WHO: 115.000 nhân viên y tế trên toàn thế giới đã qua đời vì Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến nay đã có ít nhất 115.000 nhân viên y tế qua đời vì Covid-19 kể từ khi đại dịch xuất hiện, đồng thời ông kêu gọi mở rộng quy mô tiêm chủng ở tất cả các nước.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi những hy sinh của các nhân viên y tế trên toàn thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ: “Trong gần 18 tháng, đội ngũ bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết".
“Những người này đã cứu rất nhiều mạng sống, họ đã chiến đấu vì những người khác", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nhiều người đã bị nhiễm bệnh. Chúng tôi ước tính, ít nhất 115.000 nhân viên y tế và người chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình để chăm sóc cho những người khác, Người đứng đầu WHO cho hay.
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này, nhiều nhân viên y tế đã cảm thấy "thất vọng, bất lực vì không được bảo vệ, họ thậm chí còn không được tiếp cận với các thiết bị bảo vệ cá nhân hay vắc xin.", lãnh đạo WHO nói.
Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với vắc xin của lực lượng tuyến đầu đang "kéo dài đại dịch." Cho đến nay, hơn 75% tổng số vắc xin COVID -19 được cung cấp ở 10 quốc gia trên thế giới.
Đáng lẽ, số lượng ít ỏi các liều vắc xin trên toàn cầu sẽ đủ để cung cấp cho tất cả các nhân viên y tế và người lớn tuổi, tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
Người đứng đầu WHO tiếp tục kêu gọi những quốc gia có nguồn dự trữ vắc xin chia sẻ vắc xin và hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất cũng như phân phối vắc xin.
Chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX đang gặp khó do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, điều này cũng trì hoãn nỗ lực triển khai các chương trình tiêm chủng ở các nước nghèo.
Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết, WHO đã chuyển hàng chục triệu liều vắc xin mà cơ quan này có được cho 125 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên con số này còn quá ít ỏi, nó chỉ đủ để trang trải cho 1 % dân số ở những quốc gia đó.
- Ấn Độ ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày thấp nhất từ giữa tháng 4
- Australia: Bào chế thành công loại thuốc mới điều trị hiệu quả Covid-19
- Mỹ cảnh báo người dân không nên đến Nhật Bản do dịch Covid-19
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, chúng ta cần phải hành động, phải khẩn trương khắc phục tình trạng mất cân bằng trong việc phân phối vắc xin.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ mạnh mẽ việc tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mỗi nước vào tháng 9 tới đây, đồng thời mở rộng phạm vi bao phủ vắc xin lên 30% dân số của các nước vào cuối năm nay.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới áp dụng logic thời chiến để chống COVID-19. "Chúng ta đang trong trận chiến với COVID-19. Chúng ta cần vận dụng tính logic và khẩn cấp của một nền kinh tế thời chiến, để tăng cao năng lực vũ khí của chúng ta", ông Guterres nhấn mạnh.
Theo Sức khỏe và Đời sống