Quảng Ninh với giấc mơ 'đánh thức' mỏ than thành điểm du lịch
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh vẫn theo đuổi một kế hoạch đặc biệt: biến những mỏ than của địa phương thành tài nguyên để phát triển một loại hình du lịch mới – du lịch tham quan mỏ than.
- Quảng Ninh 'vươn mình' mạnh mẽ sau 55 xây dựng và phát triển
- Thành tựu vượt bậc từ Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh
- Quảng Ninh đã đón trên 10 triệu du khách trong năm 2018
1. Cần nhắc lại, vùng mỏ Quảng Ninh đang sở hữu hàng chục mỏ than lớn nhỏ có lịch sử từ những năm cuối thế kỷ 19. Và, địa phương này vẫn được mặc định là quê hương của ngành sản xuất than trên cả nước.
Cũng từ sự phát triển của lực lượng công nhân tại các mỏ than từ rất sớm, rất nhiều địa điểm tại đây gắn liền với các chiến tích đấu tranh anh dũng của biết bao thế hệ công nhân mỏ Việt Nam. Trong đó, phải kể tới điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lĩnh (Đông Triều), nơi bắt đầu nổ ra cuộc Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936 tại Cẩm Phả; di tích lịch sử Vũng Đục (TP Cẩm Phả) - nơi thực dân Pháp đã xử tử hàng trăm thợ mỏ ưu tú vào giai đoạn 1948 – 1949....
Xa hơn, gắn với thời chống Mỹ, đó là mỏ than Đèo Nai, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân ngành than vào năm 1959, là trận địa pháo cao xạ 37 ly của Tự vệ Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai (Công ty Tuyển than Hòn Gai); hay trận địa pháo cao xạ 37 ly của Tự vệ Bến Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông)…
Chưa kể, bên cạnh các di tích lịch sử, quang cảnh của các khai trường khai thác than lộ thiên, những moong than rộng lớn, khung cảnh sản xuất nhộn nhịp trên công trường đến các phân xưởng sản xuất... cũng là những nguồn tài nguyên quý giá nếu được khai thác phục vụ du lịch.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định:nếu như những di tích liên quan đến vùng than được liên kết lại với nhau, một tuyến du lịch tham quan hấp dẫn sẽ hình thành. Ở đó, du khách sẽ được giới thiệu về lịch sử của ngành khai thác than Quảng Ninh, được giáo dục tinh thần yêu nước với thế hệ trẻ, đồng thời có những trải nghiệm đặc biệt như tham quan quy trình chế biến than, xuống những mỏ than ở độ sâu 150 mét so với mực nước biển, thưởng thức những bữa ăn ca của những người thợ mỏ...
2. Thực chất, khi nắm bắt tiềm năng phát triển du lịch từ những mỏ than, tỉnh Quảng Ninh từ hơn mười năm nay cũng đã xúc tiến nhiều dự án tour tham quan công trường khai thác than, đồng thời xây dựng hoặc chuẩn bị thực hiện các công trình liên quan.
Hiện tại, hầu hết các công ty than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt nam đều có nhà truyền thống làm nơi lưu giữ những hiện vật gắn với mỗi quá trình xây dựng và phát triển công ty mình. Thăm Nhà truyền thống ở các đơn vị như Than Hà Lầm, than Hà Tu, than Đèo Nai, được xem những bức ảnh về thợ mỏ khai thác than hầm lò, dưới lòng moong sâu, trạm điện,…
Còn trong các dự án tương lại, điển hình nhất phải kể tới dự án xây dựng công viên không gian văn hóa than có vị trí đối diện với Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc, phường Đại Yên, TP Hạ Long với tổng diện tích nghiên cứu là 19,51ha. Theo đó, dự án sẽ hình thành không gian bảo tàng phức hợp mang chủ đề ngành than phục vụ việc tái hiện, mô phỏng, lưu trữ, trưng bày, trải nghiệm, triển lãm mô hình, giáo dục. Đồng thời, dự án sẽ tạo lập không gian công viên chủ đề về ngành than; tạo lập 1 sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và kiến tạo 1 trường quay thu nhỏ với bối cảnh mô phỏng lịch sử.
Hoặc tại Cẩm Phả, từ năm 2016, thành phố này xây dựng tuyến du lịch Than, bao gồm các điểm: Trung tâm thành phố - Quảng trường 12/11, ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai - Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959 - Khu di tích và danh thắng Vũng Đục - đền Cửa Ông, hầm chỉ huy của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông), tượng đài Ngô Huy Tăng.
Kèm theo đó là việc tổ chức duy trì nghề điêu khắc than đá, tập trung chủ yếu ở các phường Cẩm Thành, Cẩm Sơn. Đây là nghề thủ công truyền thống với nguyên liệu là từ than để làm ra các sản phẩm mỹ thuật có chất lượng. Những sản phẩm này sẽ được phát triển trở thành đồ lưu niệm độc đáo và đặc trưng của thành phố mỏ.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước đã tới Quảng Ninh để đã khảo sát cơ sở vật chất, tìm hiểu quy trình khai thác than, thăm khai trường lộ thiên và hầm lò… để lên kế hoạch xúc tiến các tour du lịch trong thời gian gần. Tuy nhiên, theo nhận xét chung, để các mỏ than có thể trở thành những sản phẩm du lịch thật sự, ngành than cũng cần đầu tư hợp lý để đảm bảo các yêu cầu nhất định. Chẳng hạn, đó là việc xây dựng thêm các bảo tàng nhỏ giới thiệu về quá trình lịch sử, quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị khai thác của mỏ than qua các thời kỳ... hay xây dựng đường lên xuống, rào chắn an toàn tại các điểm tham quan công trường sản xuất từ trên cao...
Thế nhưng, với những tiềm năng sẵn có, cũng như với sự năng động và nhạy bén trong việc huy động các nguồn lực xã hội tại Quảng Ninh trong thời gian qua, có thể tin rằng: những tour du lịch gắn với mỏ than tại đây sẽ sớm trở thành “đặc sản” của tỉnh vào một ngày không xa.
Sơn Tùng