Vị trí của lứa Thường Châu dưới thời HLV Troussier
6 năm sau kỳ tích của U23 Việt Nam ở Thường Châu, chỉ còn 2 ngôi sao của lứa tài danh ấy đang đá chính tại đội tuyển Việt Nam của HLV Philippe Troussier. Đấy rõ ràng là sự lãng phí.
Tạo ra lứa cầu thủ ấy không phải chuyện đơn giản. Thế hệ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam được thai nghén từ sự ra đời của hệ thống đào tạo mới vào giai đoạn 2007 - 2009 như HAGL, CLB Hà Nội, Viettel, PVF… Họ trưởng thành cùng nhau, trải qua 2 giải đấu lớn là U20 World Cup 2017 và U23 châu Á 2018 trước khi lên đội tuyển và tỏa sáng ở những cấp độ lớn hơn. Họ tài năng, trẻ trung, không thiếu kinh nghiệm và lẽ ra phải là trụ cột của đội tuyển Việt Nam trong nhiều năm kế tiếp.
Nhưng chỉ sau 6 năm, còn đúng 2 cầu thủ của lứa này đá chính cho đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2023 vừa qua.
Sự biến mất của nhóm cầu thủ này ở đội tuyển Việt Nam không chỉ là kết quả từ chính sách nhân sự của HLV Troussier. Trước đó, nhiều tên tuổi của nhóm này đã vắng mặt từ thời người tiền nhiệm Park Hang Seo. Có thể chia họ làm 3 nhóm chính.
Nhóm 1 là những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch. Hầu hết nhóm này đã qua đỉnh cao phong độ (Công Phượng, Xuân Trường, Đức Chinh...) hoặc không còn khả năng phát triển hơn (Thái Quý, Ngọc Quang, Trọng Đại...). Trong nhóm này, Trần Đình Trọng là tiếc nuối lớn nhất khi anh bị chấn thương hành hạ và không bao giờ còn trở lại đỉnh cao phong độ sau AFF Cup 2018.
Nhóm 2 vẫn đang là trụ cột ở nhiều CLB V-League. Tuy nhiên vì chấn thương hoặc vì triết lý bóng đá của HLV mà họ không thể góp mặt ở Asian Cup vừa qua. Nhóm này có Văn Hậu, Đức Huy, Hồng Duy, Thành Chung...
Nhóm 3 vẫn có mặt ở đội tuyển nhưng không được trọng dụng, phải cạnh tranh vị trí với các tài năng trẻ đang lên. Nhóm này có Văn Toàn, Văn Thanh, Duy Mạnh. Vị trí của họ đều đang có những tên tuổi mới, được ông Troussier ưu ái như Đình Bắc, Việt Anh...
Những ngôi sao kể trên thực sự đã hết thời hay HLV Troussier không đủ năng lực tận dụng đẳng cấp của họ là câu hỏi gây tranh cãi trên truyền thông thời gian qua. Tranh luận càng dữ dội hơn sau bàn thắng của Nguyễn Quang Hải trước Iraq. Pha lập công từ cầu thủ hay nhất của lứa Thường Châu như lời tuyên bố đanh thép về năng lực của Hải và đồng đội, như lời muốn nói rằng Hải đang ở đây, vẫn xứng đáng và hoàn toàn đủ năng lực đóng góp cho đội tuyển.
Thực tế cũng chứng minh đội tuyển Việt Nam đã khốn khổ ra sao ở Asian Cup khi thiếu đi đóng góp của các cựu binh. Phần lớn bàn thua của Nguyễn Filip đã đến từ sai lầm của nhóm cầu thủ trẻ, nhiều trong số đó là những lỗi sơ đẳng, thể hiện thiếu sót cả về kinh nghiệm lẫn trình độ. Nó cho thấy ông Troussier dường như đang cứng nhắc với các lựa chọn của mình.
Với học trò của ông, sự cứng nhắc ấy cũng tác động tiêu cực tới cả cầu thủ trẻ lẫn cựu binh. Nhóm trước không có sự dẫn dắt của đàn anh, nhóm sau phải đứng nhìn dù còn đủ năng lực.
Hình ảnh Hùng Dũng đứng ngoài sân, bất lực tựa tay vào băng ghế dự bị trong trận gặp Indonesia có lẽ là tâm trạng của nhiều cựu binh đội tuyển Việt Nam. Sự không thoải mái kiểu ấy rõ ràng không thể có lợi trong hành trình xây dựng một tập thể đoàn kết, cốt lõi cho mọi chiến thắng trong bóng đá.
Thất bại ở Asian Cup có thể là hồi chuông cảnh tỉnh với HLV Troussier. Ở tuổi chưa đến 30, lứa Thường Châu đủ khả năng và phải có một chỗ đứng tại đội tuyển Việt Nam.