Lâu nay vẫn tồn tại giả thuyết Van Gogh đã tự bắn mình trên một cánh đồng gần Paris, Pháp, vào năm 1890. Song cách đây vài năm, hai nhà viết tiểu sử là Steven Naifeh và Gregory White Smith đã đưa ra giả thuyết mới, cho rằng Van Gogh bị sát hại thay vì tự vẫn.
Ít bằng chứng về một vụ tự vẫn
Chuyện bắt đầu từ năm 2011, thời điểm Naifeh và Smith công bố cuốn tiểu sử Van Gogh: The Life (Cuộc đời Van Gogh). Trong cuốn sách, họ đưa ra giả thuyết Van Gogh không tự vẫn mà bị một cậu bé tuổi vị thành niên người Pháp bắn chết.
Giả thuyết này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội, tuy nhiên Naifeh và Smith vẫn bảo vệ quan điểm của họ. Hai ông còn đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có câu vì đâu một người từng phải vào trại tâm thần như Van Gogh lại được phép mua súng?Tiến sĩ Di Maio, chuyên gia pháp y hàng đầu, cũng khẳng định Van Gogh không tự vẫn
Trong bài viết mới đây trên tờ Vanity Fair, họ tiếp tục chỉ ra các điểm mâu thuẫn liên quan tới giả thuyết tự vẫn. Chẳng hạn, tại sao Van Gogh lại bắn vào ngực mình, gây nên cái chết vô cùng đau đớn và kéo dài, thay vì bắn vào đầu và chết ngay? Các lời khai của nhân chứng, ủng hộ cho giả thuyết Van Gogh tự vẫn cũng tới từ nhiều nguồn tin "có vấn đề", gồm một bé gái 13 tuổi không bình thường.
Bài báo này còn nhấn mạnh tới kết quả nghiên cứu mới của Vincent Di Maio, một chuyên gia pháp y. Tiến sĩ Maio dựa trên các lời khai và bằng chứng thu thập được vào thời điểm năm 1890, để đưa ra kết luận rằng vết thương trên thi thể Van Gogh trông chẳng giống như ông đã quay súng bắn vào người mình.
Theo mô tả của ông Paul Jr, con trai bác sĩ bạn thân Van Gogh là Paul Gachet Sr, có một “quầng nâu và tím" bao xung quanh chỗ viên đạn xuyên vào thi thể danh họa. Kết quả giải phẫu cho thấy sau khi xuyên vào ngực Van Gogh, viên đạn đã chệch hướng do trúng một chiếc xương sườn. Tuy nhiên nó không gây nhiều tổn hại cho nội tạng của Van Gogh.Cuốn tiểu sử Van Gogh: The Life” (Cuộc đời Van Gogh) của Steven Naifeh và Gregory White, trong đó tuyên bố danh họa không tự vẫn
Trước đây, nhiều người tin rằng quầng tím ở vết thương là do bị súng tì vào ngực còn quầng màu nâu do là bỏng thuốc súng. Song tiến sĩ Maio giải thích: “Quầng tím thực tế là những vết bị chảy máu dưới da, do viên đạn gây nên. Sự hiện diện của quầng tím chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn quầng màu nâu chỉ đơn giản là chỗ bị trầy da và có thể nhìn thấy hiện tượng này ở tất cả các vết đạn xuyên vào cơ thể".
Tiến sĩ Maio còn nêu câu hỏi rằng làm thế nào để Van Gogh có thể tự bắn mình ở phía ngực trái. “Việc dùng súng tự bắn vào vị trí này là cực kỳ khó. Cách dễ nhất là cầm súng bằng tay phải và dùng tay trái để bóp cò" - ông nói.
Maio còn khẳng định rằng nếu Van Gogh tự bắn mình ở cự ly gần như vậy, trên tay danh họa phải có vết cháy xém. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp y của năm 1890 đã không tìm thấy dấu vết này. Cuối cùng tiến sĩ Maio kết luận: “Theo quan điểm của tôi, vết thương của Van Gogh không phải do ông tự bắn. Nói cách khác, ông không tự vẫn”.
Chết dưới bàn tay một thiếu niên?
Vậy nếu Van Gogh không tự vẫn thì ai đã bắn ông. Đây hiện vẫn là câu hỏi khiến giới chuyên gia đau đầu.
Van Gogh trút hơi thở cuối cùng 29 tiếng sau khi trúng đạn, chỉ vài ngày sau khi ông nhận được thêm rất nhiều đơn đặt hàng vẽ tranh. Điều này được xem là bằng chứng cho thấy ông không có ý định kết liễu đời mình.
Trong những năm 1930, học giả John Rewald đã tới làng Auvers-sur-Oise, nơi Van Gogh từng sống trước khi qua đời, và hỏi chuyện những người dân ở đây. Một số người kể lại việc danh họa bị một nhóm những "đứa con trai" vô tình cầm súng bắn vào người. Van Gogh đã quyết định bảo vệ chúng bằng cách nói rằng ông đã tìm cách tự sát.
Dựa trên những cơ sở đó, Naifeh và Smith cho rằng phát súng bắn Van Gogh là do một thiếu niên 16 tuổi có tên Rene Secretan gây ra. Thời điểm đó, Secretan đang nghỉ Hè ở một biệt thự gần ngôi nhà trọ của Van Gogh.
2 người có mối quan hệ rất kỳ lạ. Secretan thường mua rượu cho Van Gogh nhưng cũng thường trêu trọc, quấy phá danh họa. Trong một lần như thế, Secretan đã bắn trúng Van Gogh, khiến ông tử thương.
Khi Naifeh và Smith nêu ra giả thuyết trên với Giám đốc Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, ông này đã nói với họ: “Tôi nghĩ nhiều khả năng Van Gogh đã bảo vệ đứa trẻ. Ông coi việc trúng đạn là một tai nạn, một con đường giúp bản thân thoát khỏi cuộc sống trĩu nặng những ưu phiền”.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa