Viết đến tận cùng đâu phải chuyện chơi
(Thethaovanhoa.vn) - Khác với các lần trước, Hội nghị Viết văn trẻ (HNVVT) TP.HCM lần thứ 4 này tổ chức cùng lúc ở TP.HCM, Vĩnh Long và Cần Thơ. Diễn ra 5 năm một lần, HNVVT không chỉ là sự điểm danh những cây bút của TP.HCM mà còn của cả nước. Bởi thành phố này luôn là cánh cửa rộng mở ở mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương.
- 113 đại biểu của Hội nghị viết văn trẻ đã có mặt tại Hà Nội
- Họp báo về “Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8”
Đỗ Nhật Phi sinh năm 1991, được độc giả biết đến khi anh đoạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ 5 với tiểu thuyết Người ngủ thuê. Cuộc thi này từng vinh danh nhiều cây bút mới để sau này thành những nhà văn chuyên nghiệp, trong đó Nguyễn Ngọc Tư, Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyên Hương.
Nghề văn khác với nhiều nghề khác, tức là công việc viết văn không phụ thuộc nhiều vào nơi đang sinh sống. Ví dụ Nguyễn Ngọc Tư hay Nguyên Hương, hai nhà văn này đều sống ở quê còn tác phẩm và danh tiếng của họ đều vượt qua địa giới hành chính mà họ đang cư trú. Thế nhưng, nhiều nhà văn lại chọn Sài Gòn - TP.HCM để làm một “cuộc nhập cư” thay vì cứ tà tà cầm bút ở nơi họ lớn lên.
Đỗ Nhật Phi là một ví dụ, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhưng khi “lận lưng” được giải Nhất với tiểu thuyết Người ngủ thuê, Đỗ Nhật Phi đã vào TP.HCM sinh sống. Với nhà văn, được đi được nghe được nhìn thấy và được cảm nhận một vùng đất mới luôn là nhu cầu cần thiết làm đầy thêm vốn sống cho các tác phẩm sau này. Thế nhưng Đỗ Nhật Phi chọn Sài Gòn - TP.HCM không chỉ để “đi lướt qua” mà anh mong muốn hiểu sâu hơn về thành phố này.
Nhiều nhà văn trẻ đã có lựa chọn như Đỗ Nhật Phi, nếu học đại học tại TP.HCM xong thì họ ở lại và nhiều bạn học ở các tỉnh thành khác xong cũng đều tìm về nơi này. Như vừa nói, nghề văn không nhất thiết phải sống ở Sài Gòn mới viết về nơi này được; nhưng chắc chắn Sài Gòn - TP.HCM có không khí sáng tạo và rộng mở hợp với tính cách của nhiều người trẻ đang khát khao khám phá ra cái mới cho ngòi bút của mình.
Luôn rộng mở đón nhận từ con người đến sáng tạo của họ, nên đã có ý kiến lo lắng rằng: “Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là sau mỗi kỳ hội sách, tôi lại bắt gặp trong làng văn những tiếng thở dài trước những bảng xếp hạng best-sellers. Những tiếng thở dài trực tiếp có, gián tiếp có nhưng cùng thể hiện niềm trăn trở: “Sao độc giả rất đỗi nồng nhiệt với văn học thị trường mà lại vô cùng thờ ơ với văn học tinh hoa?” - nhà văn trẻ Nguyễn Trần Thiên Lộc.
Hoặc như ông Trần Xuân Tiến (ĐH Văn Hiến), lo lắng: “Với một phương cách quảng bá văn học nặng về truyền thông đại chúng, nhiều căn bệnh từng được xem là chỉ xuất hiện khu biệt ở giới showbiz thì giờ đây cũng lây lan ngày càng trầm trọng trong giới viết lách. Đình đám nhất là gần đây, để cảm ơn độc giả đã mua sách ủng hộ mình với số lượng khá lớn, một cây viết trẻ đã đăng trên trang cá nhân của mình hình ảnh khỏa thân cùng lời nhắn gửi “tụt quần để cảm ơn”.
Những lo lắng như thế đều có lý, nhưng như nhà thơ Boris Pasternak từng viết: “Sống đến tận cùng đâu phải chuyện chơi!”. Ở đây với người cầm bút, thì “Viết đến tận cùng đâu phải chuyện chơi”. Rất nhiều cây bút từng xuất hiện rất ầm ĩ rồi sau đó lẳng lặng biến mất bởi họ không thể “viết đến tận cùng”. Do vậy, văn học thị trường hay văn học tinh hoa cái gì còn tồn tại, cứ để thời gian trả lời!
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa