loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật năm 2017 do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.
1/ Vượt khó khăn, hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra.
GDP tăng trưởng khoảng 6,81%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 33 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, hơn 120 ngàn doanh nghiệp thành lập mới...
Những kết quả này tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
2/ APEC 2017: Thúc đẩy hợp tác khu vực, nâng cao vị thế Việt Nam
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công rực rỡ, toàn diện cả trên phương diện song phương và đa phương, đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
3/ Xử lý nghiêm nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực
Năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, như vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank; vụ án Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm xảy ra tại Công ty Housing Group...
Việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, làm rõ sai phạm liên quan đến nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, buộc các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; xử lý nghiêm cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu, ở trung ương và địa phương, thể hiện rõ không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm, sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
4/ Ban hành Nghị quyết xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân
Ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày 3/10, Chính phủ ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết trên. Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP sẽ tăng tương ứng khoảng 50%, 55% và 60 - 65%.
5/ Một số dự án BOT giao thông gây “nóng” dư luận
Năm qua, dư luận xã hội liên tục “nóng” lên trước những bất cập xung quanh một số dự án BOT giao thông mặc dù chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn, nhiều dự án BOT góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế một số địa phương.
Để tháo gỡ những vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình thực hiện có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì cần phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa đổi.
6/ Nghị quyết về tinh gọn hệ thống chính trị đi vào cuộc sống
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được triển khai mạnh mẽ, tạo chuyển biến bước đầu trong việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế; tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính…
Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương này.
7/ Ngành y tế đối mặt với dịch sốt xuất huyết, nhiều sự cố y tế nghiêm trọng
Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, khiến 163.600 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện, 30 trường hợp tử vong.
Cũng trong năm qua, ngành y tế đối mặt với nhiều vụ việc nghiêm trọng: sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 người chết tại Hòa Bình, vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bắc Ninh, vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc điều trị ung thư…
Các vụ việc này đòi hỏi ngành y tế cần sớm có biện pháp hữu hiệu về công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác quản lý, lấy lại niềm tin của xã hội.
8/ Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực, quốc tế
Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ ba toàn đoàn với 58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc và 60 huy chương đồng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29) diễn ra tại Malaysia từ ngày 19-31/8/2017. Trong đó, điền kinh thắng lớn với 17 huy chương vàng, bơi lội giành 10 huy chương vàng…
Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công giành huy chương vàng giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2017, đồng thời phá kỷ lục thế giới hạng 49kg nam của chính mình, trở thành vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam xuất sắc nhất lịch sử với đủ bộ sưu tập huy chương vàng Paralympic, thế giới, châu Á và Đông Nam Á.
9/ Bão số 12 làm 107 người chết, gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng
Bão số 12 (Damrey), cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, bất ngờ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương, 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 3.500 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá bão số 12 gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản (375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng).
10/ Thêm hai di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh
Trong hai ngày 7 – 8/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), UNESCO đã đưa Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong đó, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển từ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục di sản trên nhờ những nỗ lực to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản này suốt sáu năm qua.
Chính phủ đã công bố Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia thảo luận.
TTXVN
loading...