Võ sư Ngô Xuân Bính hát ân khúc để cùng giao hòa
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm thơ nhạc “Ân khúc - Giao hòa” của võ sư, viện sĩ Ngô Xuân Bính diễn ra ấm cúng, trang trọng vào tối ngày 24/1 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội.
Sự trăn trở, độ nén của tình yêu con người, quê hương, đất nước, văn hóa truyền thống... được bật ra thành thơ, nhạc và được chào đón nồng nhiệt. Nhiều lúc khán phòng lặng đi trong sâu lắng.
Tôi đón nhạc sĩ Kim Quang (người phổ nhạc bài Tháp Chàm) ở Tạm Thương, con ngõ Hà Nội mà Chế Lan Viên từng viết: “Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm.../thương một đời đâu phải tạm thương”. Nửa đời hành phương Nam, mỗi lần về Hà Nội, Kim Quang đều thích “dạt” về ngõ nhỏ này.
Chuyến ra Bắc này của Kim Quang là để “kỳ ngộ” với Ngô Xuân Bính ở đêm thơ nhạc “Ân khúc - Giao hòa”. Hai anh chơi với nhau chưa lâu, nhưng cứ như thể “Mây gặp Phượng”. Rượu độ đôi xị, Kim Quang bảo: “Tớ chưa từng phổ bài thơ nào mà lại kỳ hứng đến vậy. Khi đọc đến những câu cuối của Tháp Chàm thì bản nhạc trong tớ cũng như hoàn chỉnh”. Anh bảo, cái mình không cưỡng lại được là thứ ngôn ngữ hơi dị nhưng rất chất chứa của “người đàn ông phiêu bạt” ấy, kiểu như:
“Mưa!Nắng!
Gió!
Bàn tay người và cả lời đàm tiếu không thể xóa nhòa
Không hiểu sao ngòi bút cứ tòe ra”
(Tháp Chàm, thơ Ngô Xuân Bính)
Rượu đã đủ men trong người, tôi với anh Kim Quang đến Nhà Hát Lớn Hà Nội để xem Ngô Xuân Bính “trả nợ” bản thân, “trả nợ” đời... Không hẹn mà gặp, tầm sáu - bảy trăm người với đủ thành phần nhân sĩ, bằng hữu, học trò, môn sinh, người yêu mến...
Trong đám đông ấy, tôi thoáng thấy gã Trần Tiến với bộ ria mép, Nguyễn Cường cùng cái mũ cao bồi, Phú Quang với vẻ ngoài lịch thiệp. Ở đời, người ta cảm nhau ở cái chất, trọng nhau cái tình... Tóm lại, nó là thứ đạo đức thẩm thấu được ở nhau.
Ngô Xuân Bính sẽ nhạt nhòa nếu sự tử tế cũng vơi vơi như bao người khác. Khi đó, chức danh Chưởng môn phái Nhất Nam, Bác sĩ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học... hẳn cũng không mang nhiều giá trị nhân sinh. Sự “tử tế” của Ngô Xuân Bính là cái chất mã thượng, bao dung, bằng hữu, chí tình... của người thấm cái chân lý võ học; là sự nhân ái của thầy thuốc; là giá trị y khoa cao cả mà anh đưa đến...
Vậy nên, tôi và Kim Quang, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phú Quang và cả Trọng Tấn, Tùng Dương, Anh Thơ, Phạm Thanh Thảo... cùng biết bao bằng hữu đến Nhà hát lớn để tri ân anh, cũng là nghe anh tri ân chúng bạn, cuộc đời.
Ca sĩ Tùng Dương hát ca khúc Lão Xẩm trong đêm nhạc "Ân khúc - Giao hòa"Cuộc sống, nhiều khi không cần phải vỗ tay tán dương nhau mà chỉ cần trao cho nhau một cái nhìn ấm áp là đủ. Ngô Xuân Bính chẳng giàu có gì, nhưng ở “Ân khúc - Giao hòa”, anh không bán vé vì anh bảo nếu quý nhau, ắt sẽ đến. Cũng vì cái sự đó mà Kim Quang, Trần Tiến... từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Nhớ là buổi tổng duyệt, điều mà Giáo sư Ngô Xuân Bính lo đau đáu là các vai phụ, các chi tiết bên lề. Bởi bình nhật các nghệ sĩ này tham dự theo đơn đặt hàng vì thế mà “áp lực” tâm hồn, sự đồng điệu không hẳn lớn, nhưng ở đời có những cái lẽ ngoạn mục riêng. Từ các nghệ sỹ vai phụ, cho đến nhân viên đạo cụ, hậu cần, kỹ thuật... như cảm được cái chất quân tử của người cả đời theo võ học nên sự đồng điệu đã đến.
Họ tận lực cùng anh đến giờ phút cuối để câu chuyện được trọn vẹn. Còn các ca sĩ, nhạc sĩ họ đã là bạn anh từ tác phẩm. Ngay như Trần Tiến, một gã rất “khoảnh” việc phổ nhạc cũng đồng điệu với bạn trong một nhạc phẩm (sự nghiệp âm nhạc của Trần Tiến chỉ có đúng 2 ca khúc phổ nhạc).
Tan đêm tri ân, các anh em ôm chầm lấy nhau vì thành công đêm nhạc, và vì sao không biết nữa. Giữa bao con người, anh Bính bất chợt nhìn xa xôi thăm thẳm, rồi bất chợt quay đi. Ồ, một võ sư mà phải quay mặt để che lệ ngấn thì cũng không phải là một sự thường lệ...
Chí Hiếu