Vinasun và câu chuyện văn hóa kinh doanh
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng ngày 9/10/2017, Thành ủy TP.HCM đã họp và kết luận: việc nhiều xe taxi của hãng Vinasun cho dán băng rôn trên xe để phản đối cách kinh doanh của Grab và Uber là “hình ảnh phản cảm” và đề nghị tháo dỡ.
- Taxi Vinasun phản đối Uber, Grab: Nghĩ về cạnh tranh bằng... băng rôn và đánh hội đồng
- Hà Nội: Tranh giành khách, tài xế Grab Bike cầm gạch ném tài xế xe ôm
Cần nhắc lại sự việc, từ sáng ngày 8/10/2017, rất nhiều taxi của hãng Vinasun ở địa bàn TP.HCM đã dán băng rôn sau xe với các câu khẩu hiệu như: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”; “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”… Sự việc này lập tức được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng trên mạng xã hội, Facebook và báo chí chính thống trên khắp cả nước.
Hầu hết các ý kiến đưa ra cho thấy đây là việc làm gây phản cảm và thiếu văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử. Đến sáng hôm sau thì Thành ủy TP.HCM đã đưa ra kết luận như trên.
Mặc dù lãnh đạo Vinasun phủ nhận đây không phải là chủ trương chung của công ty, mà là các tài xế tự phát, nhưng dường như ý kiến này khó được chấp nhận, do không có tính thuyết phục. Nhìn vào “sự đồng bộ” trong cách thiết kế của các băng rôn so, với số lượng in rất lớn, dán đồng loạt trên rất nhiều xe, khó nói tự phát cho được.
Trước hết có thể thấy, việc xe taxi của Vinasun dán các băng rôn như trên là một việc làm có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh, luật kinh doanh. Bởi việc chỉ đích danh hai doanh nghiệp Grab và Uber trong băng rôn cùng với những cụm từ như “quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, hoặc “phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” cho thấy Vinasun đã cố tình làm mất hình ảnh, uy tín của hai doanh nghiệp cùng chung ngành nghề.
Luật pháp Việt Nam đã quy định: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó” - Điều 43 Luật Cạnh tranh.
Cái sai về mặt pháp luật sẽ được luật pháp cùng các chế tài của xã hội xử lý. Nhưng về mặt ứng xử và văn hóa kinh doanh, làm như cách của Vinasun là “chơi không đẹp”. Rõ ràng về mặt quy mô và lịch sử kinh doanh tại TP.HCM, Vinasun là doanh nghiệp rất lớn, “đàn anh” của Grab và Uber, sao lại ứng xử với “đàn em” tệ như vậy.
Taxi truyền thống (kiểu của Vinasun) đã tồn tại và “thống trị” ở nước ta suốt mấy chục năm qua. Nghĩa là phương thức kinh doanh này đã trở thành lão làng theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Vậy mà khi vừa gặp một phương thức kinh doanh trẻ hơn (như của Grab và Uber chẳng hạn), các lão làng liền mất khả năng cạnh tranh, hoặc đứng trước nguy cơ điêu đứng, có lẽ cũng nên tự xem lại mình.
Chẳng lẽ taxi truyền thống đã lỗi thời hoặc không còn thích hợp trong môi trường kinh doanh mới?
Cái đích mà người kinh doanh luôn muốn hướng đến chính là khách hàng. Trong khi khách hàng thì có quyền lựa chọn cho mình món hàng hoặc dịch vụ tốt nhất, hợp lý nhất có thể. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh tự do và chống độc quyền như hiện nay, các doanh nghiệp không có khả năng bắt khách hàng lựa chọn dịch vụ của mình. Vậy thì chỉ còn một cách là nâng cao chất lượng phục vụ lên mức tối đa. Grab và Uber dù sinh sau đẻ muộn ở Việt Nam nhưng họ đã nắm bắt được nguyên lý này và làm tốt điều đó nên họ được nhiều khách hàng lựa chọn, cũng là việc hiển nhiên.
Trên đây cũng chỉ là một trong nhiều câu chuyện về cạnh tranh không lành mạnh. Câu chuyện kinh doanh cũng như chính cuộc sống: Không vận động, không thay đổi thì sẽ tụt hậu, có khi bị loại thải. Nhưng Vinasun, có vẻ không muốn chấp nhận thực tế này, nên mới dẫn đến hành động chẳng những không xoay chuyển được tình thế, mà còn “mang họa” vào thân.
Tiểu Mục Đồng