Vụ cắt tai của Van Gogh: Bí ẩn lớn nhất của lịch sử nghệ thuật đã được giải mã
(Thethaovanhoa.vn) - Giới chuyên gia đã không ngừng suy đoán về chuyện chiếc tai trái của danh họa Hà Lan Van Gogh bị cắt như thế nào và về cả danh tính của người phụ nữ có tên là Rachel, người từng được cho là một gái làm tiền mà họa sĩ đã trao chiếc tai đẫm máu của mình cùng lời dặn dò: “hãy giữ vật này cẩn thận”.
Câu chuyện cắt tai của Van Gogh hồi năm 1888 hiện vẫn là một trong những vụ tai nạn gây nhiều bàn tán nhất trong lịch sử nghệ thuật. Giờ những phát hiện vô cùng ấn tượng đang nêu rõ câu chuyện thực về tai nạn này, theo một hướng hoàn toàn mới.Cắt cả tai trái trong một cơn quẫn trí
Nhiều bức vẽ về chiếc tai trái của Van Gogh, trước và sau khi bị cắt, đã được tìm thấy. Và đây là những hình vẽ của Felix Rey, bác sĩ đã điều trị vết thương cho danh họa.
Qua những dòng chữ viết rõ ràng trên một tờ kê đơn thuốc, lần đầu tiên giới chuyên gia biết được đầy đủ vụ cắt tai như thế nào sau một thời gian dài họ chỉ biết được tai nạn này qua 2 bức chân dung tự họa của Van Gogh với chiếc tai bị băng kín.
Bản kê đơn thuốc của bác sĩ Rey cho thấy, danh họa đã cắt gần hết chiếc tai của mình, chứ không chỉ một phần theo như một số nhân chứng cùng thời ông từng tuyên bố.
Louis van Tilborgh, nhà nghiên cứu lâu năm đồng thời là giáo sư lịch sử nghệ thuật thuộc trường Đại học Amsterdam, nói với tờ Mail Online rằng, những bức vẽ của bác sĩ Rey cung cấp bằng chứng thuyết phục về vụ cắt tai của Van Gogh, một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật.
Van Gogh tự vẫn hồi năm 1890, một thời gian ngắn sau khi ông viết thư cho em trai mô tả cảm giác “thất bại” của mình. Sinh thời, ông từng phải vất vả bán tranh, tuy nhiên giờ đây tranh của ông luôn được “săn lùng” và đạt giá khủng tại các cuộc đấu giá. |
Van Gogh đã bị suy nhược thần kinh cấp tính hồi tháng 12/1888 và trong một cơn quẫn trí ông đã dùng dao cạo để cắt tai mình. Ngày hôm sau, cảnh sát đã thấy ông tại nhà riêng và đưa ông nhập viện.
Theo Van Gogh, người em trai thân thiết của danh họa, từng viết thư cho vợ kể về cuộc viếng thăm người anh trai: “Ở đây buồn kinh khủng bởi lúc nào trong con người Van Gogh cũng đầy ắp nỗi khổ đau và anh cố gắng khóc, nhưng không thể. Một chiến binh tội nghiệp, một người chịu đau đớn thật đáng thương”.
Những phát hiện đầy thuyết phục
Người tìm thấy những tài liệu kể trên là Bernadette Murphy (58 tuổi). Bà đã chuyển từ Anh sáng Pháp cách đây gần 30 năm, đã làm nhiều việc khác nhau, trong đó có cả nghề hướng dẫn du lịch. Sau khi có tấm bằng cử nhân lịch sử nghệ thuật, Murphy quyết định tìm hiểu về Van Gogh sau khi tới thăm thành phố Arles, nơi họa sĩ từng trú ngụ vào cuối những năm 1880.
Đơn kê thuốc của bác sĩ Rey, người điều trị vết thương cho Van Gogh, trong đó vẽ tai của danh họa trước và sau khi bị cắt
Sau 7 năm làm công việc “trinh thám”, Murphy đã phát hiện ra đơn kê thuốc của bác sĩ Ray trong đống giấy tờ của nhà văn Mỹ Irving Stone, người từng trao đổi thư từ với bác sĩ Rey hồi năm 1930, trong một trung tâm tư liệu ở California.
Murphy đã xác định được danh tính của người phụ nữ có tên là Gabrielle sau khi miệt mài nghiên cứu các tài liệu thời đó, trong đó gồm cả các hồ sơ bắt giữ và những người phụ nữ từng phải điều trị những căn bệnh lan truyền qua đường tình dục.
Qua đó, Murphy xác định Gabrielle chỉ làm tạp vụ trong một nhà thổ chứ không phải là gái làng chơi khu đèn đỏ ở Arles, thuộc miền Nam nước Pháp. Ban đêm, người phụ nữ này làm tạp vụ trong nhà thổ, còn ban ngày làm lao công tại các cơ sở kinh doanh gần đó.
Khi Murphy đưa nghiên cứu của mình tới các chuyên gia tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan), họ đã rất kinh ngạc. Hôm 11/7, họ đã thông báo chính thức về cuộc triển lãm đầu tiên nhằm nêu rõ cuộc chiến đấu của Van Gogh với căn bệnh thần kinh.
Vụ cắt tai của Van Gogh nằm trong số những câu hỏi được du khách hỏi nhiều nhất khi họ tới tham quan Bảo tàng Van Gogh. Triển lãm mới sẽ giúp công chúng hiểu được thêm về tai nạn này, khi tại đây trưng bày cả đơn thỉnh cầu có chữ ký của 30 người dân địa phương ở Arles, trong đó kêu gọi Van Gogh nên tới một bệnh viện tâm thần.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày bức chân dung vẽ bác sĩ Rey của Van Gogh, một kiệt tác được mượn từ Bảo tàng Pushkin ở Moskva (Nga).
Các nghiên cứu của bà Murphy được xuất bản trong cuốn sách Van Gogh's Ear: The True Story (Câu chuyện thực sự về chiếc tai của Van Gogh), được phát hành trong tuần này.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa