Hậu Asian Cup, bóng đá Việt Nam nhìn lại mình với HLV Troussier
Thất bại trong mục tiêu tiến xa tại Asian Cup 2023 khiến thầy trò HLV Philippe Troussier chịu nhiều hoài nghi về năng lực chinh phục những sân chơi lớn khác. Bóng đá Việt Nam cũng có thể xem đây là cơ hội để nhìn lại mình, nhằm tránh bước vào "vết xe đổ".
1. Nhà cầm quân người Pháp đã không ít lần chỉ rõ những hạn chế ở V-League đã ảnh hưởng tới đội tuyển Việt Nam khi bước ra biển lớn. Ông Troussier không phải là người đầu tiên lên tiếng về việc các trận đấu ở V-League chỉ diễn ra được khoảng hơn 50 phút, còn lại đa phần là bóng chết.
Thống kê này đã có từ hàng chục năm trước và dù trải qua thời gian thăng hoa với HLV Park Hang Seo, điều đó vẫn không được cải thiện ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Việc các cầu thủ ăn vạ câu giờ, đặc biệt là các thủ môn liên tục nằm sân khi đội nhà đang nắm lợi thế, là "đặc sản" mà người ta quá nhàm chán ở V-League.
Chưa cần đến phút 80, các thủ thành đã "diễn" từ trước đó rất lâu để bảo vệ thành quả. Điều này khiến các cầu thủ mất đi cảm hứng chơi bóng và khi không giữ được tinh thần hưng phấn, các CĐV đương nhiên là những người chịu trận. Việc nhiều CĐV mất niềm tin vào sân chơi V-League từ trước đến nay vẫn là điều không cần bàn cãi.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã báo động tình trạng này từ lâu, nhưng không dễ cho người điều hành có thể thay đổi vấn đề thuộc về ý thức CLB cũng như các cầu thủ. Bóng đá có thắng, thua, nhưng không nhiều người chấp nhận thực tế khó nuốt trôi nếu thất bại. Các cầu thủ sợ thất bại vì mất tiền thưởng từ các ông bầu hơn sợ CĐV không đến xem mình chơi bóng.
Một khi nền bóng đá vẫn chưa "sống khoẻ" nhờ tiền bản quyền, bán vé, trang phục CLB… thì các cầu thủ có lý do chỉ nhìn ông bầu mà đá. Tư tưởng đó lan truyền rất nhanh từ nội binh đến cầu thủ ngoại dẫn tới lỗi hệ thống. Và không khó hiểu khi nhiều trận đấu ở V-League nát vụn vì những pha phạm lỗi, ăn vạ câu giờ thô thiển.
Khi cầu thủ V-League chỉ thi đấu hơn 50 phút/trận, HLV Troussier cũng dễ lấy đó là viện dẫn cho đội tuyển Việt Nam khi ra sân chơi châu Á đuối sức vì vận động ở cường độ cao. Các tuyển thủ chỉ đáp ứng được 2/3 thời lượng trận đấu rồi để đối thủ áp đảo trong thời gian còn lại.
2. Các trọng tài ở V-League quá quen với những điều bình thường đó của giải đấu và họ cũng không phải là những người có thể giải quyết vấn đề một cách xuất sắc. Một trọng tài ở V-League cho biết, chuyện ăn vạ câu giờ, đổ thừa trọng tài thay vì chấp nhận thất bại, chơi tiểu xảo hay cãi vã với trọng tài… nếu không có thì không phải là V-League.
Ở V-League, các trọng tài hiện tại không ít người còn bắt vì cái tình. Nhiều tình huống, các "vua áo đen" du di cho các cầu thủ. Những gì đang đề cập khiến người ta nghĩ ngay đến trường hợp điển hình của Thanh Bình, Văn Khang. Các cầu thủ Thể Công Viettel nếu ở V-League rất khó bị phạt nặng như tại Qatar vừa qua. Tuy nhiên, ở sân chơi quốc tế, luật là luật.
Chỉ sau 3 trận đấu, đội bóng của HLV Troussier đã rời giải với 0 điểm, nhận 2 thẻ đỏ và chịu 3 quả 11m. Điều đáng nói, đa số CĐV Việt Nam không hề bênh vực cách thất bại đó. Trong đời sống bóng đá hiện đại bấy giờ, khi công nghệ hỗ trợ trọng tài (VAR) được áp dụng thì không còn nhiều đất diễn cho những cầu thủ chơi tiểu xảo hay tính chuyện qua mắt trọng tài. Ở V-League, nhiều trận đấu vẫn chưa được áp dụng công nghệ VAR nên không ít cầu thủ còn những thói quen thừa.
Thất bại ở Asian Cup 2023 khiến nền bóng đá chịu nhiều tổn thương và đây cũng là cơ sở để chúng ta hoàn thiện hơn nữa. Những thành công dưới thời HLV Park Hang Seo đã giúp che đi nhiều khiếm khuyết. Và chỉ có thất bại, người ta mới có cơ hội để chỉnh sửa mình.
Rất có thể sau khi sân cỏ cao nhất Việt Nam trở lại, các trọng tài V-League sẽ được "bật đèn xanh" để cứng rắn hơn trong những quyết định xử phạt. Ban Kỷ luật cũng có thể phải làm việc nhiều hơn. Và ngay cả HLV Troussier cũng sẽ phải suy nghĩ lại về cách dùng người. Tháng 3 tới với 2 trận đấu liên tiếp gặp Indonesia tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 nhiều khả năng sẽ quyết định tương lai của nhà cầm quân người Pháp với đội tuyển Việt Nam.