loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Kịch 5B (Hội Sân khấu TP.HCM) đóng cửa gần 3 năm nay để chờ kinh phí từ thành phố rót xuống sửa chữa trụ sở, nhưng kinh phí chưa về. NSƯT Mỹ Uyên - trong cương vị Giám đốc Kịch 5B - muốn sớm sáng đèn trở lại để hội viên, đồng nghiệp có chỗ làm nghề, thế là chủ động vay 600 triệu đồng sửa sân khấu.
“Chúng tôi muốn có sân khấu để anh chị em được diễn, được thể nghiệm thì phải chủ động thôi, làm sao ngồi chờ đợi kinh phí từ nơi này nơi kia theo kiểu lời hứa” - Mỹ Uyên nói.
Tiền thân của Kịch 5B là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm, ra đời từ ngày 1/8/1984, theo quyết định của UBND TP.HCM. Ngay từ đó, sân khấu này đã theo mô hình xã hội hóa, tự cân đối thu chi, chỉ nương nhờ nhà nước mỗi cơ sở vật chất có sẵn.
Sau mấy chục năm sử dụng, ngày càng xuống cấp, nhưng việc tu sửa là rất khó khăn. Một phần do thiếu kinh phí, một phần do cơ chế đặc thù, tự Kịch 5B không thể ra quyết định sửa chữa.
Về cơ chế tài chính, mô hình này cũng có đôi chút rắc rối. Nói nôm na là việc góp tiền vào trụ sở thì dễ, nhưng rút tiền ra thì khó hơn rất nhiều. Vì lòng yêu nghề và trách nhiệm với sân khấu, Mỹ Uyên chủ động vay tiền để làm, nếu thành công, việc gom tiền để trả nợ đã khó, nếu thất bại, thì tự bản thân sẽ phải gánh vác tất cả. Cơ chế và kinh phí của Hội Sân khấu TP.HCM, của Kịch 5B không có ngân khoản cho các khoản vay như thế này.
TP.HCM hiện có cả chục sân khấu sáng đèn, mà phần lớn tư nhân đầu tư, tự chủ và tự do “sống chết”, nên sức cạnh tranh của Kịch 5B sẽ ít nhiều gặp khó khăn, do cơ chế đặc thù của mình. Chính vì vậy có thể nói hành động vay vốn của Mỹ Uyên là cách biểu thị cho một tình yêu và sự phiêu lưu với nghệ thuật.
Làm điều này chắc chắn Mỹ Uyên không vì bản thân, bởi chị là nghệ sĩ còn nhiều show trên phim và truyền hình, không có sân khấu kịch có khi còn đỡ bận tâm hơn. Trong khi đó điều hành một sân khấu kịch muôn vàn khó khăn, nghệ sĩ kịch lại có ít khán giả và rất ít cát-sê. Nhiều khi bỏ cả tháng ra tập luyện, vở sáng đèn chừng hai, ba mươi suất là đóng, vì không còn khán giả, tổng thu nhập chưa bằng ghi hình một, hai tập trò chơi trên truyền hình.
Thời kỳ đầu, Kịch 5B nổi tiếng với các vở thể nghiệm, trở thành địa chỉ đáng ngưỡng mộ của cả nước. Họ có nhiều vở đáng chú ý như Dạ cổ hoài lang, Tình 281, Ngôi nhà của chúng ta, Dư luận quần chúng, Ký ức, Yêu thầy, Nỗi đau nhân loại, Hợp đồng hôn nhân, Cõi tình, Một người đi lấy chồng, Cánh đồng bất tận, Đời có đợi anh không?… Mỹ Uyên nói rằng Kịch 5B sẽ trở lại với thể nghiệm và những vở sâu sắc về nội dung, nhiều thử thách về nghề. Đây là một quyết định đúng đắn, nhưng cũng đây phiêu lưu, vì chưa biết khán giả có còn ủng hộ không.
Đúng đắn vì Kịch 5B khó mà làm ma, làm kinh dị, đồng tính… bằng các sân khấu khác. Hơn nữa, chẳng lẽ cả thành phố chỉ có một hai thể loại kịch, trong khi nhân lực và sức mạnh của Kịch 5B là những vở thể nghiệm, nặng chất nghề nghiệp.
Trước ngày sân khấu này tạm đóng cửa, họ đã có hơn 5 năm “ngó nghiêng” với nhiều thể loại khác, nhưng không mấy thành công, giờ quay lại bản sắc cũ, có vẻ sẽ ổn hơn. Vở đánh dấu sự trở lại này là Gương mặt kẻ khác, một kịch bản nghiêm túc và giàu tính thể nghiệm.
Chính vì vậy, trước cuộc phiêu lưu cùng nghệ thuật sân khấu này, nhiều người muốn Mỹ Uyên và Kịch 5B sẽ thành công. Sự thành công này không chỉ giúp sân khấu Việt Nam giữ được một bản sắc, một đẳng cấp, mà còn giúp những nghệ sĩ nghiêm túc với nghề có thêm hy vọng và động lực để theo đuổi điều mới mẻ. Và trên hết, khán giả sẽ là người hưởng lợi, vì có thêm một thể loại, một phong cách để xem, chẳng lẽ cứ mãi giải trí cùng ma, kinh dị, hài hoặc đồng tính?
Khoảng 2 tháng trước ngày đại hội Hội Sân khấu TP.HCM diễn ra (dự kiến cuối tháng 6/2015), Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (thường gọi Kịch 5B) đột ngột đóng cửa.
Vô Ưu
loading...