'Vua sườn xám' Trung Quốc: Vượt khiếm khuyết, 'trở mình' thành tỷ phú, cả đời chưa một lần than thở, chìa khoá lập kì tích dựa vào 2 chữ
Một người bình thường khởi nghiệp đã khó, vậy thì một người khuyết tật khởi nghiệp còn khó đến mức nào?
Thôi Vạn Chí (An Huy, Trung Quốc) là một người khuyết tật nhưng tinh thần của ông vô cùng mạnh mẽ, chưa bao giờ đầu hàng trước khó khăn của mình. Dù bị kỳ thị và đánh gục hết lần này đến lần khác, nhưng ông chưa bao giờ cúi đầu trước số phận. Trong từ điển của ông, không có 2 chữ BỎ CUỘC.
1. Gian khổ hoàn thành việc học
Thôi Vạn Chí là "quả táo bị thượng đế cắn dở", ông bị bại liệt bẩm sinh. Tay chân không linh hoạt, nói năng không lưu loát đã trở thành trở ngại lớn nhất trong quá trình học tập và sinh hoạt.
Trên đường đến trường có một con mương nhỏ, những đứa trẻ khác khi đi ngang đó đều nhảy qua dễ dàng, nhưng Thôi Vạn Chí thì phải ngồi xổm, chật vật trèo xuống mương, sau đó mới từ từ leo lên được bờ bên kia.
Ông nhớ lại: "Về sau, mỗi khi gặp lại khó khăn, tôi đều nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ có thể vượt qua."
Mặc dù Thôi Vạn Chí bị khuyết tật về nhưng trí não của ông rất thông minh và luôn là học sinh đứng đầu khối. Trong kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở, Thôi Vạn Chí được nhận vào một trường trung học trọng điểm ở Hợp Phì với thành tích dẫn đầu bảng.
Nhưng vào ngày Thôi Vạn Chí đến trường, hiệu trưởng đã ném hết đồ đạc của ông ra ngoài cổng. Hiệu trưởng vẻ mặt lạnh lùng nói: "Cho dù có đậu đại học thì cũng chẳng ai muốn thuê cậu đâu, còn muốn ở đây chiếm chỗ của học sinh tôi sao."
Cha của Thôi Vạn Chí đã quỳ trước cổng trường suốt 2 giờ đồng hồ, nhưng cũng không thể khiến hiệu trưởng xiêu lòng. Vào thời điểm đó, sự tự tin của Thôi Vạn Chí đã hoàn toàn sụp đổ, hận bản thân, càng hận thế giới này! Người cha rơm rớm nước mắt nói với ông: "Con à, con nhớ đừng bao giờ oán trách bất kỳ ai, hãy dựa vào chính mình!"
Câu nói này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của Thôi Vạn Chí. Ông lấy lại can đảm, đến học tại một trường trung học bình thường trong quận và trúng tuyển vào đại học Tân Cương, Thạch Hà Tử. Lúc này, Thôi Vạn Chí vừa học vừa kinh doanh, ông bán lại máy nghe nhạc Walkman đang rất thịnh hành và cho sinh viên thuê các cuốn băng phim tiếng Anh, cố gắng giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Vào đêm trước khi tốt nghiệp đại học, Thôi Vạn Chí đã gửi hơn 200 hồ sơ xin việc, nhưng tất cả đều bị từ chối.
"Nếu bạn không thể thay đổi thực tế, hãy thay đổi chính mình." Ông quyết định bắt đầu tự kinh doanh riêng.
2. Sáng lập Dielian
Thôi Vạn Chí rũ bỏ thân phận một sinh viên đại học, ông lao ra đời, làm từ một quầy hàng rong, đến mở hiệu sách, rồi mở một quán cà phê internet. Thôi Vạn Chí đã làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ, do đó mà công việc kinh doanh của ông cũng tự nhiên ngày càng tốt hơn.
Vào thời điểm đó, với sự phát triển của internet, thương mại điện tử đang bùng nổ và Thôi Vạn Chí, người mở một quán cà phê internet, đã nhạy bén nắm bắt cơ hội kinh doanh này.
Ông kể lại: "Lúc đó tôi tin chắc rằng loại hình thương mại điện tử với sự hỗ trợ của internet sẽ là lựa chọn tốt nhất cho một người khuyết tật như tôi để khởi nghiệp."
Năm 2007, Thôi Vạn Chí mở một cửa hàng quần áo trực tuyến dành cho phụ nữ. Thời gian đầu, vợ chồng ông phải tận dụng nhà ở làm nơi làm việc để tiết kiệm tiền, khi mua hàng thì gặp phải đủ thứ bất tiện khó khăn, còn phải bôn tẩu khắp nước để tìm nguồn hàng.
Ông nói: "Tôi không ngại vất vả, tôi có thể đi khắp Hàng Châu, Quảng Châu để tìm nguồn hàng. Trong giai đoạn mệt mỏi nhất, tôi từng chạy đến nỗi làm hư liên tiếp 5 đôi giày."
Tuy nhiên, thực tế lại giáng cho ông một đòn quá tàn nhẫn. Do chưa có kinh nghiệm nên chỉ trong vòng một năm, ông đã thua lỗ 28 ngàn USD mà mình đã tích lũy được.
Rút kinh nghiệm xương máu, Thôi Vạn Chí quyết định thử một con đường chưa từng có ai đi trước. Dựa vào độ nổi tiếng của cửa hàng trực tuyến, ông thành lập xưởng gia công quần áo phụ nữ mang thương hiệu của riêng mình.
Ông đã đăng ký thương hiệu quần áo của riêng mình tên "Dielian", và trở thành một trong những cửa hàng đầu tiên tham gia sàn thương mại điện tử Tmall. Với sự trợ giúp của nền tảng này, sự phát triển của "Dielian" bắt đầu đi đúng hướng.
Năm 2010, doanh thu của "Dielian" đã vượt quá 4 triệu USD. Năm 2012, Thôi Vạn Chí được trao danh hiệu "top 10 doanh nghiệp trực tuyến toàn cầu của Alibaba".
Nhưng thời gian thuận lợi chẳng kéo dài được bao lâu, khi số lượng cửa hàng trực tuyến ngày càng nhiều và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh thu hàng tháng của "Dielian" bắt đầu giảm mạnh, cuối cùng Thôi Vạn Chí phải gánh khoản nợ nước ngoài hơn 500 ngàn USD, đây là khoản thời gian tăm tối nhất cuộc đời ông.
3. Trở thành "vua sườn xám"
Vào phút giây sinh tử cuối cùng, Thôi Vạn Chí đã nghe thấy một bài phát biểu của Jack Ma, có tiêu đề "thế giới tương lai tươi đẹp vì nó nhỏ bé": "Sức cạnh tranh hiện nay không thể so sánh dựa trên tốc độ máy móc hay số lượng thiết bị của bạn có là bao nhiêu, mà là tốc độ thay đổi bản thân để đáp ứng nhu cầu thị trường của bạn có đủ nhanh hay không."
Thôi Vạn Chí đã được truyền cảm hứng sâu sắc: "Chỉ khi tôi làm ra thứ mà người khác không thể làm được thì mức cạnh tranh mới có thể giảm xuống, làm phân khúc thị trường nhỏ nhưng nó sẽ đẹp, khi đó tôi mới có thể đột phá."
Sau khi phân tích các điều kiện thị trường, ông quyết định làm sườn xám. Năm 2012, Thôi Vạn Chí thành lập sườn xám "Que Zhi Lian".
Để sản xuất sườn xám cao cấp, Thôi Vạn Chí đã tuyển dụng một nhóm các nhà thiết kế và bậc thầy về sườn xám, và đưa họ đi khắp nơi để nghiên cứu về văn hóa, nghề thủ công của sườn xám.
Thôi Vạn Chí kể: "Tranh thêu tay là một lời thề với văn hóa truyền thống và cũng là lời cam kết với mỗi khách hàng."
Ngoài chất lượng tuyệt vời, Thôi Vạn Chí còn sử dụng người thật để chụp, nhằm làm nổi bật cửa hàng trực tuyến của mình. Ông cẩn thận lựa chọn những cảnh rất quen thuộc với phụ nữ công sở, chẳng hạn như quán cà phê, văn phòng, khu vườn, v.v. và để những cô gái mặc sườn xám đẹp làm mẫu, thông qua tác động thị giác, kích thích các khách hàng muốn mua sản phẩm.
Chính nhờ sự quản lý cẩn thận này mà sườn xám của Thôi Vạn Chí đã có những bước tiến lớn với doanh thu đạt 40 triệu chiếc vào năm 2016.
Giờ đây, "vua sườn xám" Thôi Vạn Chí đã ngày càng được nhiều người biết đến hơn, và những trải nghiệm của ông cũng đã khiến vô số người cảm động, được truyền cảm hứng. Dù sinh ra đã mang trong mình những khiếm khuyết nhưng ông quyết tâm viết lại số phận của mình bằng chính nỗ lực của bản thân.
"Tôi đi hết một đoạn đường mà chưa một lần ngoảnh lại! Đời này, chỉ cần NỖ LỰC, quả ngọt ắt sẽ báo đền”, ông phát biểu.
Trần Anh
Theo lz13