Vũ khí bí mật của đội tuyển nữ Việt Nam
Trong lần đầu tiên tham dự sân chơi đẳng cấp nhất của bóng đá nữ thế giới như World Cup nữ 2023, đội tuyển Việt Nam chắc chắn phải cần tới sức mạnh tổng lực để có thể hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra trước ngày lên đường, và ở đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung hẳn sẽ phải cần tới một thứ vũ khí bí mật mà đã giúp họ lên đỉnh Đông Nam Á ở 6 kỳ SEA Games.
Vũ khí bí mật ấy chính là tinh thần thi đấu và sự đoàn kết của các nữ cầu thủ. Đến đây hẳn sẽ có người thắc mắc rằng đội bóng nào muốn chiến thắng mà chẳng phải nhờ tới tinh thần thi đấu và sự đoàn kết, nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là bóng đá nam không giống với bóng đá nữ, và cái cách mà những cô gái đá bóng thể hiện ý chí của mình cũng rất khác biệt.
Để làm rõ sự khác biệt này, chúng ta hãy trở lại SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, chính xác vào ngày thứ Năm, 24/8/2017, ở một trận đấu mà đội tuyển nữ Việt Nam cần phải thắng chủ nhà Malaysia với cách biệt 5 bàn mới có thể giành HCV, vì ở trận đấu diễn ra trước đó Thái Lan đã vượt qua Philippines với tỷ số 3-1.
Và thế là những người có mặt ở trận đấu Malaysia-Việt Nam vào tối ngày hôm đó đã được chứng kiến một cảnh tượng rất đáng nhớ, khi mà sau mỗi bàn thắng mà đội tuyển nữ Việt Nam ghi được vào lưới Malaysia, luôn có một cầu thủ Việt Nam hối hả chạy xuống nhặt bóng để đặt vào chấm giao bóng giữa sân, trong lúc các đồng đội khác ăn mừng chớp nhoáng với tác giả bàn thắng.
Các cầu thủ nữ Việt Nam chắc là muốn tranh thủ từng phút để nhanh chóng đạt được mục tiêu ghi 5 bàn thắng. Hình ảnh vội vã này lặp đi lặp lại ở 4 bàn thắng đầu tiên, và phải tới bàn thắng thứ 5 ở đầu hiệp 2, đồng nghĩa với đội tuyển nữ Việt Nam đã hoàn tất nhiệm vụ và cầm chắc HCV, thì các cầu thủ nữ mới yên tâm cùng nhau ăn mừng bàn thắng chứ không còn cảnh người ghi bàn vui mừng một cách gấp gáp, còn những người khác thì cuống cuồng vào lưới nhặt bóng như ở hiệp 1.
Cuối cùng thì đội tuyển nữ Việt Nam đã đánh bại Malaysia với tỷ số 6-0 để giành được HCV SEA Games thứ 5, đúng vào ngày mà U22 Việt Nam thua đau trước U22 Thái Lan và phải rời SEA Games ngay sau vòng bảng.
Một câu chuyện khác cũng liên quan tới đội tuyển nữ Việt Nam diễn ra ở Quảng Ninh vào năm 2022, khi đội tuyển nữ Việt Nam gặp Philippines tại vòng bảng SEA Games 31. Ở tình huống tiền vệ Thuỳ Trang có bóng trong vòng cấm ở vị trí thuận lợi và chuẩn bị dứt điểm tung lưới Philippines, các cầu thủ dự bị đang đứng sau cầu môn Philippines đã hét lên: "Chị Trang ơi, chị Trang ơi" và khi Thuỳ Trang ghi bàn thành công thì tất cả cùng lao ùa ra chấm cột cờ góc để chia vui cùng nhau.
Chuyện đồng đội cổ vũ, động viên hoặc hỗ trợ nhau trong bóng đá nói chung là rất bình thường, bởi bóng đá là môn thể thao tập thể, nhưng riêng với bóng đá nữ thì cái cách mà các cầu thủ chia sẻ và hỗ trợ nhau lại rất đặc biệt, như thể giữa họ là một thứ tình cảm còn vượt hơn cả tình đồng đội thuần tuý.
Có lẽ vì bóng đá nữ luôn có sự chênh lệch và thiệt thòi so với bóng đá nam, nên các nữ cầu thủ luôn có xu hướng động viên, chia sẻ với nhau thân thiết và gần gũi hơn so với bình thường, theo kiểu mà chỉ những người đã thực sự đồng cam cộng khổ cùng nhau trong một thời gian rất dài mới có được.
Và ở một giải đấu được xem là giấc mơ trở thành hiện thực như World Cup nữ, chắc chắn các cô gái đá bóng của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có thêm nhiều sự gắn kết và động lực hơn nữa để có một trải nghiệm đáng nhớ bậc nhất trong sự nghiệp.