Việt Nam vs Curacao: Thành bại luận anh hùng
(Thethaovanhoa.vn) - Thầy trò HLV Park Hang Seo vừa vượt qua chủ nhà King’s Cup 2019, Thái Lan, trong một trận đấu khá nhọc nhằn, bào mòn thể lực, trí lực khá lớn.
Lịch thi đấu, kết quả và trực tiếp King's Cup 2019:
* Ấn Độ 1-0 Thái Lan
* 19h45 ngày 8/6: Curacao vs Việt Nam (Chung kết)
https://www.youtube.com/watch?v=CkHLH4exhB4
https://fptplay.vn/bong-da/truc-tiep
Mỹ Đình năm 2006, Agribank Cup, đội tuyển Olympic Thái Lan trong kế hoạch chuẩn bị ASIAD 2006 qua Việt Nam với thành phần khá ưu tú. Trận đấu cuối gặp Việt Nam, chỉ cần hoà là Thái Lan sẽ cầm chắc chức vô địch, trong khi đội chủ giải phải giành 3 điểm tuyệt đối mới lên ngôi. Tỷ số chung cuộc 2-2, Thái Lan của Datsakorn Thonglao, Teerathep Winothai..., ẵm số tiền thưởng kha khá, trong khi Minh Phương và đồng đội chỉ về nhì khá tức tưởi.
Giải đấu với sự có mặt của New Zealand, Qatar khi ấy khá chất lượng. Và bóng đá Việt Nam cũng trình làng một thế hệ cầu thủ tài năng, thế hệ sau đó đã lần đầu tiên lọt vào tứ kết AFC Asian Cup 2007 và vô địch AFF Suzuki Cup 2008, sau 2 trận chung kết với Thái Lan.
Vào thời điểm cách đây hơn 10 năm, bóng đá Thái Lan chạm đáy của cuộc khủng hoảng với việc Thai League phải đập đi để xây mới bằng Thai Premier League (2007). Hàng loạt các ngôi sao Thái Lan chạy qua S-League và V-League để kiếm việc. Ở cấp độ ĐTQG, Thái Lan chấp nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Singapore, Việt Nam và Malaysia. Phải chờ đến hơn nửa thập niên sau đó, với vương triều Kiatisuk Senamuang, bóng đá Thái mới lấy lại được vị thế, nhưng cũng không bền. Về biểu đồ thành tích các cấp độ ĐTQG trong 2 năm qua (lúc này Zico Thái đã thoái vị), người Thái thua thiệt nhiều so với chúng ta.
VIDEO: Lịch sử ủng hộ ĐT Việt Nam đánh bại Curacao, vô địch King's Cup 2019
Bóng đá có thời và được lứa, đấy là điều chắc chắc. Vào thời điểm hiện tại, bóng đá Thái Lan không phải quá khan hiếm tài năng, nhưng rõ ràng họ đã tiến bộ chậm hơn Việt Nam, ít nhất ở đầu ra là các đội tuyển. Trong khoảng 2 năm qua, bóng đá Việt Nam lần lượt thắng Thái Lan ở cả giải giao hữu lẫn chính thức, từ cấp độ U23 quốc gia đến ĐTQG. Đấy là một thông điệp.
Thầy trò HLV Park Hang Seo vừa vượt qua chủ nhà King’s Cup 2019, Thái Lan, trong một trận đấu khá nhọc nhằn, bào mòn thể lực, trí lực khá lớn. Thái Lan không phải là không có cơ hội trong một trận đấu mà họ muốn thắng bằng mọi giá. Nhưng một trận bóng như một trận đánh. Thắng thua, thành bại rất mong manh và đôi khi nó nằm ngoài sự toan tính. Mấy ai ngờ, vào thời điểm mà HLV 2 đội chuẩn bị lên danh sách các cầu thủ sẽ thực hiện loạt sút luân lưu, thì bóng lại đến đầu Anh Đức và nhờ Kawin tác động, để Việt Nam vượt qua Thái Lan! Đấy chính là cái sự khó lường của bóng đá.
Nền bóng đá xứ sở đã phải chịu đựng nhiều thập niên sự thống trị và thậm chí dè bỉu của người Thái, trong làng bóng đá khu vực. Cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam “thế hệ vàng”, Nguyễn Hồng Hải, đã nói rằng anh rất tự hào khi thế hệ cầu thủ đàn em, thậm chí bằng tuổi con cháu lúc này, đã thay đổi được lời nguyền. Chúng ta không còn chịu cảm giác “tim đập chân run”, cảm giác hoang mang, lo lắng về những trận cầu thua trắng..., mỗi khi đụng độ Thái Lan nữa. Một tiến bộ vượt bậc về bản lĩnh và tâm lý chiến đáng ghi nhận. Sự đố kị chỉ thường trực với những kẻ yếu thế hơn. Thành bại luận anh hùng.
Chúng ta không quên những bài học nhãn tiền trong quá khứ, mà trận thua 0-3 trước Thái Lan ngay tại Mỹ Đình, trong khuôn khổ Vòng loại FIFA World Cup 2018, đồng thời là Vòng loại AFC Asian Cup 2019, mới chỉ diễn ra cách đây chừng 2 năm, trước thời điểm HLV Park Hang Seo đến Việt Nam. Thế nên, thắng một trận đấu với Thái Lan, lại trên chính đất của họ và giải đấu của họ, thì vui đấy, nhưng đừng hoan hỉ thái quá. Quay lại hệ thống đào tạo trẻ và hệ thống thi đấu các giải quốc gia, chúng ta vẫn còn khá mông lung khi so với họ về quy mô.
Đây mới chính là cái phần gốc, phần thân cần nhiều hơn sự chăm sóc, chứ không chỉ biết lăm lăm trông cả vào phần ngọn là ĐTQG vốn đang được lứa.
Tùy Phong