Vụ linh vật ngoại lai: Giáo hội Phật giáo, Thanh tra Bộ đồng loạt lên tiếng
Cụ thể, trong công văn số 196/CV-HĐTS của Hội đồng trị sự GHPGVN gửi Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban trị sử GHPGVN các tỉnh, thành phố do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký GHPGVN ký nêu rõ: Yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng) chủ động tổ chức di dời và không bài trí các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam, phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý.
Đồng thời, theo công văn, GHPGVN ở các tỉnh, thành phố phải hướng dẫn trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức tượng sư tử đá, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật, biểu tượng cần phải liên hệ với Ban Văn hóa Trung Ương GHPGVN để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Còn công văn số 64/TTr- VHGĐ do Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Phạm Xuân Phúc ký, khẳng định: Tại nhiều di tích, danh thắng xuất hiện các hiện vật lạ bày trí trong khuôn viên các di tích và trong nội tự như sư tử đá, hổ đá, lọ lộc bình, hoành phi câu đối, tượng... Việc tiếp nhận các hiện vật trên khi chưa có cơ sở khoa học, chưa được phép của cơ quan thẩm quyền, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích, một số loại hiện vật còn không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm phá vỡ cảnh quan, sai lệch yếu tố gốc của di tích vi phạm nghiêm trọng Luật di sản văn hóa....
Từ đó, Thanh tra Bộ nếu phát hiện các linh vật lạ, Sở địa phương phải yêu cầu đưa các hiện vật ra khỏi di tích và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận, các cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc ở đình, chùa Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) và chùa Gia Quất (Long Biên, Hà Nội) như Thể thao&Văn hóa từng phản ánh, đã bị di dời khỏi di tích. Đây là một trong những cặp linh vật ngoại lai đầu tiên được “dọn dẹp” khỏi di tích sau công văn 2662/BVHTTDL-MTNATLvề việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa