Vở kịch 'Hồi xưa biển ngọt': Một lý giải nhiều nước mắt về nhân quả
(Thethaovanhoa.vn) - “Trong chuyện này không ai sung sướng hết” - câu thoại này của nhân vật Sang sau 18 năm biệt xứ và phụ tình đã nói lên được gần như toàn bộ số phận của các nhân vật chính trong vở kịch Hồi xưa biển ngọt (kịch bản: Hoàng Thái Thanh - Hoa Hiền, đạo diễn: Ái Như) vừa công diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, TP.HCM.
- Đạo diễn Ái Như: Nghề diễn không hào nhoáng, có khi ê chề, bẽ bàng
- Đạo diễn Ái Như: Tái dựng không phải là bê nguyên xi cái cũ
Vở kịch tâm lý này chắc chắn sẽ lấy không ít nước mắt của khán giả qua từng suất diễn. Nó xoay quanh cuộc đời, cuộc tình và bi kịch của 3 nhân vật ở miền biển Nam Trung bộ hồi thập niên 1980.
Thủy chung và bị lừa đối
Có thể bắt đầu nội dung vở kịch bằng nhân vật nữ chính là Bún (do Hoàng Vân Anh và Ái Như thủ vai), một đại diện cho trái tim thủy chung, trong sáng và thuần chất. Thế nhưng, cuộc đời thì thường không phải là cổ tích, mà nếu là cổ tích, đó cũng là cổ tích buồn, gồm khổ đau và dối lừa.
Vì sao Hồi xưa biển ngọt? Vì: “Ngày xưa biển ngọt lắm, ngọt ngây à! Rồi có một người con gái vì yêu tha thiết một chàng trai, cho đến khi cô phát hiện ra mình bị phản bội. Ngày ngày cô ra biển khóc đến mức nước mắt cô hòa lẫn vào nước biển làm cho biển mặn như bây giờ…” - một lời thoại. Câu thoại ấy cũng chính là định mệnh dành riêng cho Bún vậy.
Cô yêu da diết và một lòng với mối tình đầu và cũng là chồng mình - Sang. Nhưng rồi sự chung tình ấy đã dẫn cô tới sự khổ đau, hóa điên khùng, khi phát hiện ra sự thật rằng Sang đã phụ rẫy, lừa gạt cô để theo Đào lên Sài Gòn. Đau khổ cùng cực hơn, trong cái ngày nhận ra sự phản bội đó, Giàu - con gái đầu mới 4 tuổi, kết quả tình yêu giữa cô và Sang - vì quá đau buồn trước cảnh cha hắt hủi mình, đã ra biển và bị sóng cuốn đi. Số phận Bún đã được định khi kết thúc phần đầu vở kịch như vậy.
Vai Bún lúc trẻ của Hoàng Vân Anh có thể nói là thành công trọn vẹn và chiếm được cảm xúc của khán giả khi cô diễn tả được những sắc thái tâm lý và tình cảm của nhân vật này.
Và một kẻ yêu đơn phương suốt đời như Sáu Thôn (Đoàn Thanh Tài thủ vai) cũng “không sung sướng gì”. Sáu Thôn thấy người mình yêu bị lừa dối, bị đau khổ đến khùng điên mà không cách cứu vãn, ngay cả việc nói ra sự thật cũng quá khó khăn. Chỉ biết chăm sóc Bún và bé Nhớ suốt 17 năm, mà Bún thì điên dại nên chẳng tỉnh táo để nhận ra, để bù đắp lại.
Nếu Bún không điên, có thể cô đã không thủy chung với Sang được dài lâu như vậy. Đây là một trong những mô-tuýp nhân vật hướng thượng mà các vở diễn của Hoàng Thái Thanh mang đến cho khán giả suốt thời gian qua.
Mà phụ tình cũng chẳng sung sướng gì
Chung thủy, sáng trong thì bị phụ rẫy, phản bội, nhưng kẻ đa tình và lừa dối kia cũng chẳng sung sướng gì, phải chịu quả báo cay đắng ngay trước mắt.
Sang say mê Đào và nghĩ mình có con với Đào nên đã đan tâm lừa Bún lấy hết vàng, tiền bỏ nhà đi theo. Sau một thời gian ngắn, Sang phát hiện ra mình chỉ là kẻ “đổ vỏ”. Sang ân hận nhưng không còn mặt mũi quay về với vợ con, vì đang trắng tay. Sang quyết tìm cách làm giàu mới hồi hương, nhưng giàu đâu dễ, khi có tiền thì đã… 18 năm ròng.
18 năm sống trong cô độc và ân hận, làm chết đứa con nuôi, tưởng đã là quả báo của Sang, nhưng khi trở về, quả báo còn lớn hơn. Sang nhận ra mình không thể nào bù đắp cho bất kỳ lỗi lầm nào, vì cái nhân gieo ra quá khủng khiếp, nên xác nhận sống phần đời còn lại trong sự dày vò, ăn năn.
Cùng trả giá như Sang là vợ chồng Đào. Họ vì cái lợi trước mắt mà nhận về bi kịch mất con và vô sinh. Sống trong núi tiền mà không biết phải làm gì ngoài những tiếng khóc ân hận.
Tất cả những nhân vật trên làm cho người xem liên tưởng đến quan niệm “tình là dây oan” trong Truyện Kiều. Hay như chính câu hát “có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” trong Tình khúc thứ nhất của Vũ Thành An, ca khúc chủ đề của vở kịch này.
Đây có lẽ cũng là một hồi chuông nhỏ mà tác phẩm muốn gióng lên giữa cuộc đời đang chạy theo giá trị đồng tiền, với nhiều thử thách dành cho sự thủy chung trong tình yêu và hôn nhân.
Tên vở kịch nghe hơi “sến”, nhưng đẹp và ấn tượng trong văn cảnh của nó. Cốt truyện cảm tác từ truyện ngắn Chuyện tình bên sông của Việt Khuê, tuy không mới, nhưng cách dàn dựng tình tiết lại lôi cuốn và có cao trào, ê-kíp lại chỉn chu, nên về tổng thể, đây là vở đáng xem.
Lê Văn Đồng
Thể thao & Văn hóa