VN - Index phiên sáng 9/5 giảm hơn 47 điểm
Nối tiếp đà giảm từ tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực ngay từ khi mở cửa phiên. Thị trường không tìm thấy động lực tăng trưởng khi lực bán tăng mạnh, trong khi lực cầu yếu khiến thanh khoán thấp.
Cuối phiên sáng 9/5, VN-Index giảm tới 47,23 điểm xuống 1.282,03 điểm. Với mức giảm điểm này, vốn hóa sàn HOSE đã bị “thổi bay” hơn 187,2 nghìn tỷ đồng. Khối lượng giao dịch sàn HOSE đạt hơn 377,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 10.291 tỷ đồng. Toàn sàn có 28 mã tăng giá, trong khi có tới 424 mã giảm giá và 16 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 17,53 điểm xuống 325,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 50,4 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.017 tỷ đồng. Toàn sàn có 17 mã tăng giá, 200 mã giảm giá và 21 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 4,02 điểm xuống 97,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 24,8 triệu đơn vị, tương ứng trên 433,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 59 mã tăng giá, 231 mã giảm gái và 18 mã đứng giá.
Cả 30 cổ phiếu thuộc rổ VN30 đều giảm giá, với mức giảm rất sâu.
Có thể kể đến các mã như: KDH giảm 5,9%, MWG giảm 5,5%, PNJ giảm 5,3%, POW giảm 5%. Các mã vốn hóa lớn ngành ngân hàng thuộc rổ VN30 cũng có mức giảm rất sâu. Cùng đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VHM đều giảm 2,3%, VRE giảm 3%.
Cổ phiếu ngành dầu khí không còn xuất hiện sắc xanh. Mức giảm thấp nhất tại nhóm này thuộc về BSR đã là 4,6%. Các mã PLX, OIL, PVB, PVC, PVD, PVS, TOS có mức giảm từ 5,8-7,3%. Đáng chú ý, PTV còn giảm tới 14,1% xuống giá sàn.
- Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên sáng 9/5
- Chứng khoán Việt Nam chào tháng 5 trong sắc đỏ, VN-Index giảm hơn 18 điểm
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng chỉ còn duy nhất NVB tăng nhẹ 0,8%. Tất cả các mã cổ phiếu dòng ngân hàng còn lại đều giảm mạnh. Mức giảm thấp nhất là 1% thuộc về SSB. Các mã như: BVB giảm 8,8%, STB giảm 6,7%, PGB giảm 6,4%, KLB giảm 6,3%, OCB giảm 5,9%, VBB giảm 5,8%, SHB giảm 5,5%, VPB giảm 5,4%, TCB giảm 5,3%, CTG giảm 5%, BID giảm 4,5%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán không còn mã nào tăng giá. Các mã đều giảm rất sâu, nhiều mã giảm sàn, nhiều mã giảm sát giá sàn. Cụ thể, AGR, APG, BSI, CTS, FTS, OGC, VCI, VIX, WSS giảm kịch sàn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản chỉ còn lác đác vài mã giữ được sắc xanh. Hầu hết các mã bất động sản giảm sâu; trong đó, AMD, BVL, CKG, DRH, DTA, DXG, DXS, FLC, HDC, HDG, HQC, ITC, LGL, LHG, NVT, PTL, SCR, THD giảm hết biên độ.
Nhóm cổ phiếu hóa chất đua nhau giảm sàn, với CSV, DCM, DPM, DGC, DPM, HAI, HCD, PHR, SJF, TSC giảm hết biên độ. Các nhóm y tế, thực phẩm đồ uống, ô tô và phụ tùng, xây dựng và vật liệu… đều có mức giảm rất sâu.
Điểm tích cực duy nhất có lẽ là khối ngoại mua ròng trong sáng nay. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 208,55 tỷ đồng trên HOSE và 16,86 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ bán ròng hơn 1 tỷ đồng trên HNX.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu cũng đồng pha với các thị trường các thị trường chứng khoán châu Á, trong bối cảnh những lo ngại về lãi suất, trong khi các biện pháp phong tỏa tại Thượng Hải được thắt chặt đã gây ra những tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,23%, xuống 26.401,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,16%, xuống 2.996,67 điểm. Thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.
Các nhà phân tích tại Barclays cảnh báo các đợt tăng lãi suất được thực hiện cùng với các phát biểu ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ được đưa ra trong khi các hoạt động tại Trung Quốc và châu Âu lao dốc, các nước có những kế hoạch mới về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga và sức ép phía nguồn cung tiếp tục.
Điều này khiến lạm phát có thể kéo dài, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, dù tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại trước khi báo cáo về giá tiêu dùng của Mỹ được công bố vào ngày 11/5, với dự báo lạm phát sẽ chỉ hạ nhiệt phần nào và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất có thể sẽ tăng lãi suất ít nhất là 50 điểm cơ bản trong tháng Sáu.
Theo các nhà phân tích tại ANZ, trong quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng lõi các tháng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mức quá cao đối với Fed. Tuy nhiên, Fed sẽ không phải là ngân hàng trung ương duy nhất chịu sức ép lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ phải thắt chặt chính sách với tốc độ mạnh hơn.
Văn Giáp/TTXVN