Vở kịch 'Chén thuốc độc' và hành trình về... đương đại
(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thông tin, cách đây 100 năm, vở kịch Chén thuốc độc nổi tiếng của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long được công diễn lần đầu tiên vào ngày 21/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ sau 1 tháng hoàn thành kịch bản (9/1921).
Và đúng ngày đó sau 100 năm, vở kịch đã được các nghệ sĩ Việt Nam dựng lại, được công chúng Thủ đô đón nhận với những cảm xúc đặc biệt.
1. Chén thuốc độc được xem là tác phẩm kịch nói Việt Nam đầu tiên, đánh dấu một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật sân khâu kịch nói (1921-2021) tại nước mà trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, 2 thể loại phổ biến nhất ở nước ta mới chỉ có chèo và tuồng (đầu thế kỷ 20 có thêm cải lương ở Nam Bộ trên cơ sở nhạc tài tử).
Với trách nhiệm nghệ sĩ, nhà văn Vũ Đình Long đã phản ánh chân thực, sâu sắc bức tranh hiện thực xã hội đầu thế kỷ 20. Vở kịch đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho lối sống Âu hóa của một bộ phận người dân Hà thành bấy giờ - họ đã tự ru mình vào những thú đam mê mà quên đi trách nhiệm với đất nước, dân tộc.
Khi vở kịch Chén thuốc độc được đăng 3 kỳ trên tờ Hữu Thanh năm 1921, nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu (Tản Đà) đã có lời phi lộ về trách nhiệm chấn hưng của nhà văn: “Văn vận quốc dân thời chấn hưng không của riêng ai; có chấn hưng, cũng không riêng ai có sức đè nén. Nay chúng ta được gặp lúc chấn hưng của văn vận, chúng ta hãy cùng nhau hết sức trong vận hội chấn hưng. Mây Âu, mưa Á đã nhiều phen tưới thêm mầu, cội Lạc cành Hồng sẽ thấy tung hoa kết quả…”.
Với cách nhìn của đương đại, PGS-TS Phan Trọng Thưởng đánh giá cao vở kịch từ sự cách tân thể loại đến nội dung sâu sắc ẩn chứa trong đó: “Vũ Đình Long đã đứng trên lập trường đạo đức phong kiến để phê phán, nhân danh những cái mới, cái tiến bộ, nhìn nhận rõ vấn đề đạo đức xã hội trong buổi giao thời”.
Nhan đề Chén thuốc độc được gửi gắm những thông điệp lớn: Vừa là liều độc dược mà con người tìm đến để tự kết liễu cuộc đời, tự giải thoát cho những đau khổ, bế tắc; vừa chỉnhững tệ nạn xã hội như một ma lực khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực, sa đọa, tự hủy hoại nhân cách... Và điều đáng sợ nhất là người Việt quên mất truyền thống văn hóa dân tộc, quên đi nỗi nhục mất nước, quên đi sự tranh đấu đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Chén thuốc độc là vở kịch nói mang tính hiện thực sâu sắc.
2. Làm nên thành công của vở diễn vừa qualà cả một ê-kíp sáng tạo, đầy tài năng, tâm huyết. Đó là NSƯT Bùi Như Lai với vai trò đạo diễn; tham gia biên tập là nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng; thiết kế bối cảnh sân khấu là họa sĩ Hoàng Phong; biên đạo múa do nghệ sĩ Lê Phương đảm nhận; nhạc sĩ Giáng Son sáng tác ca khúc…Sau chưa đầy 20 ngày (từ 2 đến 21/10/2021), cả ê-kíp đã nỗ lực cao nhất để vở kịch công diễn đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Với cương vị đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai đã cùng ê-kíp sáng tạo Chén thuốc độc thành phiên bản năm 2021 trên cơ sở tôn trọng, bám sát cốt truyện trong kịch bản. Từ cấu trúc hí kịch lời mới chia làm 3 hồi, 38 sen (cách gọi là cảnh trong mỗi hồi theo tiếng Pháp), đạo diễn thay đổi một chút kết cấu, tiết chế dung lượng thời gian (từ 180 phút còn 120 phút), sáng tạo cách thể hiện mới…mà vẫn đảm bảo hồn cốt, nội dung cơ bản của mạch truyện và mang được không khí đương đại. Khán giả bị thuyết phục, cuốn theo từng cảnh, từng diễn biến, từng tình tiết của vở kịch. Điểm mới của vở kịch phiên bản 2021 chính là tách phần hát văn, hát ả đào không liên quan đến phần thoại của các nhân vật trong vở kịch. Những màn diễn hầu đồng, hát xướng được xử lý rất tinh tế…
Các nghệ sĩ đã làm thăng hoa vở kịch sau hành trình một thế kỷ. NSND Lê Khanh vào vai cụ Thông (mẹ thầy Thông Thu) say sưa đồng bóng, bỏ bê cửa nhà, con cái, khiến Huệ -cô con gái (nghệ sĩ Việt Hoa thể hiện) - cô đơn, đưa trai về nhà, dẫn đến chửa hoang mà cũng không hay biết. Cô Thông Thu (nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa thể hiện) cũng u mê theo mẹ, có mặt ở tất cả các cửa phủ, mải mê hầu bóng. Trước cảnh gia đình khánh kiệt, ốm đau, con gái chửa hoang, cụ Thông lại cho là bị Thánh phạt nên mời thầy bói về xem; mời thầy lang (NSND Nguyễn Việt Thắng thể hiện) về chữa bệnh; mời mẹ Đồng Quan về hầu tối ngày đến khuynh gia bại sản…
Vào vai thầy Thông Thu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên đã nhanh chóng “xả vai” Chủ tịch Khang trong bộ phim truyền hình Hương vị tình thân trên khung giờ vàng phim Việt VTV1 để trở về với sân khấu. Hơn ai hết, anh hiểu rõ ranh giới giữa truyền hình và sân khấu. Loại hình sân khấu có tính ước lệ, tượng trưng, quy phạm, nhưng với Chén thuốc độc, do chịu ảnh hưởng lối tả thực, mô tả của kịch Pháp, nên diễn viên ít bị chi phối bởi thủ pháp ước lệ mà có thể thỏa sức sáng tạo lối diễn, đi thẳng vào những vấn đề tiêu cực đang hiện hữu trong xã hội thành thị ở nước ta lúc bấy giờ. Hiểu được điều đó, anh đã hóa thân ngọt, nhuyễn, thể hiện thành công vai thầy Thông Thu đam mê hát cô đầu, rượu chè, vung tiền bạc không tiếc tay…
- Tái dựng vở 'Chén thuốc độc': Tôn vinh mốc son 100 năm kịch nói Việt Nam
- Vũ Đình Long – người khai mở văn hóa từ “Chén thuốc độc”
- 90 năm "Chén thuốc độc"
Dù được thầy giáo Xuân (do nghệ sĩ Duy Anh thể hiện) khuyên can, nhưng thầy Thông Thu vẫn bỏ ngoài tai. Cảnh tung tẩy ăn chơi giữa thầy Thông Thu với cậu ấm Sứt (nghệ sĩ Thanh Dương thể hiện) rất ăn ý, làm nên thành công cho vở diễn. Cảnh thầy Thông Thu bất lực vung roi dạy em gái tội dẫn trai về nhà khiến chửa hoang. Cảnh thầy Thông Thu đau đớn không thể can ngăn được mẹ và vợ say mê hầu bóng. Cảnh bẽ bàng, bế tắc khi chủ nợ đến siết nợ, tịch biên tài sản…Khi tiền mất, gia sản khánh kiệt, danh dự không còn, thầy Thông Thu chỉ còn biết giải thoát khỏi những tai ương đang chực chờ trước mắt bằng chén thuốc độc…
Trong thời gian ngắn, các nghệ sĩ đã phối hợp hết sức ăn ý. Một dấu ấn đặc biệt là phần hầu đồng. NSƯT Hoài Thu đã thể hiện phần hát rất ấn tượng và sáng tạo. Nói như đạo diễn Bùi Như Lai vở kịch Chén thuốc độc đã kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo giữa văn hóa truyền thống (văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh, hát ả đào, hát văn, xẩm…) với âm hưởng cuộc sống đương đại.
Một thế kỷ trôi qua, thông điệp từ vở kịch vẫn nguyên tính thời sự, gần gũi, chuyển tải những nhận thức của mỗi người về văn hóa. Văn hóa muôn đời luôn là sức mạnh nội sinh, là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hồi chuông cảnh tỉnh trong "Chén thuốc độc" Vở kịch Chén thuốc độc xoay quanh câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa. Trước cám dỗ của xã hội thành thị thực dân, các thành viên trong gia đình thầy Thông Thu đều bị cuốn vào những thú chơi, những tệ nạn xã hội đương thời. Từ đó, nền nếp gia đình bị đảo lộn, nợ nần chồng chất, Mõ tòa đến đòi nợ, tịch biên tài sản...Trước bế tắc không có hướng giải quyết, thầy Thông Thu tìm cách giải thoát bằng chén thuốc độc... Qua ngòi bút phản ánh nhạy bén, kịp thời, trung thực, sâu sắc những khía cạnh tiêu cực của hiện thực theo chiều hướng tư sản hóa ở các thành thị Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX, tác giả đã phê phán cách sống ăn chơi trụy lạc dẫn đến sa đọa, tội lỗi của một lớp người thành thị trung lưu đã “lăn mình vào cuộc sống xa hoa trụy lạc, từ đó dẫn đến sự phá sản và tội lỗi. Họ nhân danh tự do cá nhân để phát triển tính ích kỷ, hưởng lạc, gây nên tình trạng mà đương thời gọi là phong hóa suy đồi, luân thường đảo ngược" (Từ điển văn học). Hơn thế, với trách nhiệm nghệ sĩ, nhà văn Vũ Đình Long đã gửi trong vở kịch hồi chuông cảnh tỉnh lối sống Âu hóa của các giai tầng, thành phần xã hội như: công chức, giáo học, ký giả…các đối tượng thanh niên con nhà giàu, phụ nữ… chọn lối sống ăn chơi hưởng lạc mà quên lãng trách nhiệm với gia đình, đất nước, dân tộc và với chính bản thân mình. |
Vài nét về "ông tổ kịch nói Việt Nam" Vũ Đình Long Vũ Đình Long sinh ngày 19/12/1896, quê Cao Dương, Thanh Oai (Hà Nội). Ông từng theo học trường thuốc, ngành bào chế, sau đó chuyển sang dạy học ở Hà Đông. Từ năm 1925, ông mở hiệu sách và Nhà xuất bản Tân Dân và các tờ báo Tiểu thuyết thứ Bảy (1934-1942), Phổ thông bán nguyệt san (1936-1941), Hữu Ích (1937-1938), Tao đàn (1937-1938). Đây là địa chỉ thân thiết với nhiều nhà văn Việt Nam như: Nguyễn Đỗ Mục, Ngô Văn Triện, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Lan Khai, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Nam Cao… Là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa I. Tác phẩm: Chén thuốc độc (1921), Tây Sương tân kịch (1922), Tòa án lương tâm (1923), Đàn bà mới (1944), Thờ nước (Việt hóa vở Servir của Henri Lavedan, 1947), Công tôn nữ Ngọc Dung (Việt hóa vở La’venturièe của Emile Augier, 1947), Tổ quốc trên hết (Việt hóa vở Horace của Corneille, 1949), Tình trong khói lửa (1953), Gia tài (Việt hóa vở Le Lé gataireuniversel của Reganard, 1958), Tuyển tập kịch Vũ Đình Long (2009)…; Quốc âm độc bản (1932), Thế giới trẻ em (1927). |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng