Vi Thùy Linh và cuộc 'tình tự Hà Nội' vượt thời gian
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp sắp ra mắt sách viết về Hà Nội: Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện, Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chính, 18h hôm nay 9/9, tại Trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội (24 Tràng Tiền) sẽ tổ chức tọa đàm Hà Nội thay đổi như thế nào? với sự thuyết trình của 4 diễn giả trẻ.
Dẫn dắt toạ đàm là KTS Phó Đức Tùng, người từng sống, học tập và nhận bằng tiến sĩ về kiến trúc tại Berlin, Đức. Tuổi thanh niên sống ở một thành phố hiện đại và giàu có bậc nhất châu Âu, nhưng trở về thì Phó Đức Tùng lại chọn sống ở thị trấn Xuân Mai cách Hà Nội vài chục cấy số cùng bố mẹ là nhạc sĩ Phó Đức Vạn và pianist Trịnh Khang An.
Ngôi nhà ở Xuân Mai do anh thiết kế đầy cây cối hoa trái, lợp kính, có bể bơi và là một điểm hẹn tham quan, biểu diễn nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ tên tuổi mỗi khi muốn điền dã. Ở xa Hà Nội, anh cố ý không sắm ô tô riêng, không biết đi xe máy, không dùng điện thoại di động, kể cả bây giờ đã chuyển về ở đường Nguyễn Khoái, gần cầu Thanh Trì. Với anh, Hà Nội không chỉ là mối quan tâm mà còn là đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu và muốn gìn giữ bảo vệ bằng chuyên môn.
Vi Thùy Linh sẽ là diễn giả chính của buổi toạ đàm, chị coi đây là một hội ngộ ý nghĩa vào mùa Thu cho những người yêu Hà Nội, cái cớ để có một cuộc tình tự đẹp đẽ từ tâm hồn nơi trung tâm đất thiêng Thăng Long.
Hai diễn giả còn lại là Nguyễn Thế Sơn và Trần Quang Đức. Nguyễn Thế Sơn là giảng viên đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng tu nghiệp tại Bắc Kinh.
Triển lãm gần nhất của anh biểu lộ sự gắn kết Hà Nội quá khứ và hiện tại: Hà Nội - một bảo tàng sống, 8m2. Còn Trần Quang Đức sinh tại Hải Phòng, với tác phẩm Ngàn năm áo mũ gây chú ý năm 2013. Trần Quang Đức tuổi 30 đã được biết đến với tư cách nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam cổ trung đại, dịch sách Hán - Nôm.
Tình tự Hà Nội của các diễn giả không lệ thuộc vào nhan đề toạ đàm, đấy chỉ là một khởi phát, vạch đà cho bao nghĩ suy, tâm tư kết nối mọi người. Sự thấu hiểu và chia sẻ của “cặp bài trùng” TS Phó Đức Tùng và nhà thơ Vi Thuỳ Linh hứa hẹn sẽ có nhiều ý tưởng, thông tin thú vị, đầy xúc cảm.
Dấu ấn diện mạo của một thành phố chủ yếu là kiến trúc - đấy là hiện thực mà Hà Nội đang đổi thay, mất mát, không hiếm nơi biến dạng, bị xóa sổ. Những xót xa, đau tiếc, nuối thương của nhà thơ dồn vào văn chương. Chị muốn giữ lại Hà Nội quá khứ, Hà Nội của thanh lịch, thơ lắng, trầm tích văn hoá.
Việc hội tụ các diễn giả trẻ dịp chuẩn bị ra mắt sách của các cây bút đáng kính chưa được đọc nhiều như Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thuý là một sự kiện ý nghĩa bởi ghi nhận, trân trọng tác phẩm của các ông cũng là một cách bảo vệ cho Hà Nội ký ức và gìn giữ nỗi nhớ, vẻ đẹp bất hủ cho nhiều thế hệ người.
Doãn Kế Thiện (1891 - 1965), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội năm 1955, chưa được đọc nhiều như người ta biết đến cháu ruột ông - Doãn Quang Khải, tác giả ca khúc Vì nhân dân quên mình. Doãn Kế Thiện là nhà nghiên cứu văn hoá, tác giả Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội (NXB Văn hóa Hà Nội, 1959), công trình công phu đầu tiên biên khảo về di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, cung cấp nhiều tư liệu sử học giá trị. |
Khánh Hiển
Thể thao & Văn hóa