World Cup 2018 sẽ không hấp dẫn bằng Champions League?
(Thethaovanhoa.vn) – Hơn hai tuần sau khi Champions League kết thúc, VCK World Cup 2018 sẽ chính thức khởi tranh. Một câu hỏi đặt ra với người hâm mộ: giải đấu nào thực sự hấp dẫn hơn?
- Real Madrid 3-1 Liverpool: Bale lập cú đúp, Real Madrid lần thứ 3 liên tiếp vô địch Champions League
Cách đây 25 năm, khi được hỏi về khác biệt giữa bóng đá cấp CLB, và cấp ĐTQG, HLV huyền thoại Arrigo Sacchi đã đưa ra một kết luận đơn giản rằng "Bóng đá phải luôn được thể hiện ở mức độ cao nhất có thể, và không CLB nào đạt tới tầm của ĐTQG".
Thay đổi từ phán quyết Bosman
Ngày ấy, đó là tuyên bố chính xác: các giải đấu cấp ĐTQG khi ấy mới được coi là quan trọng, còn bóng đá cấp CLB dường như chỉ đóng vai trò thứ yếu nếu mang ra so sánh. Nhưng bây giờ, quan niệm ấy cần phải thay đổi. Vì vô vàn lý do, ít người tin rằng bóng đá cấp ĐTQG lại ở trên tầm bóng đá CLB nữa. Và VCK World Cup 2018 này có thể là một minh chứng.
Sự phát triển quan trọng nhất trong quá trình dịch chuyển quyền lực từ cấp CLB sang ĐTQG là khi phán quyết Bosman ra đời năm 1995. Và lần đầu tiên trong lịch sử, các đội bóng nằm trong EU có thể sử dụng tùy thích về số lượng cầu thủ nước ngoài nhưng mang hộ chiếu EU.
Phán quyết này đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các CLB hàng đầu châu Âu. Trước đây, đội hình xuất phát của họ bao giờ cũng bao gồm (ít nhất) 8 cầu thủ nội cộng với bộ ba cầu thủ nước ngoài có chất lượng. Bây giờ, đột nhiên, họ có thể tung ra đội hình gồm 11 cầu thủ nước ngoài. Thực tế, Chelsea đã làm điều đó vào cuối năm 1999. Các CLB hàng đầu có thể tập hợp được các tài năng từ khắp châu lục và tự do xây dựng đội hình của mình mạnh mẽ hơn nhiều so với sự tưởng tượng của các HLV ĐTQG.
Bước phát triển tiếp theo là sự bất bình đẳng về tài chính giữa các giải đấu hàng đầu châu Âu, và nó được thúc đẩy bởi doanh thu của Champions League, sự tiếp thị tinh vi, và ở một số nước, là sự phân phối bất bình đẳng về tiền bản quyền truyền hình. Kết quả: Các đội hàng đầu ngày càng thống trị đến mức đội hình hai của họ cũng mạnh hơn đội một của các đội hạng trung ở giữa BXH. Một lần nữa, thực tế này đã đẩy đẳng cấp của bóng đá cấp CLB cao hơn những gì ĐTQG có thể mường tượng.
Muốn hấp dẫn, phải pressing
Còn một nhân tố quan trọng khác nữa: mức độ tinh tế về chiến thuật ở cấp CLB cũng đã được đẩy cao hơn. Những kế hoạch mang tính chiến lược hiện nay cực kỳ phức tạp về mặt chọn vị trí, chuyền bóng, pressing, và các HLV quốc tế thường phàn nàn rằng họ không có đủ thời gian để nhân rộng những buổi tập luyện. Trong vòng một thập kỷ qua, định nghĩa HLV đã nghiêng về mặt chiến thuật hơn là quản trị nhân sự, hay phát triển tài năng.
Nhưng lý do khiến VCK năm nay, ít nhất là ở giai đoạn đầu, lép vế so với Champion League là nỗi ám ảnh về pressing của những HLV tại các CLB hàng đầu trong vài năm qua. Dĩ nhiên, pressing không phải khái niệm mới mẻ gì, nhưng sự phổ biến của nó đã tăng đáng kể thời gian qua. Liverpool và Tottenham – những đội bóng có tổ chức và đá rất nhiệt - là những minh chứng rõ nét. Spurs của Pochettino pressing tốt trước khi kiểm soát bóng tốt, trong khi Liverpool của Klopp rất đáng sợ khi phản công.
Sự nổi lên của pressing quá đặc biệt, thành công, và phổ biến và được mong chờ ở các đội bóng lớn. Khán giả đã quen với thứ bóng đá cuồng nhiệt, tràn đầy năng lượng của Liverpool ở Champions League mùa này, chứ không phải thứ bóng đá thận trọng, đặt hiệu quả lên đầu mà rất có thể nhiều đội sẽ áp dụng ở nước Nga hè này.
Chiến thắng 1-0 của Chelsea trước M.U tại chung kết cúp FA là một trận đấu hoàn hảo với chất lượng kỹ thuật tốt. Đó là màn trình diễn cá nhân tuyệt vời của Eden Hazard, và là cuộc so tài chiến thuật thú vị giữa Conte và Mourinho, và đi kèm với đó là những căng thẳng cũng như những cơ hội. Tóm lại nó hội tụ đủ những thành tố của một trận đấu hay, nhất là trong bối cảnh của một trận chung kết. Nhưng trận đấu này vẫn bị chê bai, vì khán giả thất vọng với tốc độ chậm và thiếu pressing.
Pressing ở World Cup là rất mạo hiểm
Nếu trận M.U - Chelsea mà còn bị coi là không hấp dẫn, thì đó có lẽ là cảm giác của những người sẽ theo dõi World Cup. Pressing ở cấp độ ĐTQG là rất hiếm hoi. Lý do: các cầu thủ tập hợp từ tứ xứ và ít có thời gian tập luyện nhuần nhuyễn với nhau. Hơn thế nữa, họ cũng mệt mỏi sau một mùa giải đằng đẵng. Và từ các HLV cho đến cầu thủ, không ai thích thú với ý tưởng presssing cả 7 trận trong vòng 1 tháng (nếu họ đi đến chung kết).
Sẽ có rất ít đội pressing tại World Cup hè này. Căn cứ vào những màn trình diễn ở vòng loại, Tây Ban Nha và Đức là những ngoại lệ hiếm hoi theo đuổi lối đá này. Jorge Sampaoli cũng có triết lý tương tự về presssing và có thể áp dụng nó với Argentina, nhưng sau thảm bại 1-6 trước Tây Ban Nha hồi tháng Ba, có thể ông sẽ nghĩ lại. Brazil, Anh, Pháp, và Bỉ có thể dâng cao gây sức ép trước những đội yếu hơn, nhưng khi gặp những đội đồng cân đồng lạng, họ vẫn thích lùi sâu và phản công hơn.
Phần lớn những đội bóng ở World Cup lần này sẽ lựa chọn lối tiếp cận thận trọng. Bảng A (Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, Uruguay) và H (Ba Lan, Senegal, Colombia, Nhật Bản) có lẽ là những minh chứng rõ ràng nhất. Những đội trong hai bảng này đều có xu hướng lùi sâu về phần sân nhà để chờ đối phương sơ hở. Ngoài ra, VCK World Cup lần này chỉ có tầm 6, 7 đội là có chiều sâu đội hình thực sự, nên trong một hai tuần đầu tiên, sẽ có không ít trận không có được chất lượng cũng như sự hấp dẫn được như kỳ vọng.
Rõ ràng, bóng đá ĐTQG đang thua kém bóng đá cấp CLB về sức hấp dẫn, ít nhất là ở vòng đấu bảng của World Cup 2018.
Tuấn Cương
Theo ESPN