Vở nhạc kịch 'Kim Vân Kiều': Khi Thúy Kiều hát tình ca Pháp
(Thethaovanhoa.vn) - Vở nhạc kịch Kim Vân Kiều (đạo diễn: Christophe Thiry) - phiên bản của các nghệ sĩ Pháp - sẽ đến với khán giả Hà Nội vào tối mai, 25/9 tại L’Espace. Trước đó, vở đã có 5 đêm diễn tại Paris (Pháp) và vừa được biểu diễn tại TP.HCM vào các tối 20, 21/9 vừa qua.
Vở nhạc kịch là sự kết hợp tổng thể của nhiều môn nghệ thuật đương đại và cổ điển, đan xen khéo léo giữa tính dân tộc với thế giới.
Từ sự hiệu quả của nhạc cụ…
Trong đó phải đặc biệt kể đến khúc đờn ca tài tử Nam bộ được đưa vào khéo léo ở giữ vở diễn, trong phân đoạn nàng Kiều nhớ thương Từ Hải.
Ở phân đoạn đầu vở diễn, cảnh hội hè mùa Xuân với “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng, điểm một vài bông hoa” được khơi gợi bằng giai điệu rộn ràng của khúc Trống cơm trong dân ca quan họ Bắc Ninh. Trên nền nhạc là những ý thơ Nguyễn Du được các nghệ sĩ Pháp chuyển tải bằng thứ tiếng ngọt ngào du dương, như người ta vẫn nói là “để trò chuyện với người yêu”, hóa ra lại rất hợp nhau.
Nhiều cảnh diễn đan cài, phối hợp với nhau mềm mại, khéo léo, phác họa nên những nỗi vui buồn, tính chất bi thương, bạo lực, tình yêu, sự phản bội, xa cách, nhớ nhung, vẻ hùng tráng đầy tính sử thi của câu chuyện.
Ngay khi tiếng chuông chùa thanh tịnh vang lên, nhân vật Đạm Tiên vừa xuất hiện, bất luận sự khác biệt ngôn ngữ, người xem đã cảm nhận được tính chất huyền bí của bối cảnh đặt ra đầy tính gợi mở cho trí tưởng tượng thỏa sức phát huy.
Và ngay sau phút lắng đọng, lại là màn hòa ca tuyệt vời giữa giọng nữ cao của nghệ sĩ Sarah Bloch (vai Kiều) với Odiele Heimburger (vai Đạm Tiên). Âm nhạc đương đại vang lên lúc này với dàn trống, piano, guitar, violon cực kỳ ấn tượng - do chính Odiele Heimburger chơi, đã đưa bối cảnh câu chuyện đến màu sắc bi thương nhưng hùng tráng, mang tính dự báo về những truân chuyên của cuộc đời Kiều.
Bi kịch đẩy lên cao trong màn múa đương đại thể hiện trắc trở, xung đột ập đến với gia đình họ Vương. Không âm nhạc, chỉ có tiếng trống dồn dập khiến khán giả tức thở.
Nhưng ngay sau đó, vở diễn đã “giảm tông”, chuyển cảnh sang sự xuất hiện của các nhân vật xung quanh Tú Bà khi Kiều không may rơi vào lầu xanh. Không phải là những màn diễn bi thương, các diễn viên Pháp đã khéo léo hòa trộn giữa kịch tính với chất hài hước hiếm có, khiến khán giả có nhiều cảm nhận và liên tưởng thú vị.
Dàn trống do hai nghệ sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam đảm trách đóng một vai trò khá quan trọng trong vở diễn. Trống là nhạc cụ đẩy tăng kịch tính trong nhiều phân đoạn, khi gia đình họ Vương gặp nạn, khi Kiều gặp Sở Khanh…
Đàn đáy được đưa vào cũng trở thành điểm nhấn nổi bật, khắc họa hình ảnh Kiều trong những phân đoạn đau thương nhất ở lầu xanh, khi bị lừa, lúc buộc phải bán mình. Trong cảnh Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, nhạc cụ sáo được sử dụng rất ít, chỉ hai lần, mang tính hồi ức, đại diện cho vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết, thanh xuân trước khi lâm cảnh khốn cùng của Kiều.
… đến nét Việt nổi bật
Vừa dứt khúc nhạc hồi tưởng của sáo, tiếng piano đã mạnh mẽ thể hiện vẻ đẹp tuy đầy chất đương đại nhưng lại hỗ trợ rất tốt cho sự xuất hiện của giọng nam cao rất đẹp - ca sĩ Guillaume Francois, người đảm trách cả hai vai diễn Thúc Sinh và Từ Hải.
Người dẫn chuyện, đồng thời là sư Giác Duyên cũng là một nhân vật đặc biệt, được đưa vào xuyên suốt toàn bộ vở diễn. “Tôi muốn tìm trong câu chuyện sự cộng hưởng của lịch sử và cái cá thể” - nghệ sĩ Anni Iften nói.
Mỗi diễn viên đảm trách hai ba vai diễn là một sự thể nghiệm thú vị, chứng tõ bản lĩnh diễn xuất. Cùng với âm nhạc là những động tác cơ thể và vũ đạo đương đại khiến khán giả phấn khích. Tuy nhiên, với những khán giả không tập trung thì có thể hơi khó hiểu một chút.
Cuối vở diễn, những khúc hát tiếng Pháp ca ngợi Kiều là “hoa hồng, nàng trả hết rồi, bỏ hết khổ đau, để thời gian trôi đi, để gió cuốn đi…” khiến người nghe xúc động, bởi vượt qua tất cả những đắng cay, đen bạc cuộc đời, nàng Kiều vẫn hiển hiện là cái đẹp thanh thoát, trinh trắng. Thúy Kiều hát tình ca Pháp mà vẫn toát lên được không khí Việt, tự tình Việt.
Hòa ca trên nền hòa âm của piano, trống, violon, guitar mang đến những giai điệu nhẹ vương, tha thiết, tươi sáng, ẩn chứa thông điệp về lòng tốt. “Hạnh phúc thực sự đến từ mình” - ý nghĩa thẳm sâu của vở diễn mà Christophe Thiry muốn lan tỏa đến khán giả Việt, đã làm được, với nét Việt nổi bật của mình.
Hòa Bình