Vở kịch 'Tiền là số 1': Nói chuyện tiền theo kiểu những người trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Vở mới của Kịch 5B (TP.HCM) với tên Tiền là số 1 thú vị ở chỗ, nó cho khán giả cảm nhận được sự sinh động của một sân chơi do những người trẻ làm chủ. Đạo diễn Công Danh (và biên kịch Hoàng Mẫn là một), diễn viên Quốc Thịnh và Phương Linh đều khá trẻ, riêng NSƯT Mỹ Uyên không còn trẻ nhưng nhiệt huyết trẻ thì có thừa.
Đồng tiền đôi khi quyết định cả tình cảm và cách hành xử của mỗi người. Vì vậy, tự bao đời nay, người ta vẫn không ngừng suy tư về ý nghĩa của nó. Để thấy, vở Tiền là số 1 đang kể một câu chuyện “siêu cũ”, nhưng cách đặt vấn đề và đường dây kịch bản vẫn có thể khiến khán giả thích thú.
- NSƯT Mỹ Uyên: Đừng quên bài toán… đi tìm khán giả
- 'Cả một đời ân oán': Nghệ sĩ Mỹ Uyên 'trần tình' vai mẹ chồng độc đoán nhất màn ảnh
Những người nghèo dễ thương
Vở kịch là câu chuyện dễ thương của những người nghèo. Vợ chồng Lúa - Phèn và người bạn thân tên Tửng ở một miền quê nghèo khó, nay bỏ quê lên phố mưu sinh bằng nghề bán kẹo kéo, vé số. Họ gần như thay kiểu nghèo này bằng kiểu nghèo khác, mong gì tới ngày đổi đời. Vậy nên giấc mộng đổi đời của họ là kiểu… mơ giữa ban ngày.
Nửa vở đầu, nếu không có những mảng miếng hài thì có lẽ chẳng có gì đáng nói, vì câu chuyện sang đổi vợ với cách kể “cũ kinh điển”: thà nghèo mà vui, mà hạnh phúc, hơn khi có nhiều tiền thì chồng sẽ phụ bạc vợ, bạn sẽ phản bội bạn… Đến khúc cuối, vở kịch có cách chuyển hướng mới, thú vị hơn.
Đó là việc Phèn thành ông chủ khách sạn giàu có trong giấc mơ, nhưng khi choàng tỉnh đã vô cùng hoảng sợ vì đồng tiền làm anh biến chất. Nỗi hoang mang của người nghèo vừa đáng thương vừa buồn cười, họ vừa thích tiền, vừa sợ tiền. Họ lấn cấn với nhiều câu hỏi: Liệu mình chịu đựng được cái nghèo trong bao lâu? Liệu khi có nhiều tiền trong tài khoản mình sẽ trở thành người như thế nào? Vậy tiền có đem lại hạnh phúc cho mình không?
Thêm một thông điệp quen thuộc về đồng tiền: “Tiền có lỗi gì đâu, ăn thua là cách người ta xài tiền mà thôi”. Khi gặp một cô gái bị chồng phụ bạc, Lúa đã dõng dạc: “Em cứ ở đây, chị bao em ăn ở luôn. Chị mới trúng số nè”. Sự đối lập trong cách xài tiền của cô vợ và anh chồng đã biến họ thành người tốt hoặc xấu.
Mỹ Uyên trong vai Lúa đã cho thấy nhờ kinh nghiệm mà có được sự tinh tế và trẻ trung ngoài độ tuổi thật. Quốc Thịnh vào vai Tửng, với kiểu nhả chữ “không giống ai”, linh hoạt trong các tình huống tréo ngoe, đã khiến khán giả cười không ngớt. Hoàng Ngọc Sơn với vai Phèn là một tiến bộ diễn xuất, nếu so với các vai diễn trong Bên đàng dệt mộng và Duyên ai?
Chính sự trẻ trung và hài hước trong cách nghĩ, cách dựng đã giúp Tiền là số 1 có được sự dễ thương, thú vị. Đúng là người trẻ mà nói chuyện tiền và ước mơ thì thường rất hào sảng, thoải mái.
Mong Kịch 5B tiếp tục thể nghiệm
Cố gắng của NSƯT Mỹ Uyên để Kịch 5B sáng đèn rất đáng ghi nhận. Từ đầu năm đã có 4 vở mới là Những giấc mơ lóng lánh, Duyên ai?, Diều ơi, Tiền là số 1. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy vẫn không khỏi chạnh lòng, vì tình trạng các tác phẩm mới thường dễ “chết yểu”. Chỉ diễn chừng 10-20 suất rồi cất kho, hoặc lâu lâu mới diễn lại thì hơi lãng phí.
Vở Tiền là số 1 có 4 diễn viên tung tẩy suốt 2 tiếng đồng hồ trên sân khấu nhỏ khiến người xem nhớ đến Dạ cổ hoài lang. Không phải là so sánh độ “hot” hoặc chất lượng của hai vở, mà muốn nói đến cái chất của Kịch 5B. Nó gợi nhớ và tiếc nuối thời cũng chỉ có 4 nhân vật mà Dạ cổ hoài lang “làm mưa làm gió” làng kịch nói TP.HCM và gần như trở thành vở kịch kinh điển.
Vậy nên, mong lắm Kịch 5B sẽ tiếp tục tạo nên chất đặc trưng của mình. Nơi đây có những vở kịch ít nhân vật, kịch bản gọn gàng, chặt chẽ, tình huống chắt lọc và đầy tính thể nghiệm. Ở những vở kịch ấy, khán giả thích thú vì thấy được sự thông minh của đạo diễn trong cách xử lý không gian nhỏ, tính ẩn dụ trong cách sắp xếp cảnh trí, đạo cụ cũng như tính thời sự, tiếng nói phản biện xã hội hiện đại được chạm đến… Giữa thời buổi này, mong muốn ấy liệu có hoang đường lắm không?
Trở lại với Tiền là số 1, dù chưa phải là một vở hay, nhưng cách kể chuyện mộc mạc, thật thà khiến khán giả dễ có cảm tình. Nên chăng: Cần tăng thêm tiết tấu cho nửa đầu và giảm tiết tấu ở những phút cuối khi người chồng “tỉnh mộng”, thì vở sẽ hấp dẫn hơn?
Lam Hạnh