Vĩnh biệt 'nửa kia' của 'huyền thoại Thanh Nga - Thanh Sang'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày mai 25/4 là thời điểm những khán giả yêu quý NSƯT Thanh Sang tiễn biệt ông về với đất mẹ. Và, trong gia tài nghệ thuật mà nghệ sĩ này để lại, hẳn ai cũng nhớ tới “liên danh huyền thoại” Thanh Nga- Thanh Sang.
- NSƯT Thanh Sang qua đời: Nhớ mãi chàng Thi Sách của 'Tiếng trống Mê Linh'
- NSƯT Thanh Sang sức khỏe gặp nguy kịch
- Nghệ sĩ Thanh Sang, người yếu không mang nổi giày vẫn diễn
Sinh thời, ông cũng thừa nhận, sự nghiệp của mình chói sáng nhất trong thời gian hát cặp với Thanh Nga ở đoàn Thanh Minh nhiều năm trước.Và cũng chỉ cần 2 vở diễn Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh là đã quá đủ để Thanh Sang - Thanh Nga trở thành “liên danh huyền thoại” trong lòng khán giả mộ điệu.
Với Bên cầu dệt lụa (1976), vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và thanh cao của tiểu thư Quỳnh Nga (Thanh Nga) hòa hợp tuyệt với với khí chất cương trực và thâm tình của chàng học trò nghèo Trần Minh ( Thanh Sang). Sự điềm đạm trong nét diễn, sự mực thước trong từng cử động và ánh nhìn trìu mến cả 2 dành cho nhau đã khiến các vai diễn trở thành hình mẫu chuẩn mực mà các thế hệ nghệ sĩ trẻ đều ít nhiều chịu ảnh hưởng khi diễn lại.
NSƯT Thanh Sang vẫn đều đặn viếng giỗ bạn diễn Thanh Nga hàng năm. Ảnh: Thanh Hiệp
Còn Tiếng trống Mê Linh (1977), dù được nhiều lớp nghệ sĩ thể hiện rất thành công mỗi người một vẻ nhưng Trưng Trắc (Thanh Nga) và Thi Sách (Thanh Sang) vẫn được nhớ nhất. Không chỉ vì họ là những nghệ sĩ thể hiện hình tượng nhân vật đầu tiên, sự hòa quyện trong từng câu thoại, lời ca, trong từng động tác, từng biểu cảm diễn xuất đã làm nên điều này. Và đặt biệt, phải kể tới chất giọng buồn miên man cả 2 cùng sở hữu. Chính giọng ca chất chứa nhiều nỗi niềm khiến Trưng Trắc của Thanh Nga sâu lắng hơn và Thi Sách của Thanh Sang cũng trầm hùng hơn.
2. NSƯT Thanh Sang cũng từng chia sẻ mình và Thanh Nga không hề quá vất vả trên sàn tập vì rất ăn ý với nhau. Sự ăn ý ấy lớn đến mức chỉ cần nhìn nhau là cả hai biết phải phối hợp diễn như thế nào, đưa tay ra hay bước lui lại, khi người này nhấn chữ là người kia biết phải cất giọng ra sao cho phù hợp nhất.
Trong mắt Thanh Sang, Thanh Nga cũng có phần thơ trẻ và hay giận dỗi nhưng cũng rất mau quên và là một nghệ sĩ vô cùng tài năng và chuyên nghiệp. Ông vẫn thường nhớ về những lần cãi cọ, giận nhau vì bất đồng quan điểm trong vai diễn nhưng ra sân khấu thì cả 2 vẫn cứ vô cùng “mùi mẫn” làm khán giả cứ trầm trồ về sự “xứng lứa vừa đôi” của 2 người.
Việc Thanh Nga ra đi quá sớm (1978) đã khiến Thanh Sang không khỏi hụt hẫng, thậm chí có người còn nghi ngờ liệu ông còn tiếp tục theo nghề khi mất đi “người tình sân khấu”. Dù vậy, Thanh Sang vẫn hết lòng với sân khấu và tiếp tục có những bạn diễn rất ăn ý được khán giả tưởng thưởng là Bạch Tuyết và Mỹ Châu.
Lễ truy điệu NSƯT Thanh sang sẽ được tổ chức lúc 7h15 ngày mai 25/4. Sau đó, thi hài nghệ sĩ tài hoa này sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Bình Dương. |
Năm 2014, Thanh Sang đã lần cuối cùng được làm Thi tướng quân khi gia tộc cải lương Thanh Minh - Thanh Nga tổ chức chương trình “Chút tình gửi lại nhân gian” để tri ân khán giả và tưởng nhớ “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga. Dù bước đi nặng nề, xuống sân khấu phải có người dìu và hơi ca đã run rẩy nhiều , chất giọng trầm buồn đó, cách nhả chữ chân phương mà trau chuốt đó vẫn đủ sức xoáy vào tim người nghe. Và ông vẫn mãi là Thi tướng quân trong lòng khán giả mộ điệu.
Đêm 21/4, “Thi tướng quân” Thanh Sang đã rời bỏ trần gian để đoàn tụ cùng Trưng Trắc - Thanh Nga, “người bạn diễn số một” của mình.
Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa