Vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước: Bỡn cợt trên nỗi đau, coi chừng phạm pháp
1. Cách đây vài năm, sau vụ thảm án ở Bắc Giang, trên mạng lẫn ngoài đời xuất hiện trào lưu: "Vãi luyện!", thì nay, sau vụ thảm sát ở Bình Phước trào lưu ấy đã chuyển thành: "Vãi Dương" – tên nghi phạm chính gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước.
Ngoài việc liên hệ đến vụ thảm án ở Bắc Giang, không ít người còn liên hệ đến vụ sát hại người tình man rợ ở Hà Nội năm 2010 để hòng qua những so sánh ấy xem ai là kẻ man rợ hơn?!. Thậm chí có người còn ghép chân dung của Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến bên cạnh nhau rồi đưa ra kết luận cả 4 là “sát thủ hàng đầu và đều vì… tình”. Ngoài ra, không ít người còn chế ảnh Nguyễn Hải Dương như một phần tử Hồi giáo tự xưng IS.
Tôi cho rằng, những liên hệ, so sánh và những quan điểm như thế là quyền của mỗi người. Nhưng cái quyền ấy lại chính là những nhát dao nhằm vào những thân nhân của những nạn nhân lẫn thân nhân của những kẻ sát nhân 3 vụ thảm án đã qua (trừ những người liên đới như trong vụ án Lê Văn Luyện). Lẽ ra, thời gian sẽ giúp họ nguôi ngoai nỗi đau, sự mất mát, nhưng nay chỉ vì “sự nhiệt tình của những anh hùng bàn phím” đã làm cho vết thương cũ nứt toác, bóp nghẹt tâm can họ thêm một lần nữa.
Rõ ràng, đây không chỉ là việc làm nhiễu loạn thông tin mà còn là vấn đề đạo đức của những người đưa ra những thông tin, trò đùa ác ý trước vấn đề xã hội. Như thế thì có tội không?
Ghép ảnh các sát thủ từng gây ra những vụ thảm án gây kinh hoàng cho xã hội
2. Không chỉ viết entry, đưa ra những ví dụ, so sánh và tiếp tay cho trào lưu “vãi Dương” ngày thêm nảy nở, một hiện tượng khác khiến tôi không khỏi rùng mình. Đó là việc người ta sẵn sàng lấy vụ thảm sát ở Bình Phước ra để làm trò đùa, “đe dọa” tính mạng người khác.
Chẳng hạn, có một tin nhắn “khủng bố” đang được “chia sẻ” trên một trang mạng và nhận được hàng trăm lượt like như sau: "Mình chia tay anh nhé. Gia đình em không đồng ý cho em yêu anh”. Tin nhắn hồi đáp của người bạn trai: “Không sao đâu em. Anh hiểu mà. Em hỏi bố mẹ em có biết vụ thảm sát ở Bình Phước không?"
Ngoài ra, trên trang web này còn trưng lên một "phép thử": "Kể từ ngày hôm nay, tất cả anh em mình đi hỏi vợ rất dễ. Nếu không được đồng ý chỉ cần nói một câu là bố vợ đồng ý liền: Bác có biết vụ Bình Phước không ạ?".
Tôi tin rằng tin nhắn kia là không có thật và “phép thử” kia chỉ là một trò đùa. Nó hoàn toàn vô hại trong thế giới ảo, nhưng với đời sống thật nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Tôi nhớ cách đây hai năm, ở một nước nọ xảy ra vụ án mạng con rể hụt giết bố đẻ người yêu cũ chỉ vì người cha kịch liệt ngăn cản. Và cũng như dẫn chứng tôi vừa kể ra ở trên, một thanh niên sau khi bị người yêu chia tay đã nhắn tin cho cô gái với nội dung nhắc lại vụ án vừa xảy ra. Cô gái sợ quá đã cho rằng bạn trai cũ sẽ tìm cách giết hại người thân trong gia đình nên đã báo cảnh sát. Kết quả anh chàng bị bắt, vừa bị tống vào trại cải tạo, vừa phải nộp phạt và xin lỗi công khai gia đình nạn nhân.
Còn ở nước mình thì sao? Xin được trích: Việc nhắn tin mang tính đe dọa giết người nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy ra thì sẽ bị khép vào tội Đe dọa giết người, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cho loại tội phạm này là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Tôi vẫn tin những gì đã nói ở trên chỉ là sản phẩm của những kẻ thích đùa. Nhưng không phải đùa lúc nào cũng mang lại tiếng cười, niềm vui. Nếu đùa không đúng cách, không đúng lúc thì rất dễ mang tiếng “hạnh tai lạc họa” (cầu cho người bị tai và lấy làm thích), thậm chí phải trả giá đắt cho trò đùa dại của mình.
Phạm Huy Ngọc