'What A Wonderful World': Thế giới diệu kỳ của Louis Amstrong
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây gần tròn nửa thế kỷ, vào năm 1967, ca sĩ huyền thoại nhạc Jazz, Louis Amstrong cho ra mắt đĩa đơn mới nhất của mình có tên gọi, What A Wonderful World. Đó là một bài hát kỳ lạ khi thị trường Mỹ gần như dửng dưng với nó nhưng chính bài hát này lại đã nâng Louis Amstrong, từ một nghệ sỹ tài hoa, trở thành huyền thoại.
Louis Amstrong gắn chặt cuộc đời với cây trumpet và dòng nhạc Jazz sóng sánh nhưng What A Wonderful World lại chẳng dính dáng gì đến Jazz cả. Nhưng vượt lên hết thảy, nó trở thành một tuyên ngôn âm nhạc diệu kỳ của Amstrong, về cuộc sống, về chiến tranh, màu da…
Định mệnh
What A Wonderful World khởi thủy sáng tác không để dành cho Louis Amstrong mà là dành cho một giọng ca da trắng huyền thoại, Tony Bennett.
Cả 2 nhạc sĩ sáng tác bài này, Bob Thiele và George David Weiss vào thời điểm ấy quyết định sáng tác một bài hát mang hương vị tươi sáng, hòa giải, hướng về tương lai nhất là khi nước Mỹ đang bị ám đầy thuốc súng bởi cuộc chiến ở Việt Nam, những vụ ám sát, bãi khóa, phân biệt chủng tộc…
Khi sáng tác xong họ muốn một giọng ca da trắng sẽ thể hiện tinh thần ấy một cách lạc quan nhất, không ai khác hơn là giọng ca đang rất được yêu mến vào thời điểm ấy, Tony Bennett.
Nhưng đáng tiếc, Tony Bennett đã từ chối mà chẳng có lý do gì.
Sáng tác tưởng chừng sẽ bị lưu kho thì nhà sản xuất âm nhạc Artie Butler gợi ý rằng có thể đưa bài này cho Louis Amstrong, một nghệ sỹ Jazz rất được sủng ái. Không những thế Amstrong là người da màu, điều đó sẽ lôi kéo thêm được những công chúng cùng màu da.
Bên cạnh đó, dù được xem là một nghệ Jazz tài hoa từ những thập niên 1930 nhưng sang đến thời điểm 1960 thì Jazz đang bị rock ‘n roll thao túng. Những nghệ sỹ nhạc Jazz bắt đầu gặp khó khăn và bản thân Luois Amstrong cũng phải tự thay đổi dòng nhạc của mình khi vào năm 1963 ông tung ra single Hello, Dolly! thuần Pop và thắng lợi rực rỡ. Điều đó có nghĩa, giao What A Wonderful World cho Louis Amstrong là chỉ có thắng.
Và thế là cặp sáng tác Bob Thiele và George David Weiss đều đồng ý đưa bài cho Amstrong. Tháng 8/1967 họ gặp nhau và phản ứng của Louis Amstrong là rất tích cực. Ông rất thích bài hát này và hẹn gặp nhau tại Las Vegas cho phần thu âm chính thức vào ít ngày sau.
Với Louis Amstrong, bài hát này thật sự là một định mệnh bởi nó quá trùng khớp với những suy nghĩ của ông về một thế giới đang hỗn loạn và thiếu hẳn những cái nhìn tích cực ở tương lai.
Chuyện tưởng thế là xong nhưng bất ngờ Louis Amstrong bị ngáng chân bởi một người thân thiết mà suýt nữa đổ bể cả dự án.
Cấm cửa
Người ngáng chân Louis Amstrong không ai khác là Larry Newton, chủ tịch hãng đĩa ABC, hãng đĩa mà Louis Amstrong vừa về đầu quân.
Bản thân Larry Newton rất mê Amstrong, mê đắm đuối chất giọng và âm nhạc của ông. Mời Amstrong về ABC là Newton muốn tiếp tục khai thác sự vĩ đại trong giọng hát và sự thu hút đám đông khổng lồ của nghệ sỹ này. Dù không nói ra nhưng Larry Newton rất muốn Amstrong sẽ có lại những bài hit kiểu như Hello, Dolly! và tạo thêm danh tiếng cho hãng ABC.
Tháng 8/1967 ấy, Larry Newton cũng đến Las Vegas để giới thiệu Amstrong với báo giới. Ông không hề biết Amstrong cũng đến để thu âm What A Wonderful World. Sau khi họp báo xong, Amstrong đưa bài hát cho Newton xem và hy vọng ông chủ cũng sẽ rất thích nó.
Nhưng thật bất ngờ, trái ngược với sự dự đoán của toàn bộ ê-kíp, Larry Newton nhăn mày và phản đối. Ông không thích tư tưởng bài hát, ông cho rằng nhạt nhẽo và chẳng có vị gì. Nói xong Newton bỏ đi.
Chưng hửng nhưng cuối cùng cả nhóm vẫn quyết định ghi âm. Buổi ghi âm được ấn định vào 2h sáng, vừa để yên tĩnh thu âm mà cũng để tránh cho ông chủ dòm ngó.
2h sáng, tất cả có mặt tại phòng ghi âm và bất ngờ Larry Newton cũng có mặt. Chẳng biết bằng cách nào ông xông vào được tận nơi và một lần nữa cấm Louis Amstrong hát bài hát này.
Nhưng lần này thị mọi chuyện đã khác đi. Đáp lại sự thịnh nộ của ông chủ, các ê kíp đã đóng sập lại cánh cửa chính, đẩy ông chủ ra ngoài. Nhà sản xuất Artie Butler lệnh cho nhân viên bảo vệ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể cả ông chủ đòi vào cũng “cấm cửa”.
Tình hình căng như dây đàn. Với không khí ấy làm sao có thể cất nổi giọng hát? Nhưng không, bản thu hôm ấy của Louis Amstrong cũng chính là bản chính thức tồn tại gần nửa thế kỷ qua.
Có ai nghe lại bài hát này mà thấy được sự lo âu của Amstrong? Không một chút. Ngược lại, đó là bản thu vĩ đại, một giọng hát khàn nhựa chất chứa sự thiết tha và ấm áp tình người.
Amstrong bỏ tất cả mọi căng thẳng bên ngoài phòng thu. Ông trở thành một con người khác, con người của âm nhạc, được hát bài hát mà ông xem là bài hát cuộc đời.
6h sáng, tất cả hoàn thành và cả bọn cùng nhau đi ăn sáng như không có chuyện gì xảy ra.
What A Wonderful World qua phần trình bày của Louis Amstrong:
Nước Mỹ thờ ơ
Ngày 18/10/1967, single What A Wonderful World chính thức trình làng với tổng số đĩa được phát hành là… 1000 đĩa, một con số cực kỳ khiêm tốn. Ai cũng hiểu đó là màn trả thù của ông chủ tịch. Vì không “trói” được Amstrong bởi ông quá nổi tiếng nên Newton quyết định chẳng đoái hoài gì đến single này.
Không quảng bá, không “lobby” các đài phát thanh, hội quán… Và nước Mỹ khi ấy, dù chuẩn bị bước vào năm 1968 với tình hình chiến sự ở Việt Nam ngày càng căng thẳng, lại thêm chuẩn bị bầu cử tổng thống, biểu tình gia tăng, phản chiến khắp nơi…, lẽ ra phải cần một bài hát xoa dịu. Thế nhưng đáp lại, What A Wonderful World lại chẳng được ai đoái hoài.
Và đó là một sai lầm của nước Mỹ. Vài tháng sau, 4/1968, hãng EMI của Anh, đối tác của ABC đã phát hành single này tại Anh và thắng lợi là tuyệt đối. What A Wonderful World trở thành bài hát bán chạy nhất trong năm, được yêu thích nhất trong năm và đưa Louis Amstrong thành kỷ lục khi trở thành nghệ sỹ già nhất (66 tuổi) có bài quán quân tại bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh.
Và đến lúc ấy bài hát này mới tìm thấy công chúng của mình. Từ Anh, bài hát lan tỏa khắp thế giới.
Một thế giới hòa giải
What A Wonderful World nhanh chóng đưa Louis Amstrong từ tài hoa trở thành nghệ sỹ vĩ đại. Ông hát bài này với tất cả mọi cảm xúc, về một thế giới hòa giải, về bầu trời xanh và mây trắng, về những ngày tăm tối qua đi, người với người là bạn, gặp nhau bắt tay, không hận thù, không phân biệt màu da, về những đứa trẻ lớn lên và hiểu biết hơn thế hệ hệ cha ông. “Một thế giới diệu kỳ”, Louis Amstrong hát bằng tất cả niềm hy vọng.
Đã có nhiều người hỏi ông rằng tại sao giữa một thế giới chiến tranh loạn lạc như thế, khói súng khắp nơi, phân biệt đầy rẫy mà ông vẫn cứ ca ngợi “thế giới diệu kỳ”? Đáp lại, Amstrong trả lời rằng những gì đang xảy ra là do chính con người tạo nên và “thế giới này chỉ tuyệt diệu hơn nếu chúng ta cho nó những cơ hội”.
Đó cũng là tuyên ngôn âm nhạc của Louis Amstrong, người cả đời đem niềm vui đến cho mọi màu da bằng âm nhạc thuần khiết. What A Wonderful World trở thành một lọ thuốc giải độc cho những khó khăn của nước Mỹ vào thời điểm ấy. Nó được lắng nghe và thấu hiểu và cũng đưa Amstrong trở thành một đại sứ của hòa bình.
Năm 1988 bộ phim Goodmorning Vietnam đã gây chấn động và một phần trong số đó là nhạc phẩm bất hủ của Louis Amstrong bất chấp bộ phim kể về thời điểm của 1965 trong khi bài hát này mãi đến 1967 mới ra đời. Nhưng các nhà làm phim quá ấn tượng bài hát đến nỗi họ chấp nhận lùi khai sinh cho What A Wonderful World.
Cho đến giờ What A Wonderful World được xem là di sản của Mỹ, được đưa vào danh sách của Grammy và là bài hát quan trọng nhất trong sự nghiệp của Louis Amstrong.
Nhiều người đã nghĩ rằng Amstrong kiếm được rất nhiều tiền cho bài hát này. Nhưng sự thật khác rất nhiều. Ông chỉ nhận 250 USD cho phần thu âm với điều kiện tất cả các nhạc công chơi cùng cũng được trả tương tự.
Đó mới chỉ là một phần lý giải vì sao Louis Amstrong được yêu mến lâu dài đến vậy.
What A Wonderful World với sự trình bày của Eva Cassidy và Katie Melua:
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần