World Cup không có chỗ cho những 'phát minh'!
(Thethaovanhoa.vn) - World Cup là giải đấu ngắn, nơi đòi hỏi sự thận trọng cao nhất. Vì thế, rất khó chờ đợi các trận đấu sắp tới ở Brazil là màn trình diễn của những sắc thái chiến thuật.
Áp lực thành tích đến từ nhiều phía không cho phép các HLV dám mạo hiểm với những điều mới mẻ.
Trên nền tảng có sẵn
Có một thực tế không thể phủ nhận, phần lớn những ứng viên sáng giá trong cuộc đua ở Brazil đều dựa nhiều vào một bộ khung cấp CLB. ĐKVĐ Tây Ban Nha có 7 cầu thủ Barca, bằng tổng số thành viên những đội đá chung kết Champions League, Real Madrid và Atletico. Italy dựa trên những trụ cột Juve; Đức lấy nền tảng từ các ngôi sao Bayern Munich, những người vô địch Champions League 2013 và đang thống trị Bundesliga.
Ngay Mexico, đội tuyển của nhiều ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu, cũng có nòng cốt là America, vốn là CLB cũ của HLV Miguel Herrera. Nga, đội duy nhất đến Brazil mà không có cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài, được xây dựng trên nền tảng CSKA Moskva.
Nhìn vào quá khứ, những đội bóng chiến thắng gần đây cũng dựa vào một CLB nào đó để làm chủ đạo, về con người lẫn chiến thuật. 4 năm trước, người ta vẫn bảo Del Bosque đã bê y nguyên triết lý mà Pep Guardiola xây dựng để đưa TBN đến với chức VĐTG đầu tiên trong lịch sử. Del Bosque đã làm mới chiến thuật tiki-taka, chứ không ôm khư khư một cách vận hành của Pep, nhưng đúng là “La Roja” mang hình bóng Barca trong đó.
Hai năm trước, khi TBN đăng quang ở Ba Lan – Ukraine, vẫn là nền tảng Barca được duy trì. Chỉ là, chiến thuật có chút thay đổi, khi Del Bosque cho cầu thủ cầm bóng nhiều hơn, mà không phải lúc nào cũng tấn công. “La Roja” hai năm trước ru ngủ đối thủ, và ru ngủ cả khán giả. Nhưng đó không phải cách mạng về chiến thuật. Del Bosque là một chuyên gia khi mang đến sự linh hoạt chiến thuật, nhưng không phải nhà cách mạng.
Năm 2006, Marcello Lippi đã chiến thắng với hình mẫu Juve, từng được ông đưa lên đỉnh cao, và sau đó Fabio Capello thổi vào luồng gió mới. Ở World Cup 1974, Tây Đức có 7 thành viên Bayern, thì 6 người đá chính trận chung kết. Berti Vogts là người duy nhất không thuộc Bayern đứng trong bộ tứ hàng thủ được chỉ huy bởi đội trưởng Beckenbauer. HLV Helmut Schoen đã mang bộ khung Bayern lần đầu tiên vô địch châu Âu (Cúp C1) đến World Cup, và Tây Đức giành chức VĐTG đầu tiên.
Không có chỗ cho phát kiến
Brazil, Argentina và Pháp là 3 đội bóng không dựa trên nền tảng CLB nào. Đây đều là những nền bóng đá xuất khẩu cầu thủ, và các CLB trong nước không có nền tảng nội thực sự “khủng”. Nhưng HLV Scolari và Deschamps đều duy trì nền tảng chiến thuật từ những người đi trước để lại, và chỉ thay đổi một vài chỗ. Sabella của Argentina thì loay hoay giữa nhiều sơ đồ, đơn giản bởi vì người tiền nhiệm Maradona không để cho ông điều tích cực nào về chiến thuật.
Van Gaal đang thử nghiệm lối đá tử thủ 5-3-2 cho Hà Lan, nhưng đó cũng không thể xem là cách mạng, dù điều này đi ngược truyền thống tấn công của “cơn lốc màu da cam”.
Phải thừa nhận rằng, các HLV ĐTQG không có nhiều thời gian để thử nghiệm bất kỳ điều gì. Họ chỉ có vài ngày để bước vào trận đấu. Thời gian dành cho World Cup cũng chỉ là 3 tuần. Thời gian với họ là một thứ phù phiếm, nên không thể đòi hỏi phát kiến mới.
Áp lực thành công, từ liên đoàn, truyền thông và người hâm mộ càng khiến những điều mới mẻ khó xuất hiện cùng các HLV cấp ĐTQG. Một thất bại với CLB vẫn có thể sửa sai. Nhưng một trận thua ở World Cup đồng nghĩa cơ hội giành vinh quang mất đi một nửa, vì không có thời gian để sửa chữa. Slaven Bilic, một trong những HLV vĩ đại nhất Croatia, luôn phải nhờ đồng xu để đưa ra các quyết định về chiến thuật mà mình sử dụng, dù bản thân ông cực giỏi khi chuyển đổi từ sơ đồ này sang sơ đồ khác.
Trước áp lực và nhiều vấn đề, việc sử dụng thành công một bộ khung của người khác làm công cụ chiến thắng cho mình không phải chắc chắn dễ dàng. Thế nên, những con người như Del Bosque, Scolari, Lippi, Schoen và các HLV từng giành chức VĐTG khác thực sự vĩ đại và đáng để thế giới ngưỡng mộ.
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa