VPF, bình mới rượu có mới?
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như chuyện ông Cao Văn Chóng, nguyên TGĐ Công ty CP thể thao - bóng đá Bình Dương, được bổ nhiệm vào ghế TGĐ Công ty VPF không làm ai bất ngờ, thì việc ông Phạm Ngọc Viễn được nhấc thẳng lên làm PCT HĐQT, cũng như VPF tiếp tục giữ lại các chức danh Phó TGĐ khác khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.
Ông Viên có chuyên môn tốt, nhưng năng lực quản trị bị đặt dấu hỏi, bởi bản tính ông vốn dĩ không thích và không thể ganh đua, thiệt hơn. Cái uy vì thế cũng bị giảm thiểu thời ông ngồi ghế TGĐ. Tuy nhiên, việc giữ lại "cha đẻ" của đề án bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng là một quyết định có chủ ý. Theo đó, ông Viễn có thể sẽ thay Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng giải quyết những việc cấp bách, khi ông Thắng, vốn là một doanh nhân, bận công cán bên ngoài VPF. Sự hiện diện của ông Viễn ở HĐQT cũng là một cách cân bằng các đối trọng giữa người của VFF và VPF.
Lý do là bởi, như đã phân tích, trước cuộc họp thường niên HĐQT VPF năm 2015, VFF đã có ý định cất nhắc và giới thiệu ông Phó TTK Nguyễn Minh Châu để cùng với ông Nguyễn Minh Ngọc tranh đua vào ghế TGĐ VPF theo chiến thuật "lọt sàng xuống nia". Nhưng ý định này bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, bởi nói như PCT HĐQT Nguyễn Công Khế, VPF cần người trẻ có năng lực, không vì lợi ích riêng hay lợi ích nhóm, để điều hành Cty cũng như các giải đấu.
Ông Chóng là một người như thế, theo ông Khế, một người có kinh nghiệm quản lý và am hiểu bóng đá, tuổi cũng còn trẻ. Tân TGĐ Cao Văn Chóng hiện cũng đang sở hữu lượng cổ phần - cổ phiếu khá lớn ở VPF, với tư cách cá nhân và người đại diện đứng chính danh TGĐ Cty CP thể thao - bóng đá Bình Dương. Ông Chóng là một người "buôn bán lớn" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này.
Trước cuộc họp thường niên VPF 2015 diễn ra, đã có một cuộc chuyển giao khác về chức danh cũng như vai trò ở Cty CP thể thao - bóng đá Bình Dương. Theo đó, sau khi đề xuất người của mình được thông qua ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Cty CP thể thao - bóng đá Bình Dương, ông Nguyễn Thế Huân, ông Chóng có nhiều hơn thời gian để làm vụ lớn hơn ở VPF.
Với sự hiện diện của ông Cao Văn Chóng ở ghế TGĐ, chắc chắn tiềm lực kinh doanh và kinh tế của Cty này sẽ sáng nước hơn. Tại Bình Dương, ông Chóng đã từng chứng minh năng lực kinh doanh, điều hành thuộc hàng ngoại hạng và dù đội bóng thường xuyên phải chi hơn 50 tỷ đồng/mùa giải, nhưng Cty chưa từng báo lỗ. Ngược lại, họ có thêm 2 chức vô địch V-League và chơi khá ấn tượng ở AFC Champions League 2015.
Về lý thuyết, VPF sau đợt thay máu ở thượng tầng có vẻ như rất sáng nước. Song thực tế hoạt động của Cty này thế nào, việc điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có được cải thiện hay không, thì còn phải chờ. Chỉ e rằng, bình mới mà vẫn loại rượu cũ, khi bóng đá Việt Nam, như nhà báo Nguyễn Công Khế khẳng định, có quá ít những người làm bóng đá bằng cái tâm trong sáng.
Chuyện thế nào, hạ hồi phân giải.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa