World Cup và muôn kiểu mê tín
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá chuyên nghiệp ngày nay phổ biến câu nói: “Nếu mê tín dị đoan quyết định kết quả thì tất cả các trận cầu đều kết thúc với tỷ số hòa”.
Nhưng từ xưa nay, CĐV chưa bao giờ ngừng cầu nguyện bằng cả đức tin hoặc thứ mà họ cho là phép màu, để “giúp” cho đội nhà chiến thắng.
CĐV có thể kiểm soát trận cầu?
Dù phải mặc đi mặc lại chiếc quần ngố đã từng diện trong một dịp đội nhà thắng cuộc, hoặc hy sinh 1 con gà để cúng tế, nhiều người hâm mộ bóng đá vẫn tin rằng kết quả của trận đấu theo cách nào đó vẫn nằm trong quyền kiểm soát của mình. “Tôi viết tên đối phương lên một mảnh giấy, đặt nó vào lọ thủy tinh rồi cho lọ vào trong tủ đá” - Heraldo Souza da Silva, một doanh nhân người Brazil, giải thích về kế sách để làm “tê cứng” đối thủ. Thường thì cách thức này được Heraldo sử dụng mỗi khi đội bóng địa phương Esporte Clube Vitoria thi đấu. Khi World Cup diễn ra ở Brazil, anh dùng nó để “hỗ trợ” cho Neymar và đồng đội.
Trong bóng đá, tài năng đôi khi không thể quyết định tất cả. May mắn vẫn luôn ẩn hiện như cầu thủ thứ 12 trên sân. Lịch sử đã chứng kiến không ít những bất ngờ như vậy. World Cup năm 1950, Mỹ đã đánh bại Anh 1-0 cũng trên đất Brazil. Một chiến tích của đội bóng được tạo nên bởi những cầu thủ có nghề bán thời gian là giáo viên hay lái xe tang lễ, trước một đối thủ được coi là hay nhất của bóng đá thế giới.
“May mắn luôn tồn tại, chắc chắn, nhưng người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt không gọi đó là may mắn” - Ordep Serra, một giáo sư nhân chủng học chuyên nghiên cứu về vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng, cho biết. “Đối với họ, chiến tích đến nhờ có sự cầu nguyện, nhờ nghi lễ mà họ đã tiến hành”.
Muôn kiểu mê tín
Tại một quán bar trước sân Maracana, Roberto Sant'Ana bỏ 3 viên đá cuội màu trắng vào túi quần trước khi vào sân. Anh tin rằng nếu làm vậy, Brazil sẽ chiến thắng. “World Cup 2006 tại Đức, an ninh cửa SVĐ không cho tôi mang những viên đá vào, kết quả là Brazil thua cuộc”- Roberto nói. Ở Rio de Janeiro, Jose Ribeiro- một rapper, quyết định ăn chay bởi tin “với cái dạ dày trống rỗng, sẽ dễ dàng hơn trong việc chuyển năng lượng của anh cho các cầu thủ Brazil”.
Những người vô thần ở Brazil khi mùa World Cup đến, cũng có những ngoại lệ. Họ chấp nhận sự dằn vặt của lý trí để cầu xin thánh thần giúp đỡ cho đội bóng của mình.
Không chỉ CĐV, cầu thủ thi đấu ở Brazil Hè này cũng mê tín dị đoan, lặp lại những hành động mà họ cho rằng đã đem thành công tới.
Chẳng hạn khi ra sân, Leighton Baines sẽ cúi xuống buộc lại dây giày, Cesc Fabregas hôn chiếc nhẫn được bạn gái tặng 4 lần còn Iker Casillas nhảy lên chạm tay vào xà ngang khung thành anh án ngữ. Trong khi đó, Cristiano Ronaldo chọn cách nổi bật hơn, thay đổi kiểu tóc để kiếm vận may…
Một triết gia từng nói “khi con người vẫn còn tôn trọng những thế lực siêu nhiên tức là họ chưa tin vào khả năng của chính mình”. Nhưng trong bóng đá, những hành động mê tín đem lại ý nghĩa tích cực. Nó giúp giảm lo âu bằng cách tạo ra ảo giác về kiểm soát. Nó giảm căng thẳng cho các cầu thủ, nhất là khi bước vào chấm phạt đền cân não như trận Brazil-Chile đêm qua.
Neymar đã ghi bàn thắng quyết định, Julio Cesar xuất thần nhưng khi chiến thắng thuộc về mình, người Brazil vẫn thầm cảm ơn Chúa! Và đâu đó trên khán đài, có người đang mỉm cười nghĩ đến những hòn đá cuội trong túi quần.
Hân Như
Thể thao & Văn hóa