Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập: Chuyện gì đã xảy ra?
(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm làm rõ vụ chiếc máy bay Airbus A321 thuộc hãng Metrojet bị rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập, làm 224 người thiệt mạng, đang có nhiều thuận lợi hơn so với những người phải xử lý các vụ tai nạn gần đây.
- Tiết lộ từ hộp đen: Máy bay Nga 'không bị tấn công từ bên ngoài'
- Rơi máy bay Nga ở Ai Cập: Điểm lại tai nạn trong các giai đoạn bay
- Máy bay Nga đã vỡ tung trước khi rơi xuống đất Ai Cập
- Rơi máy bay Nga ở Ai Cập: 4 kịch bản đáng chú ý nhất về thảm kịch chết chóc
- IS tung video khẳng định bắn rơi máy bay Nga
“Cơ quan điều tra đã có mảnh vỡ, có các hộp đen và dữ liệu của lực lượng kiểm soát không lưu" - Paul Hayes, giám đốc an toàn tại Công ty tư vấn hàng không Ascend Worldwide có trụ sở ở London nhận xét - "Nếu các hộp đen ở trong tình trạng tốt, người ta sẽ có cái nhìn sơ bộ về vụ tai nạn sau khoảng 1 tuần nữa".
Chiếc Airbus A321 của Metrojet đã đâm xuống bán đảo Sinai chỉ 23 phút sau khi rời khỏi khu resort nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh để bay tới St. Petersburg, Nga. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Xác máy bay được tìm thấy nằm trên khu vực rộng 8km x 4 km, cho thấy nó đã bị vỡ ở độ cao lớn, theo nhận xét của ông Alexander Neradko, lãnh đạo Cơ quan hàng không liên bang Nga.
Việc dễ tiếp cận hiện trường và các hộp đen còn nguyên vẹn sẽ giúp đỡ cơ quan điều tra rất nhiều so với các vụ tai nạn khác. Sau khi chuyến bay số 447 của hãng Air France bị mất tích trên Đại Tây Dương hồi năm 2009, cuộc tìm kiếm xác máy bay mất tới 2 năm trời.
Còn trong vụ mất tích chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines, người ta vẫn chưa tìm thấy xác máy bay, ngoại trừ một mảnh cánh vỡ dạt vào bờ trong mùa Hè vừa qua. Với vụ MH17 bị rơi ở Ukraine, cuộc điều tra lại bị ảnh hưởng bởi hoạt động giao tranh tại miền Đông Ukraine.
Để biết chuyện gì đã xảy ra, cơ quan điều tra vụ rơi chiếc máy bay của Metrojet sẽ phải nghe thiết bị ghi âm giọng nói buồng lái. Nhiệm vụ phức tạp hơn là khớp thông tin từ thiết bị này với thông tin chứa trong thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, để xâu chuỗi các biến cố đã xảy ra. Nhà chức trách Ai Cập nói rằng họ có thiết bị để thực hiện việc giải mã.
Nếu máy bay quả thực đã bị vỡ ở độ cao lớn, cơ quan điều tra sẽ xem xét các khả năng như đánh bom, trúng tên lửa, nổ trên máy bay và hư hỏng cấu trúc. Một chiếc máy bay bị đánh bom hoặc trúng tên lửa thường để lại các mảnh vỡ đặc trưng và dấu vết hóa chất rất dễ nhận ra.
Trong lúc này, kiểm tra xác máy bay có thể đem lại manh mối quan trọng. Cơ quan điều tra hiện rất quan tâm tới việc chiếc A321 gặp nạn từng bị hư hại ở đuôi hồi năm 2001. Hư hại xảy ra trong một lần hạ cánh và đuôi máy bay đã đập vào đường băng ở Cairo, Ai Cập. Chiếc máy bay sau đó đã được sửa chữa và trở lại hoạt động.
Không loại trừ khả năng hư hại đã không được sửa chữa đúng cách nên dẫn tới tai họa. Đã có ít nhất 2 vụ tai nạn tương tự xảy ra trước đây. Năm 2002, chuyến bay số 611 của hãng China Airlines - một chiếc Boeing 747 bay từ Đài Loan sang Hong Kong - đã bất ngờ bị vỡ phần đuôi.
Tình trạng thay đổi áp suất đột ngột khiến máy bay vỡ tung. Toàn bộ 225 hành khách và phi hành đoàn đi trên máy bay đều thiệt mạng. Theo cơ quan điều tra, phần đuôi của chiếc máy bay gặp nạn đã phải qua sửa chữa trước đó 22 năm và nó là nguyên nhân gây tai họa.
Tháng 8/1985, một vụ tai nạn khủng khiếp khác cũng diễn ra liên quan tới chuyến bay số 123 của hãng Japan Airlines. Trong lúc hoạt động, một phần đuôi của chiếc máy bay đã tách rời khỏi thân và gây hư hỏng kết cấu.
Chiếc máy bay bị rơi khiến 520 người trong số 524 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Cuộc điều tra sau thảm họa cho thấy trước đó 7 năm, phần đuôi của máy bay từng được sửa chữa do một lần va chạm mạnh với đường băng trong lúc hạ cánh.
Trong cả 2 trường hợp, thảm họa xảy ra đều do một phần cấu trúc giúp duy trì áp suất không khí bên trong máy bay bị hư hại.
Một số bức ảnh chụp xác máy bay Nga rơi ở Ai Cập cho thấy phần đuôi dường như cũng tách rời khỏi thân. Tuy nhiên hãng Metrojet đã bác bỏ khả năng hoạt động sửa chữa đuôi máy bay có thể gây tai nạn. Công ty nói rằng chiếc máy bay được bảo dưỡng rất cẩn thận.
Theo Steve Wallace, cựu lãnh đạo Cơ quan hàng không liên bang Mỹ, nguyên nhân khác gây ra thảm họa có thể do nổ tại khu vực bình chứa nhiên liệu của máy bay. Chiếc máy bay số 800 của hãng TWA đã từng gặp tai nạn như thế này vào tháng 7/1999. Nó lao xuống Đại Tây Dương sau khi bị nổ bình chứa nhiên liệu, làm toàn bộ 230 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
"Trừ phi có điều gì đó làm lộ ra nguyên nhân hiển nhiên dẫn tới thảm họa, bạn sẽ phải chờ cho tới khi có báo cáo về hoạt động trích xuất dữ liệu hộp đen, để có đáp án cuối cùng" - Robert Mann, một nhà tư vấn hàng không từng là cựu quản trị viên hãng American Airlines, đánh giá.
Tường Linh (Theo Bloomberg)
Thể thao & Văn hóa