A+ A A- Kiểu đọc sách

Những cột mốc 'triệu đô' mới của tranh Việt

19:05 27/05/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Với thị trường nghệ thuật Việt Nam, ngày 26/5/2019 sẽ là một cột mốc mới, đáng ghi nhớ, vì có thêm 2 tranh Việt vượt ngưỡng 1 triệu USD. Phiên đấu Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại tại nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong (Trung Quốc) có 138/232 lô hàng của nghệ thuật Việt, kết quả 138 lô hàng Việt đều được bán.

'Khát vọng Việt Nam': Top 7 tranh Việt đắt giá nhất 2018

'Khát vọng Việt Nam': Top 7 tranh Việt đắt giá nhất 2018

Đỉnh điểm của thị trường mỹ thuật là các phiên đấu giá xa xỉ. Trong năm 2018, tại các phiên đấu giá uy tín trên thế giới, tranh Việt đang ấm dần trở lại, với một số tác phẩm tạo được điểm nhấn, lọt Top 5 về giá bán của phiên.

Tối 25/5/2019, tại phiên đấu cùng tên ở Christie’s Hong Kong, bức Jeune fille Au Perroquet (Thiếu nữ với con vẹt, lụa, 82cm x 49cm, 1933) của Nguyễn Phan Chánh đã bán hơn 10,3 tỷ đồng. Còn bức Young Cowherds In Tonkinese Landscape (Mục đồng Bắc kỳ, sơn mài, 80cm x 151cm, khoảng 1938) của Phạm Hậu bán hơn 11 tỷ đồng, tăng hơn 230% giá sàn.

Khỏa thân lên ngôi

Tiêu điểm của phiên sáng 26/5 thuộc về Lê Phổ, bức Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, 1931) đã bán 10.925.000 HKD, tương đương gần 1,4 triệu USD, hơn 32,3 tỷ đồng. Khi phiên đấu vừa khởi động, bức này đã được nhà đấu giá và giới am hiểu thị trường đón đợi, đánh giá cao. Kết quả nó dẫn đầu giá bán toàn phiên, thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của nghệ thuật Việt Nam.

Chú thích ảnh
Với giá bán 10.925.000 HKD, tương đương gần 1,4 triệu USD, hơn 32,3 tỷ đồng, bức “Khỏa thân” của Lê Phổ hiện là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nghệ thuật Việt Nam

Giá cao thứ hai cũng thuộc về Lê Phổ, đó là bức Family Life (Đời sống gia đình, mực và gouache trên bố, 82cm x 66cm, khoảng 1937-1939), bán 1.172.080 USD tại phiên đấu ngày 2/4/2017 của nhà Sotheby’s Hong Kong.

Giá cao thứ ba vừa thuộc về bức Les Désabusées (Vỡ mộng, lụa, 92,5cm x 57cm, 1932) của Tô Ngọc Vân, vừa bán sáng 26/6 với giá hơn 27 tỷ đồng, tăng gần 400% so với mức sàn.

Chú thích ảnh
Bức "Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân được bán với giá hơn 27 tỷ đồng

Giá cao thứ tư thuộc về bức Le Hamac (Mắc võng, sơn dầu trên bố, 198,5cm x 301cm, 1938) của Joseph Inguimberty, bán 970.323 USD tại phiên đấu ngày 2/4/2017 của nhà Sotheby’s Hong Kong. Đây là tác phẩm từng giữ á quân về giá bán công khai của tranh Việt.

Cũng tại phiên sáng 26/5, tác phẩm khỏa thân Le Bain De Mer (Tắm biển, lụa bồi giấy, 88cm x 56,5cm, khoảng 1938) của Lê Phổ đã bán hơn 11,7 tỷ đồng. Điều này thêm chứng tỏ sự lên ngôi của tranh khỏa thân tại thị trường quốc tế và Việt Nam.

Từng bị xa lánh, kỳ thị, e dè… nên suốt một thời gian dài tranh khỏa thân hoặc vắng bóng ở các nhà đấu giá, hoặc có xuất hiện cũng cho vui, chẳng làm nên “cơm cháo” gì. Những năm gần đây tình thế đã thay đổi rất nhiều. Ví dụ phiên đấu ngày 9/11/2015 của Christie’s New York, bức Nu Couché (Khỏa thân nằm, sơn dầu, 59,9cm x 92cm, khoảng 1917-1918) của Amedeo Modigliani đã bán 170.405.000 USD. Trong toàn lịch sử đấu giá thế giới, bức này trở thành một trong vài bức cao giá nhất.

Ở khía cạnh nghệ thuật, cả hai tác phẩm khỏa thân của Lê Phổ lần này đều xứng tầm là kiệt tác, vì nó là có dấu ấn tiền phong và đóng góp về tư duy. Trước năm 1945 tại Việt Nam, vẽ khỏa thân nữ như Lê Phổ không chỉ táo bạo về mặt tư duy hình họa, mà còn khó khăn về nhiều thứ, trong đó có cả chuyện vượt qua sự bảo thủ.

Bộ sưu tập quý

Cả hai bức Khỏa thânTắm biển đều thuộc sưu tập của Tuấn Phạm (Tuấn H. Phạm, California, USA) - một tiến sĩ về công nghệ sinh học. Tại phiên này, Tuấn Phạm còn có 15 lô hàng, tất cả đều được bán, thu về hơn 6 triệu USD, gần 140 tỷ đồng; 16 tác phẩm khác của Tuấn Phạm sẽ lên sàn đấu Christie’s Hong Kong vào tháng 11/2019.

Chú thích ảnh
Bức “Tắm biển” của Lê Phổ được với giá hơn 11,7 tỷ đồng

Tuấn Phạm đến với việc sưu tập tranh Việt khá tình cờ. Anh kể: “Trong một ngày nghỉ ở Nam Florida vào cuối những năm 1990, khi tản bộ qua một phòng trưng bày nhỏ, thoáng thấy một bức tranh nhỏ. Đó là bức tĩnh vật với bình hoa. Chiếc bình có màu xanh và trắng, gợi nhớ đến chiếc bình thế kỷ 19 được xuất khẩu từ Trung Quốc. Bông hoa có màu vàng và xanh tuyệt đẹp, cùng tháp Eiffel. Khi đến gần bức tranh, tôi thấy rằng nó đã được ký bằng các ký tự Trung Quốc, phía trên là Le Pho (mà tôi nghĩ là Li Pho, tên tiếng Trung). Tôi đã mua bức tranh mà không nhận ra Lê Phổ là một họa sĩ từ Việt Nam”.

“Đó là bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập tranh Việt của tôi, nó bắt đầu hành trình kết nối tôi trở lại với quê hương Việt Nam” – anh kể.

Từ bức tranh tình cờ này, Phamatech của Tuấn Phạm đã thành lập một nhóm phi lợi nhuận dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Ông đã trao rất nhiều suất học bổng toàn phần cho sinh viên để đạt được ước mơ của họ trong đại học.

“Tôi đã gắn bó với nhiều bức tranh, nhưng giống như các họa sĩ vẽ ra nó, nó không thực sự thuộc về tôi, nên nó cần tiếp tục tìm đời sống của nó ở các nhà sưu tập thực thụ hơn. Hành trình của tôi đã hoàn tất, đã đến lúc để người khác bắt đầu hành trình cá nhân của riêng họ” - Tuấn Phạm chia sẻ.

Văn Bảy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...