Vĩnh biệt nhà sưu tập Yukio Ogushi: Một người bạn chí tình của tranh Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà sưu tập Yukio Ogushi (1943-2021) đã qua đời hôm 25/6 tại Nhật Bản ở tuổi 79 tính theo Âm lịch. Chi tiết về tang lễ đang tạm được giữ kín theo nguyện vọng của tang quyến. Với hơn 500 bức tranh đã sưu tập, đa số của họa sĩ Việt còn sống, ông là một người bạn chí tình của tranh Việt.
Mấy chục năm qua, mỗi năm Yukio Ogushi thường sống ở Việt Nam 3 tháng, còn lại 3 tháng ở Nhật Bản, 3 tháng ở Thái Lan, 3 tháng ở Philippines. Vài năm gần đây, ông sống chủ yếu ở Việt Nam, Thái Lan và đặc biệt yêu thích tranh Việt - những bức tranh chiếm đến 70% bộ sưu tập.
Một “ma xó” dễ thương
So với các nhà sưu tập nước ngoài khác, ít ai lăn lộn, tiếp cận với giới họa sĩ Việt Nam một cách gần gũi, bình dân như Yukio Ogushi. Trong thời gian ở Việt Nam, gần như ông không bỏ sót bất kỳ một triển lãm nào và chia thời gian một cách khoa học, để làm sao mỗi ngày có thể đến vài nơi xem tranh, gặp gỡ, ăn uống với họa sĩ.
Trong lần trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) hồi tháng 8/2009, Yukio Ogushi nói: “Bạn bè họa sĩ Việt Nam đều biết, tôi ít khi nào chọn ở những nhà trọ có giá cao hơn 8 USD/1 ngày đêm; tôi thích cà phê đen và miến lươn, cũng khá rẻ tiền ở đây; tôi đi xe đạp thường xuyên, xa thì đi xe đò xe buýt, nếu phải bay thì chọn loại rẻ nhất. So với giới mua bán tranh quốc tế ở Việt Nam, tôi tự hào là ma xó, biết được khá nhiều ngóc ngách, giá rẻ, mà đa số họ không biết. Người Nhật vốn tiết kiệm, tôi lại thuộc hàng siêu tiết kiệm, nên không dùng cả điện thoại, E-mail, internet… cho đỡ tốn và cũng đỡ rắc rối”.
Yukio Ogushi đến với tranh khá tình cờ, năm 1988, sau khi ly hôn, vợ quản lý hết công việc của xí nghiệp, ông đến Manila (Philippines) chơi và mua bức tranh của một họa sĩ trẻ. Năm 1989, khi đến Việt Nam, ông được xem tranh Lê Thánh Thư, lập tức bị thu hút, rồi có ý nghĩ phải mua nhiều tranh Việt Nam hơn. Trong gần 100 họa sĩ Việt còn sống, với hơn 500 bức đã mua, Yukio Ogushi nói rằng ông vẫn thích tranh Lê Thánh Thư nhất, vì chất thơ và chất thánh thiện trong tác phẩm.
Mỗi năm ông đều tổ chức tối thiếu một triển lãm ở Bangkok, rồi 2 năm thì đưa một họa sĩ Nhật đến Việt Nam hoặc ngược lại. Ấn tượng lớn về ông có lẽ bắt đầu từ triển lãm Hội họa Việt Nam ngày nay - Mỹ thuật Việt Nam sau thời Đổi mới tại Bảo tàng Nghệ thuật Fujita Vente, Tokyo, Nhật Bản, kéo dài từ ngày 9/9 đến 2/10/1996. Triển lãm này ông góp rất nhiều công sức, bày tác phẩm của các họa sĩ như Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Đinh Quân, Đinh Ý Nhi, Đỗ Hoàng Tường, Đỗ Minh Tâm, Hà Trí Hiếu, Hồ Hữu Thủ, Hồng Việt Dũng, Lê Thánh Thư, Nguyễn Lâm, Nguyễn Quân, Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Thân, Nguyễn Trung, Trần Lương, Trần Văn Thảo, Trương Tân…
“Vì không phải dân chuyên nghiệp, tôi chỉ tuân thủ nguyên tắc là tranh phải gây cho mình cảm xúc, phải là của họa sĩ còn sống và trẻ thì càng tốt. Với lại, tôi mua về cũng chỉ cất tại tư gia ở Tokyo, khi rảnh thì lấy ra xem, chưa bao giờ có ý bán chác hoặc kinh doanh, nên không sợ chuyện mua đắt bán rẻ” - Yukio Ogushi nói.
Chủ phòng tranh Tự Do kể: “Cuối tháng 12/2015, Yukio và Kato Shojiro đến nhận lại số tranh đã ký gửi, rồi thuận theo ý nguyện của 2 người bạn này, chúng tôi đã giúp họ tặng toàn bộ số tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sau đó”. Vào ngày 5/6/2020, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng từng triển lãm chuyên đề giới thiệu 65 hiện vật quý mà nơi đây sưu tầm trong giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có nhiều tác phẩm do Yukio Ogushi hiến tặng từ năm 2017.
- Tranh Việt lại gây ấn tượng trên sàn đấu quốc tế
- Góc nhìn 365: Trong niềm vui chờ 'kỷ lục' mới của tranh Việt
- Những cột mốc 'triệu đô' mới của tranh Việt
Tình yêu trong sáng, vô vụ lợi
Nhà sưu tập Đặng Hải Sơn kể thêm: “Yukio là người chu đáo. Khi con gái chúng tôi học tiếng Nhật, ông thường mang tự điển và sách tiếng Nhật đến tặng. Khi Thu Hà than phiền thường quên kính, ông mang tặng những sợi dây đeo kính xinh xắn. Có năm ông ăn Tết ở Sài Gòn, ngày 30 tháng Chạp ông ghé hỏi ngày nào mở cửa. Chúng tôi trả lời nếu ông đến chơi thì chúng tôi sẽ mở cửa ngày mồng Một. Vậy là sáng Nguyên đán, khi vừa mở cửa thì đã thấy Yukio bước vào chúc Tết”.
Họa sĩ Lê Thánh Thư chia sẻ: “Yukio Ogushi là người kết nối mỹ thuật Việt Nam với Đông Nam Á và châu Á, thông qua các giao lưu, triển lãm. Ông cũng góp nhiều công sức giới thiệu mỹ thuật Việt Nam sau Đổi mới đến Nhật Bản và quốc tế. Tất cả điều này xuất phát từ tình yêu mỹ thuật và lịch sử Việt Nam rất tự nhiên, trong sáng, vô vụ lợi. Nhiều họa sĩ xem ông như là người trong nhà”.
Cũng trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa năm 2009, Yukio Ogushi nói: “Thời Pháp thuộc, tuy có ảnh hưởng phong cách phương Tây, nhưng tranh Việt vẫn có nhiều nét riêng, nên vẫn hấp dẫn người xem hiện nay. Thời kháng chiến, những ký họa cũng rất cảm xúc và có giá trị tư liệu. Theo sở thích chủ quan, trong khu vực Đông Á, tranh Việt Nam là nhiều chất thơ nhất. Còn trong nước, tranh của các họa sĩ miền Nam nhiều chất thơ hơn họa sĩ miền Bắc, nhưng giá bán thì ngược lại”.
Văn Bảy