Vũ khí cuối cùng của Đức Quốc xã và người hùng thời tuyệt vọng
(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến tận năm 1945, chính quyền Đức Quốc xã vẫn bám vào hy vọng chế tạo kịp một vài vũ khí kỳ diệu khả dĩ đảo chiều cuộc chiến chống lại quân Đồng minh hùng mạnh. Tên lửa V1, V2, bom nguyên tử... chỉ mới nằm trên giấy hay chưa kịp qua giai đoạn thử nghiệm. Một trong những nỗ lực vô vọng ấy tên là Natter - tên lửa bằng gỗ dán có người lái.
Ngày 12/4/1961
… khi Yuri Gagarin trèo vào khoang tàu vũ trụ, ông không là người đầu tiên được phóng lên không trung bằng tên lửa. 16 năm trước đó, ngày 1/3/1945, trung úy Lothar Sieber được cử thực hiện sứ mạng, dù rằng chuyến bay đó không đem lại vinh quang hay thành quả khoa học nào. Ông chỉ là vật hy sinh trong một dự án của Erich Bachem hay gọi tắt là Eriba.
Nếu người Đức hôm nay được hỏi Eriba là gì, có lẽ cả trăm người như một sẽ nghĩ đến chiếc xe cắm trại bằng kim loại nhẹ, rất rẻ và bền, được tung ra thị trường từ cuối thập niên 1950 với thiết kế của kỹ sư Erich Bachem và là biểu tượng cho cuộc sống phong lưu thời hậu chiến ở Đức. Ngay lúc ấy cũng không ai biết Bachem làm gì trong những ngày tàn của chế độ phát xít.
Ông học kỹ sư máy bay ở Berlin và sớm được giới chuyên môn biết đến qua nhiều sách khảo cứu. Sau khi Hitler lên cầm quyền, Bachem được cử làm giám đốc kỹ thuật của nhà máy chế tạo phi cơ ở Kassel.
Từ 1938 ông lãnh đạo phòng thiết kế. Khi Hitler sa lầy ở Leningrad, quân đội Đức bắt đầu với những ý tưởng đột phá và Bachem được lệnh phát triển máy bay có động cơ tên lửa BP-20 Natter. Đây là một loại vũ khí bí mật chưa từng có trong lịch sử hàng không. Natter được phóng thẳng đứng bằng 4 tên lửa, đạt độ cao cực nhanh, sau đó 4 tên lửa bung ra, để lại chiếc máy bay cực nhẹ với một phi công và một súng máy để hạ máy bay ném bom của đối phương.
Quá trình thử nghiệm
… cho thấy súng máy kém hiệu quả. Người ta thay nó bằng hỏa tiễn hạng nhẹ từ giàn ống phóng như tổ ong lắp ở đầu mũi Natter. Mỗi hỏa tiễn đủ sức bắn rụng một máy bay ném bom 4 động cơ, nhưng để đạt hiệu quả tuyệt đối, các hỏa tiễn sẽ được bắn ra cách nhau một giây, và không máy bay nào thoát nổi loạt “đạn ghém” ấy. Phi công tìm mục tiêu qua một thiết bị vòng ngắm và đầu ruồi như ở khẩu súng kíp thô sơ. Chìa khóa thành công là sự bất ngờ nhờ tốc độ cực cao của tên lửa, vì không ai tính đến kẻ địch áp sát một cách chớp nhoáng như vậy.
Thiết kế được đòi hỏi thật đơn giản để phi công thiếu kinh nghiệm cũng sử dụng được. Phần lớn thân máy bay làm bằng gỗ dán nên nó cũng rất rẻ, và cũng chỉ dùng được một lần: Natter không có công năng hạ cánh! Sau khi hoàn thành sứ mệnh, máy bay lao xuống khoảng 1.000-800 mét rồi tách làm hai nửa; phần đuôi (sẽ tái sử dụng) rơi xuống bằng dù, trong khi phi công nhảy ra bằng một dù khác.
Mùa Thu năm 1944 xưởng Bachem hoàn thành thiết kế và bắt đầu chuyển sang thử nghiệm thực tế tại thao trường Heuberg. Tên lửa đầu tiên cháy như đuốc mà không dịch chuyển được một phân vì bệ phóng bị hỏng. Quân đội gây áp lực mạnh và không muốn đợi lâu. May mà thử nghiệm thứ hai thành công, chiếc Natter cấp tốc đạt độ cao 750 mét. Tên lửa đẩy rơi xuống đúng dự định. Dù cũng mở đúng lúc, khiến mọi chi tiết kỹ thuật có thể dùng lại được.
Đầu năm 1945 người ta cho một hình nộm vào buồng lái để thử lần áp chót. Mọi thứ trôi chảy như không thể tốt hơn. Bộ chỉ huy SS quyết định cho phi công thật vào thử, dù ai nấy đều run vì thực ra còn quá nhiều chi tiết chưa chín muồi. Một phi công ngoại hạng được chọn làm chuột thí nghiệm.
Phi công thí nghiệm Lothar Sieber
… là một hiện tượng ngoại lệ trong giới phi công chiến đấu. Ông có thể bay bất cứ loại máy bay nào sau một lần nhìn vào buồng lái, bất kể đó là một loại mới ra xưởng hay chiến lợi phẩm thu được của phe Đồng minh. Tối 28/2/1945, dù được Bachem giải thích rõ về nhiều rủi ro khó tiên lượng, Sieber vẫn lạc quan: “Tôi đã làm nhiều thứ nguy hiểm hơn nhiều trong chiến tranh, và tôi tin sẽ thành công!”
Hôm sau Sieber leo từ bệ phóng vào buồng lái nhỏ xíu của chiếc Natter. Các thợ máy rời khỏi bãi và một phát pháo sáng báo hiệu điểm hỏa. Động cơ gầm lên, khói trùm mù mịt, rồi bốn tên lửa đưa Natter phi thẳng đứng lên trời. Sau mấy trăm mét, các tên lửa đẩy bung ra, nhưng không phải cả 4 chiếc như dự định.
Chiếc Natter đầu tiên trên bệ phóng
Đội mặt đất nín thở nhìn chiếc còn lại vẫn dính ở thân phi cơ. Chiếc Natter bắt đầu bay ngửa thì một vật nhỏ rơi ra mà sau này mới biết là nắp ca bin. Natter biến mất trong mây, chỉ còn tiếng turbine vọng xuống tận mặt đất.
Chưa đầy một phút sau, Natter hiện ra dưới lớp mây xám và lao thẳng đứng xuống đất, nổ tan tành.
Vẫn còn thời gian để hy vọng
… hay nói cách khác là mọi người dõi mắt tìm chiếc dù của Sieber. Nhưng vô ích. Một giờ sau, đội cứu hộ đến chỗ Natter rơi. Nửa người Sieber mắc trên một ngọn cây, dưới đất là các mảnh vỡ nằm rải rác hàng trăm mét bán kính.
Kỹ sư Karl Mielenhausen của nhóm Bachem có mặt trong đội tìm kiếm, và ông nôn mửa khi một con chó béc-giê của đội tìm kiếm bới ra ăn mảnh thịt của người xấu số. Theo thông cáo báo chí của Bộ Hàng không, nguyên nhân tai nạn là nắp ca-bin rơi ra và gió mạnh đã bẻ gãy cổ Sieber.
Đó chỉ là một trong nhiều nỗ lực dối trá để che lấp thất bại. Riêng kỹ sư Mielenhausen biết sự thật: Sieber nhận thấy chiếc tên lửa thứ tư không rời ra nên ông toan nhảy dù, nhưng viên sĩ quan SS cầm điện đài liên lạc đã cấm ông rời buồng lái. Trong vòng vài giây, Sieber đã trong tầng mây và không thể biết đâu là bên trên và bên dưới, và ông lái chiếc Natter sai hướng – xuống đất.
Quân Đức lại thử nghiệm tiếp với hình nộm, nhưng thời điểm đã quá muộn để Natter được đưa vào sử dụng. 4 chiếc Natter hoàn thiện rơi vào tay quân Đồng minh.
1948 Erich Bachem lánh qua Argentina để không phải làm trong chương trình tên lửa của Mỹ. Ở Nam Mỹ, ông chỉ làm vĩ cầm và những vật dụng cho cuộc sống. Năm 1952 ông hồi hương và sản xuất xe cắm trại. Ông là người cả ngày không nói một câu, không ai biết liệu ông thích là kỹ sư hàng không tiên phong trong mắt hậu thế hơn, hay là người đóng xe cắm trại…
Lothar Sieber được truy tặng hàm thượng úy vào những ngày Hồng quân Liên Xô đã rầm rập trực chỉ Berlin. Một trong những cái chết vô ích trong cuộc tương tàn lớn nhất lịch sử loài người.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần