loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương bàn về những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được tổ chức sáng 28/12, Chính phủ đã công bố Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia thảo luận.
Nghị quyết này là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính Nhà nước trong năm 2018.
Dự thảo Nghị quyết gồm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong các ngành, lĩnh vực.
Đó là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%); trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0% (nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,5%, thủy sản 5%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (công nghiệp 7,3%, xây dựng 9,2%); khu vực dịch vụ 7,4%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng 7% - 8%); trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36 - 37 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 15 triệu lượt. Cùng với đó, năm 2018 có 2 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng như thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp.
Về các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng, năm 2018 phấn đấu tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; năng suất lao động tăng 5,9%; tỷ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%.
Về tăng thu ngân sách Nhà nước đạt 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi ngân sách Nhà nước, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.
Dự thảo Nghị quyết cũng xác định rõ, năm 2018 sẽ đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN-4…
Chính phủ nhận định, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Do đó để đạt các mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Trong đó, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, ổn định thị trường ngoại tệ; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; đơn giản hóa thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, nhất là kiểm tra chuyên ngành; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đây là một trong những nhiệm vụ được đề cập đậm nét trong Dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, Dự thảo đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.
Trong năm 2018 phải tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể, thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cùng đó, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch; tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự thảo cũng đề cập tới việc đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch... Đồng thời rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, nâng cao hiệu quả điều phối liên kết vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó quản lý chặt chẽ, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích; kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và có cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường.
Nhiệm vụ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính cũng là nội dung quan trọng được Chính phủ đề cập trong Dự thảo Nghị quyết này; trong đó giải pháp thực hiện là tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Với 86,56% đại biểu tán thành, sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
TTXVN/Thu Anh
loading...