phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh; đồng thời trước bối cảnh tăng dân số tự nhiên và cơ học… Trước mắt cần từng bước thực hiện lộ trình giảm dân trong khu vực theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Về lâu dài, khi Thành phố triển khai đồng bộ các Dự án trên sẽ dần thu hút dân số dịch chuyển ra; khi đó cần kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt.
Ông Lưu Quang Huy cũng cho biết, ngoài giải pháp di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử khi thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của Thành phố và địa phương, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học.
Cụ thể là triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.
Nhóm giải pháp lớn tiếp theo là đẩy nhanh công tác xây dựng “Chương trình phát triển đô thị”, cân đối nguồn lực bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung và từng bước kiểm soát phát triển theo quy hoạch, kế hoạch quy hoạch; trong đó cần tập trung vào các khu vực phát triển như Đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các dự án tạo động lực phát triển đô thị, phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cùng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật đồng bộ tạo các cực hút dân cư ra khu vực trung tâm Thành phố.
Về nội dung bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang (khu vực khu phố cổ và phố cũ), hệ thống các công trình di tích, nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác có giá trị xây dựng trước năm 1954 sẽ được bảo tồn, tôn tạo theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 cùng các Quy định và Quy chế quản lý kiến trúc khác có liên quan trong khu vực.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho biết, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử cũng đặt ra các giải pháp về không gian ngầm, theo đó không gian xây dựng ngầm đô thị được xác định thực hiện theo Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội và các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; phát triển đô thị theo mô hình TOD (Phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng). Riêng đối với khu phố cổ cho phép xây dựng tầng hầm với yêu cầu đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, công nghệ, an toàn, PCCC… khi khai thác sử dụng.
Đối với các khu chung cư cũ (tập trung) cơ bản cập nhật ranh giới phạm vi khu vực nghiên cứu, quy mô dân số, chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc. Đối với các nhà ở chung cư cũ riêng lẻ nằm xen cài trong các khu dân cư hiện có, khi cải tạo xây dựng lại, nghiên cứu theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và chỗ đỗ xe, đảm bảo không gia tăng dân số...
Cũng theo ông Lưu Quang Huy, trong các đồ án quy hoạch phân khu phần lớn được nghiên cứu xây dựng ngầm kết hợp trong các khu cây xanh công viên vườn hoa, quảng trường có điều kiện thuận lợi về mặt bằng đất đai, công trình công cộng lớn, tại các khu đất tái thiết, bảo đảm chỉ tiêu diện tích 2,5m2/người. Thành phố định hướng xây dựng thành các gara đỗ xe nhiều tầng (ngầm hoặc nổi) để tiết kiệm quỹ đất, nâng cao công suất đỗ xe. Đối với các công trình xây dựng, yêu cầu tăng tầng hầm để đáp ứng nhu cầu bản thân công trình và một phần công cộng.
Mong chờ bước tiến mới của quy hoạch nội đô lịch sử
Chủ trương giãn dân phố cổ được TP. Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước. Đề án giãn dân phố cổ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 1998 với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2020. Thành phố đã lên kế hoạch khởi công dự án từ năm 2002 với mục tiêu bước đầu di dời khoảng 7.000 dân tới khu đô thị Việt Hưng nhưng đến thời điểm hiện tại công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc bởi nhiều lý do.
Chính vì vậy, với bà Phương, người sinh sống tại ngõ Trung Yên, phường Hàng Bạc kỳ vọng Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ đem đến sự thay đổi cho người dân phố cổ. Bởi hiện gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác tại con ngõ này tuy điều kiện sống bất tiện do diện tích chật chội. Người dân mong chờ chính sách mới với các giải pháp cụ thể, hợp lý, tạo cơ hội cho người dân có cơ hội làm ăn sinh sống nếu chuyển đến nơi ở mới.
Là người sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, bà Thanh Hằng, hiện sống tại C3 Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, Đống Đa có số lượng nhà chung cư cũ rất lớn đặc biệt là tại phường Thành Công và Nam Thành Công. Vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ từng nhiều lần được đặt ra, nhưng đến nay vẫn bế tắc, người dân mong muốn với Quy hoạch phân khu nội đô, chính quyền các cấp tập trung giải bài toán về công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng tại các đô thị nhằm bảo đảm điều kiện sống an toàn cho người dân đồng thời cải tạo, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.
Người dân Thủ đô kỳ vọng Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố và triển khai sẽ bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân theo đúng định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ