4 nhầm lẫn về HLV Troussier hay ảo tưởng của chúng ta
Những tranh cãi về đội tuyển quốc gia dưới thời ông Philippe Troussier đã làm nóng dư luận tuần qua, nhưng sau khi bỏ qua những quan điểm cảm tính, thì có vài điều chúng ta cần làm rõ về chiếc ghế HLV của ông:
1) Có thật dưới thời HLV Park Hang Seo, Việt Nam chỉ chơi thụ động, phòng ngự phản công?
2) Phàn nàn về chất lượng nền bóng đá hay chất lượng cầu thủ Việt Nam của ông Troussier có thỏa đáng không?
3) Triết lý "kiểm soát bóng" là một cách nói theo xu hướng (trend) nhất thời hay thực sự là xu thế của thế giới?
Và cuối cùng, 4) Ông Troussier và VFF có đang nhầm lẫn vai trò của ghế HLV trưởng ĐTQG hay không?
Cho băn khoăn 1), bạn có thể nhớ lại bàn thắng ấn định chiến thắng 4-0 của Vũ Văn Thanh trong trận gặp Indonesia ở vòng loại thứ hai World Cup diễn ra vào ba năm trước.
Các cầu thủ Việt Nam đã thực hiện 54 đường chuyền liên tục trong hai phút cầm bóng, trước khi kết liễu đối phương. Một bàn thắng cho thấy đội Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo không chỉ biết "phòng ngự, rình rập".
Và đấy chỉ là ví dụ tiêu biểu trong rất nhiều pha phối hợp có nét và đầy chủ động của tuyển Việt Nam dưới thời ông Park (bạn có thể lên Youtube và gõ nhanh "những pha phối hợp đẹp mắt dưới thời Park Hang Seo"). Đội Việt Nam của ông Park cũng từng nhiều lần lội ngược dòng thành công, mà một trong số đó là trận thắng ngược 2-1 trước Indonesia năm 2019. Không một đội bóng nào chỉ chơi rình rập mà làm được thế cả.
Tại sao tôi lại nói về lầm tưởng này, vì nó dẫn đến rất nhiều những lầm tưởng tiếp theo về quá trình HLV Troussier dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Các CĐV đã bị dẫn dắt vào một cuộc tranh cãi về triết lý, mà trọng tâm của nó là phủ nhận hoàn toàn khả năng chơi bóng mạch lạc dưới thời Park Hang Seo.
Lầm tưởng này dẫn đến băn khoăn thứ 2): Xin trích một bài trả lời phỏng vấn cũ của Zingnews với ông Troussier về chất lượng cầu thủ Việt Nam, khi ông vẫn còn đang là một "chuyên gia" nhận xét về tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo:
"Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tôi không cho rằng thất bại của tuyển Việt Nam đến từ sự yếu kém của năng lực cá nhân như nhiều ý kiến đã nêu.
Cầu thủ Saudi Arabia, Australia hay Nhật Bản có thể nhỉnh hơn cầu thủ Việt Nam đôi chút, phần lớn đến từ kinh nghiệm thi đấu mà họ được tạo điều kiện. Dẫu vậy, cầu thủ Việt Nam không thua kém đối phương là bao về kỹ thuật cá nhân hay tầm vóc thể hình".
Tháng Mười năm nay, khi từ "chuyên gia" lên ngồi ghế HLV đội tuyển, ông nói gần như ngược lại:
"Nếu nhìn từ nền tảng cầu thủ và bóng đá Việt Nam, các cầu thủ còn thiếu sót nhiều về chất lượng, từ đường chuyền, các tình huống cơ bản, khống chế và nhận bóng".
"Tôi hy vọng các HLV cấp độ trẻ giúp các cầu thủ cải thiện năng lực cá nhân cơ bản. Ở đội tuyển, chúng tôi đang cố gắng cải thiện để tạo nên bước tiến tốt hơn. Tôi đang chỉ dẫn cho họ về đấu pháp như thế nào cho hợp lý, những phương án khai thác khoảng trống, các sơ hở đến từ đối thủ. Cầu thủ đã hiểu được điều đó. Tuy nhiên, khi bước vào trận đấu thì chuyện thực hiện được các điều tôi chỉ dẫn vẫn còn hạn chế" - Trích Saostar.
Có phải đến khi ngồi vào ghế HLV rồi, ông Troussier mới chợt nhận ra "đôi chút" thua kém ông cảm nhận trước đây nó lại mênh mông đến nỗi để ông phải đóng vai thầy giáo dạy những bài vỡ lòng kiểu vậy?
Hay thất bại dưới thời ông Park là do chiến thuật, còn hiện tại thì lại là do nền tảng cầu thủ, bóng đá Việt còn nhiều yếu kém?
Từ 1) và 2), chúng ta mổ xẻ vấn đề thứ 3): Liệu kiểm soát bóng có thực sự là một triết lý đáng để Liên đoàn bóng đá Việt Nam và toàn bộ chúng ta chơi canh bạc tất tay cùng ông Troussier?
Hãy nhìn ra thế giới. Bạn có thể ngưỡng mộ lối chơi mà Pep Guardiola đã tạo ra cho Man City, hay Barcelona trước đây, với vũ khí tối thượng là khả năng kiểm soát bóng. Bạn cũng có thể thấy Đức hay TBN thành công với triết lý cầm bóng này, hay Nhật Bản thống trị châu Á với cách đá tương tự.
Nhưng thực tế, các đội tuyển này chỉ là thiểu số, và đấy không phải là con đường duy nhất để xây dựng bản sắc. Argentina và Pháp đã vô địch Word Cup hay EURO mà không cần phải kiểm soát bóng nhiều. Bậc thầy kiểm soát bóng là TBN đã phải chùn bước trước thứ bóng đá dữ dội của Ma-rốc ở World Cup. Các đội tuyển hình thành bản sắc từ nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ chạy theo "mốt" cầm bóng.
Và thực tế là đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier cũng chưa phối hợp được một pha bóng ra trò đáng để so sánh với những gì dưới thời ông Park, chứ đừng nói là tạo ra được một bản sắc riêng.
Nó dẫn đến vấn đề thứ 4): Phải chăng khi đặt bút ký một hợp đồng lên đến 4 năm với ông Troussier, VFF muốn đặt lên vai ông luôn cả hai vai trò là… giám đốc kỹ thuật kiêm HLV?
Vì khi thua trận, ông thường nói về hạn chế của nền bóng đá (giải đấu chất lượng không tốt, cầu thủ mắc lỗi sơ đẳng), y như mắt nhìn của vai trò giám đốc kỹ thuật. Mà bóng đá Việt Nam thì chúng ta đều hiểu rằng đang không có nền móng thật tốt. Thời ông Park cũng thế mà giờ chắc cũng chưa khá hơn.
Nhưng HLV trưởng là người sẽ tập hợp lực lượng dựa trên những gì ông ta có, để hướng đến thành tích, ngoài việc xây dựng lực lượng kế thừa. Ông Troussier đã ưu tiên sử dụng nhiều cầu thủ trẻ đã từng làm việc với mình (và thậm chí còn dự bị ở CLB??) đến mức gần như không trọng dụng đa số lứa cầu thủ đang đạt độ chín dưới thời HLV Park Hang Seo. Phần lớn họ nằm trong độ tuổi từ 25-30.
Nếu bạn nhìn vào hầu hết các phát biểu trong sự nghiệp của ông Troussier thì đều thấy rằng ông có cái tôi rất cao, thường phủ nhận quyết liệt những gì đang diễn ra ở các nền bóng đá châu Phi hay châu Á trước đây mình từng làm việc. Ông nói với truyền thông từ những ngày đầu tiếp quản ghế HLV các ĐTQG rằng mình đến đây để "dạy các kiến thức mới".
Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên xét lại một chút, nếu những "kiến thức mới" ấy chỉ phù hợp để đặt nền móng, tức là vai trò của một giám đốc kỹ thuật, hơn là một HLV, người phải tập hợp được ý chí chung và phát huy tối đa tiềm năng những gì đang có trong tay. Hy vọng là cả ông và VFF không bị nhầm lẫn hai vai trò này.