World Cup thuở 'hàn vi': Không truyền hình, chỉ có Tin nhanh và… bánh mỳ
(Thethaovanhoa.vn) - Tờ tin nhanh Espana 82 của TTXVN ra đời vào dịp FIFA tổ chức VCK World Cup 1982 tại Tây Ban Nha.
Sáng kiến ra tờ tin nhanh này được nguyên Phó TGĐ TTXVN lúc đó là nhà báo lão thành Đỗ Phượng (sau này ông lên làm TGĐ TTXVN) đề xuất và trực tiếp chỉ đạo làm với các cây bút nòng cốt lấy từ Ban Thế giới và một số đơn vị khác trong cơ quan TTXVN.
World Cup không truyền hình trực tiếp
Tôi không muốn nhắc lại đã có bao nhiêu cuộc họp bàn việc ra bản Tin nhanh Espana 82 cũng như những khó khăn bước đầu mà những người “đi tiên phong” đã trải qua để tờ báo thể thao đầu tiên của TTXVN được đến tay bạn đọc. Nhưng tôi muốn nhắc lại một vài kỷ niệm “thưở hàn vi” có thể mang tính mới mẻ và ngạc nhiên cho giới trẻ hiện nay, đặc biệt đối với các nhà báo mới vào nghề hoặc hành nghề chưa lâu.
Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, cụ thể trong ba kỳ World Cup (gồm Espana 82, Mexico 86 và Italia 90), truyền thông của nước ta chưa phát triển như hiện nay và Internet chưa ra đời, chỉ có duy nhất kênh truyền hình VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam” (VOV) và TTXVN cùng mạng lưới báo in thuộc 64 tỉnh-thành.
Việt Nam vừa trải qua hai cuộc chiến tranh nên khó khăn kinh tế-tài chính chồng chất, vì vậy, muốn biết sớm kết quả thi đấu tại VCK World Cup thì các fan chỉ có thể xem tin buổi sáng trên tivi, nghe đài hoặc đọc tin TTXVN, trước hết là tờ Tin nhanh Thể thao.
Phải thú thật fan bóng đá Việt Nam thuộc diện cuồng nhiệt nhất thế giới. Xin lưu ý cho đây không phải đánh giá của riêng tác giả bài báo này, mà còn là nhận xét của nhà báo Nga Yuryi Denisovich có hơn 15 năm công tác tại nước ta với tư cách PV thường trú của Hãng Thông tấn Nga ITAR-TASS.
Cả tôi và nhà báo Denisovich đều không cường điệu về các fan của Việt Nam. Tôi nhớ các trận đấu cuối cùng của Espana 82 kết thúc vào 3-4 giờ sáng (giờ Hà Nội) và chỉ sau đó ít phút, hàng trăm fan đã tụ tập ngoài cổng nhà 5 Lý Thường Kiệt (trụ sở TTXVN) để săn đón kết quả.
“Mời anh hai dưỡng sức để phục vụ chúng em”
Sở dĩ có “hiện tượng” này là vì có một đôi lần, một vài phương tiện truyền thông đưa tin về kết quả các trận đấu, nhưng mới nêu ra con số ở phút 89 chứ chưa phải là kết quả chung cuộc nên không ít fan bị “hố”. Họ xem “tin giờ chót” của TTXVN và đề nghị Ban biên tập tờ tin nhanh Espana 82 nên có thông báo nhanh về kết quả các trận đấu.
Theo sự phân công, khoảng 4-5 giờ sáng hàng ngày tôi đưa thông báo này dán lên tấm bảng đặt ngoài cổng cơ quan. Nhiều lần thành quen, vừa thấy bóng tôi là họ đon đả chào đón. Có fan thậm chí mua cả bánh mì pa-tê “mời anh hai dưỡng sức để phục vụ bọn em dài dài”. Cũng xin nhắc lại vào những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước ta còn nghèo nên cuộc sống của mọi người còn khó khăn lắm.
Ngoài trách nhiệm và lòng yêu nghề ra, chúng tôi đã nhận được sự động viên rất lớn từ đông đảo fan hâm mộ. Sáng sáng cứ thấy người xếp hàng đông nghịt trước các quầy báo để mua Tin nhanh Espana 82 là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Hàng người rồng rắn như vậy đã nhiều lần được đăng tải bằng ảnh trên Tin nhanh Espana 82. Có lúc các bản Tin nhanh World Cup của TTXVN đã có số lượng phát hành mỗi số lên tới 120-150 nghìn bản.
Chính thành công của Tin nhanh Espana 82 đã góp phần hình thành Tòa soạn báo Thể Thao & Văn Hóa, tạo thêm một kênh thông tin mới cho TTXVN.
VCK World Cup Brazil 2014 đã cận kề. Sự hâm mộ đối với ngày hội bóng đá thế giới của các fan Việt Nam ngày càng tăng và mong rằng họ vẫn giữ được tình yêu thuở nào với Tin nhanh World Cup của TT&VH trong thời Internet bùng nổ này.
Suýt bị cướp vì… World Cup Thủa "hàn vi" ấy, làm đêm có lúc cũng không thể tránh hiểm nguy. Tôi nhớ một lần vào khoảng 12 giờ đêm tôi có việc gia đình gấp phải về nhà ở Khu tập thể Khương Thượng. Thông thường thì tôi đạp xe dọc phố Trần Hưng Đạo, ra ga Hà Nội để theo Đường Nam Bộ (Đường Lê Duẩn-Giải Phóng hiện nay) tới Khu tập thể Kim Liên-Khương Thượng. Khi tới trước Nhà hát Nhân Dân (Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội ngày nay), tôi bị 4 “chàng nhóc” chặn đường đòi “để lại xe và đồng hồ thì bảo toàn tính mạng”. Thời đó, chiếc xe đạp là cả một tài sản đối với mọi gia đình, chưa kể chiếc xe “cuốc” (xe thể thao Liên Xô) tôi mua được nhờ chắt chiu tiền học bổng của 6 năm trời theo học tại trường Lomonosov. Rất may bọn trấn lột không mang theo gậy, mà chỉ có một tên cầm con dao nhỏ sáng loáng. Tôi vừa lùi vào tường Nhà hát Nhân Dân để che chắn phía sau lưng, vừa cầm xe lên hai tay với chủ định nếu bọn chúng lao vào thì tôi sẽ dùng xe đạp làm vũ khí tự vệ. May thay lúc đó, một chiếc xe con phóng từ phía Ga Hà Nội về phía chúng tôi khiến 4 “chàng nhóc” bỏ chạy và tôi cũng phóc ngay lên xe lao vút đi. |
Đình Lanh
Thể thao & Văn hóa