Nỗi thất vọng của bóng đá Trung Quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Các đội bóng Trung Quốc từng ôm tham vọng và bạo chi trong một nỗ lực táo bạo nhằm định hình lại môn thể thao của họ. Khó tin là vào lúc này, họ thậm chí còn không thể ra sân.
Các email và thư phàn nàn về lương lậu không được trả đã chất thành đống trong nhiều tháng. Một số tuyên bố mất hàng nghìn USD. Những người khác thì đòi được một ít. Còn một vài người trong số đó đã đến văn phòng của FIFA tại Zurich, chẳng hạn như những cầu thủ Nam Mỹ nổi tiếng, khi số tiền lên tới hàng triệu USD.
Giải đấu bóng đá hàng đầu của Trung Quốc - cách đây không lâu được coi là mặt trận mới của môn thể thao này nhờ vào nửa thập kỷ hỗ trợ đắc lực, những ông chủ đầy tham vọng và giai đoạn chi tiêu vô tội vạ đã thu hút nhiều cầu thủ hàng đầu với mức lương khủng - đang có một cuộc khủng hoảng tồn tại. Các công ty từng bỏ ra hàng chục triệu USD để có được cầu thủ giờ không thể thanh toán các hóa đơn của họ. Thật khó tin là giải đấu hàng đầu Super League giờ đã không được tổ chức trong nhiều tháng.
Thiếu tiền
Tin xấu lan truyền từng đợt. Hồi tháng 2, Giang Tô Tô Ninh FC đột ngột bị nhà bán lẻ điện tử sở hữu đội bóng đóng cửa, chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi họ vô địch Super League. Trong thời gian đó, một thông tin mới được tung ra, một trong những CLB lớn nhất của Trung Quốc đã bốc hơi, khiến các cầu thủ của họ không được trả lương và khiến tất cả hoài nghi về dự án nhằm đưa bóng đá Trung Quốc từ vùng trũng trở thành một trong những siêu cường.
Và sự sụp đổ tại Giang Tô có vẻ như là một điềm báo của những rắc rối lớn hơn. Mùa giải đã nhiều lần bị gián đoạn để phù hợp với lịch thi đấu vòng loại World Cup của đội tuyển Trung Quốc và giờ sẽ không tiếp tục cho đến tháng 12. Cho đến lúc đó, các CLB sẽ có rất ít hoặc không có cơ hội tiếp cận những cầu thủ tốt nhất của họ.
Gần đây, những nghi ngờ đã được đặt ra về khả năng tiếp tục tồn tại của đội thành công nhất Trung Quốc, Quảng Châu FC. Cuộc khủng hoảng tiền mặt tại công ty mẹ của nó, tập đoàn bất động sản Hằng Đại, thậm chí đang nghiêm trọng đến mức nó có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho nền kinh tế rộng lớn hơn.
Mới đây, Quảng Châu đã đồng ý chia tay HLV của mình, Fabio Cannavaro, một trong những HLV được trả lương cao nhất trong làng bóng đá thế giới. Các quan chức và cầu thủ của những đội bóng khác cũng đã đồng ý chấm dứt hợp đồng dài hạn với suy nghĩ họ sẽ được trả lương. Trong số này có Fernando Martins và Renato Augusto, hai ngôi sao Brazil trong danh sách ngày càng tăng những cầu thủ nộp đơn khiếu nại lên FIFA. Cả hai đã được CLB cũ của họ, Bắc Kinh Quốc An, giải phóng hợp đồng và họ đã chờ các khoản thanh toán đầu tiên của mình vào tháng 8.
Thế nhưng, các cầu thủ cho biết tiền vẫn chưa được trả.
Trong khi đó, các quan chức tại phòng giải quyết tranh chấp của FIFA tiết lộ họ đang phân tích tình hình. Họ có quyền đình chỉ các CLB ở bất kì quốc gia nào đăng kí bản hợp đồng mới cho đến khi họ giải quyết xong các khoản nợ lương chưa thanh toán. Một số đội bóng Trung Quốc dường như đã phải chịu những lệnh cấm như vậy: Một báo cáo gần đây ở Trung Quốc cho biết Vũ Hán FC, thuộc sở hữu của một tập đoàn bất động sản khác, Vũ Hán Trác Nhĩ Development Holding Co., đã bị đình chỉ mua cầu thủ mới.
Tuy nhiên, các hình phạt và lệnh cấm chuyển nhượng có thể không đủ răn đe để giúp những người cầu thủ khác đòi lại những gì họ đang bị nợ. Hậu vệ người Brazil là Miranda bị nợ hơn 10 triệu USD khi Giang Tô Tô Ninh đóng cửa và các luật sư của anh đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc giúp anh đòi lại khoản thu nhập bị mất.
Ít nhất thì Miranda, 37 tuổi, vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp của mình: Anh nhanh chóng có được một vị trí - và một hợp đồng mới hấp dẫn - tại Sao Paulo, đội bóng ở giải vô địch Brazil. Ngược lại, đó là điều khó có thể xảy ra đối với hàng chục cầu thủ quốc tịch Trung Quốc, những người đã không được trả lương hoặc bị CLB của họ loại bỏ trong những tháng gần đây.
Trạng thái đã thay đổi
Triển vọng cho giải vô địch Trung Quốc là không rõ ràng. Thị trường dành cho các cầu thủ nước ngoài hàng đầu và việc họ sẵn sàng đến Trung Quốc trong bối cảnh câu chuyện về mức lương không được đáp ứng, đã biến mất. Và số phận của các CLB và những người làm việc trong nền kinh tế bóng đá của Trung Quốc cũng đang là dấu hỏi lớn trước sự thất thường của các quan chức bóng đá địa phương, sức khỏe tài chính của các nhà đầu tư chính của giải đấu, điển hình là các doanh nghiệp bất động sản, đã khiến giải đấu được biết đến như là giải đấu bất động sản thay vì Super League.
Rõ ràng, những ngày nhận trả lương hấp dẫn chắc chắn đã kết thúc. Carlos Tevez từng kiếm được 40 triệu USD chỉ trong một mùa giải không hiệu quả từ Thân Hoa Thượng Hải, đội bóng thuộc sở hữu của công ty bất động sản Greenland Group. Những cầu thủ hàng đầu của Brazil như Hulk và Oscar nhận được mức lương cao ngất ngưởng, nhưng những người khác cũng vậy: Có thời điểm, mức lương của Dario Conca, một tiền đạo ít tên tuổi người Argentina, được cho là đã khiến anh trở thành cầu thủ được trả lương cao thứ 3 trên thế giới.
Không phủ nhận là trong những năm gần đây, Super League đã cố gắng kiềm chế tình trạng bội chi tràn lan bằng cách ban hành các quy định mới, bao gồm thuế nhập khẩu và giới hạn đối với cầu thủ nước ngoài. Họ cũng đưa ra các quy định trong mùa giải này là cấm các công ty gắn thương hiệu của họ với thương hiệu của các đội mà họ sở hữu, buộc các doanh nghiệp như Hằng Đại và Greenland phải đổi tên CLB của họ một cách miễn cưỡng.
Thêm vào đó là sự không chắc chắn của lịch thi đấu. Hồi tháng 7, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc thông báo sẽ giảm số vòng từ 30 xuống 22 - một đòn khác đối với các đội bóng đang khao khát doanh thu - và điều chỉnh lịch trình để phù hợp vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển quốc gia.
"Nếu một giải đấu dễ uốn nắn đến mức có thể dừng lại và bắt đầu theo lịch thi đấu của đội tuyển quốc gia, tất cả có thể thấy các ưu tiên nằm ở đâu", Zhe Ji, giám đốc của Red Lantern, một công ty tiếp thị thể thao làm việc tại Trung Quốc cho các đội hàng đầu châu Âu, nói.
Trung Quốc mới chỉ dự World Cup một lần, vào năm 2002, để thua cả 3 trận mà không ghi được bàn thắng nào. Xây dựng một đội tuyển có khả năng cạnh tranh không chỉ đơn thuần tham dự các giải đấu trong tương lai vẫn là một thành phần quan trọng trong kế hoạch phát triển bóng đá của Trung Quốc và các khoản đầu tư của Super League vào các cầu thủ nước ngoài, HLV nước ngoài và cơ sở vật chất xa hoa đã được coi là một cách để tăng cường điều đó.
Thế nhưng, bất chấp số tiền mà người Trung Quốc bỏ ra, những hi vọng về những cầu thủ mới đến sẽ nâng cao chất lượng của các cầu thủ trong nước, kết quả vẫn rất thất vọng. Đội tuyển Trung Quốc hiện chỉ đứng trên Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và gần như không còn cơ hội đến Qatar vào năm sau.
Mạnh Hào