Việt Nam vs Nhật Bản: Yến gọi mùa Xuân về
(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm rồi kể từ trận tiếp Thái Lan tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, CĐV bóng đá Việt Nam mới lại được tận hưởng bầu không khí lễ hội trên SVĐ Mỹ Đình. Nguyên do cũng là vì con siêu vi Covid-19 mà ra. Trận đấu với Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 diễn ra vào đêm qua, tuy chỉ có thể đón hơn 10 ngàn khán giả, nhưng lần đầu tiên sau 2 năm đằng đẵng ấy, thầy trò HLV Park Hang Seo đã có cảm giác được tựa lưng vào khán đài sân bóng quốc gia để chiến đấu.
Vẫn có ví von rằng, thấy chim Én là có mùa Xuân. Én hay Hoàng Yến là một và cũng là tên một cô gái rất đặc biệt - cheerleader của Hội CĐV Việt Nam Golden Stars (VGS), tức các Chiến binh sao vàng Việt Nam. Người mà chúng ta đã thấy tối qua tại chảo lửa Mỹ Đình.
Một con Én có làm nên mùa Xuân?
"Nếu không có bóng đá, tôi đã chỉ là một cô gái hái - thu gom cafe, rang xay và bán cho khách, công việc của một bà mẹ đơn thân giúp tôi có thể nuôi 2 con nhỏ và độc lập trang trải cuộc sống bình nhật", Hoàng Yến (hay còn có tên gọi khác là Lá Đỏ) nhớ lại. Trên chương trình Góc khuất Cầu trường của Thể thao & Văn hóa, Yến đã từng chia sẻ rất nhiều.
Đó là một buổi chiều cách đây độ chục năm, Hoàng Yến theo rủ rê của "mấy chú CĐV" xuôi đất Thủ xem bóng đá. Thấy bầu không khí cổ động trên khán đài èo uột quá, cô gái mảnh dẻ như thân cây trúc này quyết định xắn tay vào việc tổ chức Hội - nhóm CĐV. Và giải giao hữu quốc tế U19 trên SVĐ Thống Nhất (TP.HCM), tháng 1/2014, không chỉ là màn ra mắt ấn tượng trước khán giả nhà của Công Phượng và đồng đội khi đấu với Tottenham Hotspur, rồi AS Roma..., mà còn là phát tích của Hội CĐV Việt Nam phía Nam, với Lá Đỏ chính là lá cờ đầu rất tích cực.
Trong nhiều ngày, Hội - nhóm CĐV này đã may được đại kỳ, sắm sửa trống kèn, cờ hoa, đồng phục, tập luyện các bài cổ vũ..., và chúng ta được thấy bầu không khí lễ hội ở Thống Nhất, với hơn 25 ngàn người lèn kín sân bóng huyền thoại ấy.
Theo chân U19 Việt Nam, với lứa đầu của Học viện HAGL Arsenal JMG ra ràng làm nức lòng người hâm mộ, hết Thống Nhất, lại ngược ra Mỹ Đình, rồi xuôi Cần Thơ năm đó, những người yêu mến đội bóng chưa bao giờ phải thất vọng. Lá Đỏ và nhóm bạn của mình giúp tình yêu trên các khán đài đượm trở lại, sau nhiều năm tắt ngấm, với đầy đủ các thất bại và thất vọng của các ĐTQG kể từ sau 2008. Và, người ta bắt đầu để ý đến hình ảnh một cô gái đứng trên bục cao, quay mặt về phía khán đài gào thét, bắt nhịp cổ động suốt trận đấu. Cô gái xinh xắn này là ai mà... máu thế?.
Cần biết rằng, vào thời điểm đó, phong trào cổ động - cổ vũ các ĐTQG chỉ là tự phát, với các Hội - nhóm nhỏ lẻ, "nghe giục trống chèo thì vác bụng đi xem". Lá Đỏ cũng chưa là ai cả, so với những cây đa, cây đề như Mạnh "bệu" ở Hà thành, Hoàn "pháo" tại Lạch Tray, Thuyết "trống" của Thiên Trường hay Trần Hữu Nghĩa tại Thống Nhất... Đỗ Hoàng Yến Phúc, tự Lá Đỏ hay đơn giản chỉ là Hoàng Yến, như con chim Én lạc giữa mùa Xuân. Và con chim Én này sau đó đã gọi cả bầy Én về, để sưởi ấm khán đài, sưởi ấm những mùa Xuân cho bóng đá Việt.
"Tôi mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu cách cổ động của các Hội - nhóm CĐV nước ngoài, đặc biệt là các nước láng giềng. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm, phải đến khi theo chân các ĐTQG Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, tôi mới biết rằng, việc gầy dựng Hội - nhóm CĐV và duy trì khó khăn đến đâu. Nó không đơn giản chỉ là tập trung một số người lại, gọi là thành viên, bắt nhịp hát mấy bài trên khán đài, rồi sau đó là ngồi tận hưởng bóng đá, như cách chúng ta vẫn thường thấy trên các sân bóng ở Việt Nam. Nó là chuỗi những công đoạn chuẩn bị rất cầu kỳ. Và chúng tôi cần một cái tên", vẫn lời Lá Đỏ.
Kiểu cách cổ vũ như Hoàng Yến - Lá Đỏ đề cập như cô đã thấy, trước năm 2014, chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Nhóm cổ động này cũng rất lạ mắt và mang một cái tên cực kêu: Ultras. Bằng với bao nỗ lực, tất cả ngược xuôi, Ultras Việt Nam ra đời.
Hoàng Yến không muốn nhận mình là người đứng đầu, vì đến ngay cả thủ tục đăng ký Hội - nhóm cũng rất phức tạp, hầm bà lằng, chuyện này để "các chú, các bác". Sự chia rẽ (vì quyền lợi, hay tầm ảnh hưởng với mưu cầu quyền lực rất con người) trước đây, đã cho Lá Đỏ nhiều bài học. Ultras Việt Nam của Hoàng Yến và những người bạn cùng đam mê, hoạt động tự nguyện, kinh phí tự túc và phi lợi nhuận, nên vì thế, cũng chỉ tập hợp được một lượng không quá lớn - chừng mấy trăm thành viên, khắp Việt Nam. Nhưng, sự cuồng nhiệt và bài bản của "một góc khán đài" ấy lại tạo ra sự khác biệt lớn nhất.
Ultras Việt Nam hay Việt Nam Golden Stars lúc này là những người đến sân sớm nhất, và cũng ra về muộn nhất. Họ gần như không xem bóng đá, mà cổ động, hát ca, gào thét suốt trận bằng sức người, mà không cần thêm công cụ hỗ trợ nào. Bất kể đội bóng thắng hay thua, thì họ vẫn sát cánh. Họ mới chính là cầu thủ thứ 12 của đội bóng, chứ không hẳn là khán giả.
Đông tay thì vỗ nên kêu
Nói thêm về Ultras, tức những kẻ điên khùng sau khung thành các trận đấu, đã xuất hiện từ nhiều chục năm ở Ý. Tại Đông Nam Á, các nhóm Ultras của Thái Lan, Malaysia, Indonesia..., thuộc những "phần tử" cực đoan bậc nhất. Hãy dành một chút thời gian để nhớ lại, các nhóm này đã làm gì trong các trận đấu với Việt Nam từ quá khứ.
Năm 2008, trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup giữa Singapore và Việt Nam ở Kallang Roar (SVĐ quốc gia cũ của Singapore), máu đã đổ với một số CĐV Việt Nam khi đụng độ ngoài đường phố - khu Geylang, với Ultras Singapore, sau khi trận đấu kết thúc và chủ nhà thua chung cuộc 0-1 (bàn thắng quý hơn vàng của Quang Hải). Không có truy cứu nào cả trong cuộc hỗn chiến ấy, bởi bóng đá là sự cuồng nộ.
Qua Thái đá chung kết lượt đi, Ultras Thái Lan cũng có màn "chào hỏi" rất ấn tượng, trước, trong và sau trận đấu ở Rajamangala. Rất nhiều đại kỳ và những biểu tượng kỳ quái ở khu vực sau cầu môn của thủ môn Dương Hồng Sơn, cũng như phía khán đài B. Những âm thanh ghê người không dứt suốt trận đấu và có cả pháo sáng uy hiếp tinh thần đối thủ.
Việt Nam tạm dẫn 2-1 sau chung kết lượt đi, với 2 nhát kiếm của Vũ Phong và Công Vinh, để trở lại sân nhà mở hội và tại Mỹ Đình ở lượt về, trước khi Công Vinh ghi bàn thắng quyết định, giữ lại chiếc Cúp vàng quý giá.
Nói thế để thấy rằng, sức mạnh từ các khán đài lớn đến đâu. Chúng ta hay có thói quen gọi "sân khách", khách mạnh thì cũng khó lấn chủ, thực tế là dù bóng đá Việt Nam đã vươn lên số 1 khu vực, thì các trận đấu trên sân của Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay thậm chí Singapore, vẫn là rất khó đá. Vậy thì tại sao, chúng ta không làm điều ngược lại, từ chính các khán đài của Mỹ Đình? Bao năm qua, bóng đá Việt Nam đánh mất lợi thế từ khán đài, chính là bởi chưa tập hợp được hết nguồn lực cổ vũ, cổ động. Chúng ta có quá nhiều HLV online, các nhà phân tích - bình luận, nhưng lại thiếu các CĐV thực sự đồng hành cùng đội bóng.
Sự thật là trước năm 2008, CĐV bóng đá Việt Nam chưa có ý niệm nào về cổ động, mà chỉ là cổ vũ nhỏ lẻ của vài Hội - nhóm không chính thức; 10 năm sau đó, không khí trên khán đài có khá hơn, nhưng sự chia rẽ đã lại xuất hiện. Cần có người tập hợp lại, để các ĐTQG được hưởng quyền lợi lớn nhất từ khán đài.
Cho đến trước khi thua Australia trên sân Mỹ Đình không khán giả, các đội bóng của ông Park chưa từng thất bại tại chảo lửa này, suốt 4 năm qua. Quãng thời gian tươi đẹp ấy chính là đội bóng luôn được chống lưng bởi các CĐV, được tựa lưng vào khán đài để chiến đấu. Hãy sát cánh thay vì tản mát, bởi suy cho cùng, chúng ta làm tất cả cũng chỉ vì lợi ích của đội bóng, nó cũng là lợi ích quốc gia.
Trong nhiều ngày qua, các thành viên của Việt Nam Golden Stars (VGS) khắp mọi miền Tổ quốc lại trẩy hội về Hà Nội. Họ phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội, cũng như BTC trong 2 trận đấu gặp Nhật Bản và Saudi Arabia. Xa xôi cách trở, thời gian kéo dài, nhóm của Hoàng Yến - Lá Đỏ chừng vài chục người đã bay ra từ Sài Gòn hôm thứ Tư, với kèn trống và đại kỳ, dụng cụ cổ động cũng cả 100 kg hành lý ký gởi. Họ mang theo cái nắng phương Nam và cả niềm tin được nhắn gửi của cộng đồng. |
Tùy Phong