loading...
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 4 phiên hồi phục (từ 26 -29/4) liên tiếp thì đã giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ dài. Tâm lý tiêu cực vẫn đè nặng lên thị trường, thanh khoản cũng ở mức thấp và không có dấu hiệu cải thiện so với trước kỳ nghỉ lễ.
Tối 29/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ hợp tác và phối hợp chặt chẽ theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra trong quá trình điều tra làm rõ và xử lý vụ Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán bị khởi tố, bắt giam về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/5, VN-Index giảm 18,12 điểm xuống 1.348,68 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 528,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 14.454,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 140 mã tăng giá, 301 mã giảm giá và 38 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 4,86 điểm xuống 360,97 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 73,8 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.631 tỷ đồng. Toàn sàn có 92 mã tăng giá, 136 mã giảm giá và 41 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,28 điểm xuống 104,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 38,2 triệu đơn vị, tương ứng 768,57 tỷ đồng. Toàn sàn có 116 mã tăng giá, 138 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.
Giao dịch của khối ngoại phiên hôm nay cũng diễn biến tiêu cực.
Cụ thể, khối này bán ròng 304,38 tỷ đồng trên HOSE và 11,49 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 26,07 tỷ đồng trên HNX.
Hôm nay hầu hết các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đều giảm giá mạnh. Tại nhóm cổ phiếu VN30 có tới 21 mã ở chiều giá đỏ, trong khi chỉ có 8 mã ở chiều giá xanh và 1 mã đứng ở tham chiếu. Các mã giảm giá mạnh như: HPG, GVR, MSN, VRE, VNM... Ở chiều tăng giá, đáng chú ý POW tăng tới 6,8% lên giá trần.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm rất sâu trong phiên hôm nay. Có thể kể đến các mã như VIB giảm 6%, TPB giảm 4,8%, TCB giảm 4,5%, OCB giảm 3,6%, STB giảm 3,4%, MBB giảm 3%, ACB giảm 2,9%, CTG giảm 2,7%, PGB giảm 2,4%...
Cùng đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán ngập trong sắc đỏ. Các mã SSI, SHS, HCM, MBS, FTS, BVS, CTS ... giảm từ 3% trở lên. Nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt giảm sàn. Cụ thể, BCF, DCM, DPM... giảm hết biên độ.
Nhóm cổ phiếu họ FLC cũng đồng loạt giảm sàn. Các mã AMD, ART, KLF, FLC, HAI kịch sàn, trong khi ROS cũng giảm 4,9%, GAB không có giao dịch.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bảo hiểm và dầu khí diễn biến rất tích cực với sắc xanh bao phủ.
Dù thanh khoản đang ở mức rất thấp so với giai đoạn trước, nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho biết, theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý I/2022 khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021 và đây là con số kỷ lục trong lịch sử.
Số liệu thống kê từ các công ty chứng khoán cho biết dư nợ cho vay toàn thị trường tính tới cuối quý I/2022 đạt kỷ lục 200.000 tỷ đồng, xấp xỉ 8,7 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 5.000 tỷ so với quý trước và đây cũng là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập tới nay.
Việc dòng tiền lớn vẫn đang ở trạng chờ đợi để giải ngân trở lại ở tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cho thấy, các nhà đầu tư không hoàn toàn bi quan về thị trường và sẵn sàng tham gia lại khi nhận thấy cơ hội tốt hoặc thị trường chung có mức chiết khấu mạnh, VCBS nhận định.
Thực tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng đang trên đà hồi phục.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tính đến ngày 29/4, có 506 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ. Có 62% doanh nghiệp tăng trưởng dương so với cùng kỳ và 12% số doanh nghiệp báo lỗ.
Có 12/30 doanh nghiệp trong nhóm VN30 công bố kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 32% so với cùng kỳ và có 16/19 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 34,7%.
Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I đang bước vào giai đoạn cuối và khối ngân hàng vẫn đóng góp chủ yếu mức cải thiện lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái.
Văn Giáp/TTXVN
loading...