Vòng loại World Cup 2022 châu Âu: Pháp, Đan Mạch chiếm lợi thế, bảng G khó đoán
Lượt trận đêm thứ Ba vừa qua mang đến hình dung rõ ràng về một nửa trong 10 bảng đấu của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu. Đã có những bảng sáng rõ các ứng viên giành vé, trong khi một số bảng còn giằng co quyết liệt.
Vòng loại World Cup 2022 châu Âu:
KÈO - LỊCH THI ĐẤU - BẢNG XẾP HẠNG - KẾT QUẢ
Vẫn chưa có bất cứ tấm vé trực tiếp nào đến Qatar sau những lượt trận ở các bảng A, D, F, G và H. Tuy vậy, Pháp và Đan Mạch đang nổi lên là những đội bóng giành lợi thế lớn trong cuộc đua tại các bảng đấu mình góp mặt.
Pháp, Đan Mạch chiếm lợi thế ở bảng D, F
Chiến thắng Phần Lan không chỉ là một sự giải tỏa cho cơn ức chế về chuỗi 5 trận không thắng liên tiếp, mà còn mở ra cơ hội để thầy trò Didier Deschamps tự định đoạt tấm vé đi tiếp duy nhất ở bảng D. Viễn cảnh Pháp đánh mất ngôi đầu khi bận chinh chiến vòng chung kết Nations League vào tháng 10 tới đã được giải tỏa. Việc hơn Ukraine và Phần Lan đến 7 điểm đủ để thầy trò Deschamps thoải mái hơn cho hai trận đấu cuối cùng ở vòng loại vào tháng 11. Ngược lại, cuộc đua cho một suất dự lượt trận tranh vé vớt lại cực kỳ nóng bỏng, bởi cả Ukraine, Phần Lan, Bosnia hay Kazakhstan đều còn nguyên cơ hội tự mình định đoạt số phận trong các lượt đấu tiếp theo.
Giống như Pháp, Đan Mạch cũng tự mình giành thế chủ động khi giã vào lưới Israel 5 bàn không gỡ. Cắt thêm một cái đuôi nữa bám đuổi ở bảng F, Đan Mạch ngày càng gần hơn tới tấm vé có mặt ở Qatar vào cuối năm tới. Họ là đội bóng duy nhất tính đến thời điểm hiện tại chưa để thủng lưới bàn nào, trong lúc con số 22 bàn sau 6 trận đã ngang bằng với thành tích ghi bàn của Hà Lan, qua đó trở thành hai đội tuyển ghi nhiều bàn thắng nhất khu vực châu Âu. Thật khó có thể diễn tả hơn thế về sức mạnh của thầy trò Hjulmand ở thời điểm hiện tại. Chuyện giành vé với đội tuyển Đan Mạch sẽ chỉ là câu hỏi ở lượt đấu nào mà thôi. Nhiều khả năng đại diện Bắc Âu đạt được mong muốn ở lượt trận vào tháng 10 tới với các đối thủ lần lượt là Moldova và Scotland.
Tình hình nóng bỏng ở ba bảng A, G, H
Ngược lại, ba bảng A,G,H vẫn còn nguyên tính cạnh tranh, dẫu mức độ khốc liệt của từng bảng có khác nhau. Tâm điểm của mọi sự chú ý lúc này dồn về bảng G, nơi vẫn chưa thể phân định rõ ràng hai vị trí dẫn đầu cũng như cơ hội chưa hết cho các đội đứng thứ ba và thứ tư.
Erling Haaland tiếp tục khẳng định vị thế chân sút số một châu Âu thời điểm hiện tại khi lập cú hat-trick trong chiến thắng đội bóng nhỏ bé Gibraltar 5-1. Đáng tiếc, chừng đó vẫn chưa đủ để đưa Na Uy trở lại ngôi đầu bảng như mong muốn. Hà Lan đã kịp đáp trả bằng màn tàn sát Thổ Nhĩ Kỳ. 6 bàn thắng trải đều suốt 90 phút trận đấu là chỉ dấu cho thấy đội bóng áo cam hồi sinh mạnh mẽ ra sao dưới sự trở lại cầm quân của Louis van Gaal. Không ai dám hình dung ngôi đầu bảng cùng hiệu số bàn thắng vượt trội cho đội bóng áo cam nếu nhìn vào đống đổ nát Frank de Boer để lại cho vị tướng già 70 tuổi này, người đánh dấu lần cầm quân ĐTQG thứ ba bằng hai chiến thắng thuyết phục liên tiếp trước Montenegro và Thổ Nhĩ Kỳ. Có điều, cả Na Uy lẫn Hà Lan đều không được phép khinh suất, bởi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hy vọng chen chân cho cuộc đua giành ngôi đầu. Khoảng cách 2 điểm hoàn toàn có thể bị san lấp khi đội bóng của HLV Senol Gunes vẫn còn trận đối đầu trực tiếp với Na Uy vào ngày 8/10 tới để lấy lại cơ hội ít nhất giành ngôi nhì bảng. Thậm chí đội xếp thứ tư Montenegro trên giấy tờ vẫn chưa hết hy vọng giành vé, dẫu cho nhiệm vụ của đội bóng này cực kỳ gian nan khi họ còn phải đối đầu với cả ba đội xếp trên trong 4 lượt trận còn lại.
Tình hình ở hai bảng A và H có một chút khác biệt, khi sự chú ý thu hẹp ở cuộc đua tranh ngôi đầu bảng. Bồ Đào Nha không có Cristiano Ronaldo vẫn nhẹ nhàng đánh bại Azerbaijan ngay trên đất khách trong ngày Bruno Fernandes để lại dấu giày ở hai trong ba bàn thắng của thầy trò Fernando Santos. Việc Serbia để cho Ireland cầm hòa trong trận đấu sau đó ít giờ giúp Bồ Đào Nha chính thức độc chiếm lấy ngôi đầu bảng, nhưng khoảng cách 2 điểm chưa đảm bảo an toàn khi Serbia vẫn còn cơ hội giành tấm vé trực tiếp nếu đánh bại Bồ Đào Nha trong trận đối đầu trực tiếp giữa hai đội ở lượt đấu cuối cùng vào ngày 14/11 tới. Trước mắt, Serbia sẽ phải giành tối đa điểm số ở hai trận đấu gặp Luxembourg và Azerbaijan.
Câu chuyện ở bảng H giằng co hơn nhiều, khi Croatia và Nga cùng giành 11 điểm sau 6 lượt trận. Slovakia, đội xếp thứ ba bảng đấu, sẽ là kẻ phán quyết cho cuộc đua giành ngôi đầu bảng khi họ sẽ lần lượt đụng độ Nga vào ngày 8/10 trước khi hành quân đến Croatia ba ngày sau đó.
Hạnh Nguyên