loading...
(TT&VH) - Ngày 11/11 tới đây, vở cải lương “tiền tỷ” từng đạt 6 kỷ lục Việt Nam năm 2006 Kim Vân Kiều (tác giả: Hoàng Song Việt; đạo diễn: Hoa Hạ) sẽ được tái diễn tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM) trong chương trình Đêm Việt Nam huyền diệu do Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (NCIEC) và Công ty cổ phần Mạng Việt (VNC) phối hợp tổ chức.
Tuy nhiên
Kim Vân Kiều lần này chỉ còn lại khoảng 75 phút và dàn nhạc giao hưởng đóng vai trò chủ đạo. Chương trình quy tụ 200 diễn viên gồm dàn nhạc, dàn trống, dàn hợp xướng, các nghệ sĩ cải lương và ca sĩ nổi tiếng: NSND Diệp Lang, NSƯT Thoại Miêu, Vũ Luân, Trinh Trinh, Hồ Ngọc Hà, Đức Tuấn, Minh Thuận, Thanh Thúy, Anh Khoa….
TT&VH đã có cuộc trao đổi với NSƯT Hoa Hạ - tổng đạo diễn của chương trình - về vở “tân” Kim Vân Kiều này.
* Xin chị cho biết Kim Vân Kiều lần này mới hơn như thế nào so với bản dựng cách đây 2 năm?
Cái mới đầu tiên và dễ thấy nhất là Kim Vân Kiều này ngắn hơn rất nhiều so với bản dựng cũ. Từ một chương trình kéo dài 3 tiếng đồng hồ giờ chỉ gói gọn trong 75 - 80 phút. Nói chính xác đây là một dạng ca kịch mà toàn bộ câu chuyện được xâu chuỗi bằng nhạc giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch, ca khúc nhạc nhẹ và cải lương. Và cải lương chỉ xuất hiện ở những đoạn cao trào hay nhất. Cảnh trí cũng phải tiết chế lại cho phù hợp với phòng khánh tiết của dinh Thống Nhất chứ không thể dàn dựng theo sân khấu nhà hát hay sân vận động trước đây. Vì nhiều lý do nên thành phần diễn viên cũng có sự thay đổi, và các diễn viên trẻ được trao cơ hội cho lần diễn này. Cái mới và đặc thù nhất là nếu Kim Vân Kiều trước đây dàn nhạc cổ giữ vai trò chủ đạo thì lần này đối tượng chính là du khách nước ngoài nên để tạo cảm giác gần gũi cho họ thì những làn điệu cải lương, dân ca đậm đà bản sắc dân tộc sẽ được thể hiện chủ yếu qua dàn nhạc giao hưởng vốn được xem là hàn lâm cao cấp. Phần nhạc nhẹ do các ca sĩ trình bày không có thay đổi gì đáng kể.
* Cụ thể cải lương sẽ xuất hiện ở những phân đoạn nào của vở diễn?
Phần dẫn truyện của đại thi hào Nguyễn Du do NSND Diệp Lang thủ diễn là không thể thiếu. Còn lại các phân cảnh dành cho cải lương là: Đạm Tiên (Lam Tuyền) gặp Thúy Kiều (Trinh Trinh) trong ngày hội đạp thanh báo trước cuộc đời sóng gió của Kiều; Kim Trọng (Lê Tứ) chia tay Thúy Kiều; cao trào nhất là Thúy Kiều - Từ Hải (Vũ Luân) ơn đền oán trả và kết thúc ở cảnh Từ Hải kéo binh về đầu hàng triều đình. Đây là một chương trình ngoại giao hữu nghị phục vụ khách quốc tế nên chúng tôi cố gắng chọn ra những lớp diễn hay nhất, đẹp nhất với nhiều vũ đạo, động tác hình thể để khán giả dễ tiếp thu và cảm nhận sự đặc sắc của bộ môn nghệ thuật cải lương. Đồng thời cũng hạn chế phần nào tính chất bi kịch như cảnh Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến phải chết đứng vốn là một trường đoạn rất đặc sắc làm nên “cái thần” của Kim Vân Kiều để tạo cảm giác nhẹ nhàng cho khán giả.
* Theo chị việc làm mới Kim Vân Kiềulần này sẽ tạo được hiệu ứng như thế nào?
Chương trình này nếu thành công, thu được tín hiệu khả quan từ du khách sẽ mở ra thêm một hướng đi đầy triển vọng cho cải lương là sân khấu du lịch, sân khấu ngoại giao nhằm phục vụ du khách nước ngoài, góp phần giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đặc biệt là trong năm 2009 là năm điểm về văn hóa, du lịch của nước ta khi lần đầu đăng cai Diễn đàn du lịch ASEAN (đầu năm 2009). Việc BTC mời thực hiện đích danh vở Kim Vân Kiều của nhà hát Trần Hữu Trang thật sự là một hạnh phúc lớn lao đối với những người đã thực hiện chương trình. Đây cũng là điều đáng mừng cho nghệ thuật cải lương. Hy vọng Kim Vân Kiều sẽ có nhiều cơ hội để tái diễn.
Ngọc Tuyết (thực hiện)
loading...