Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS Nguyễn Văn Huy: Nên cho loa phường 'về hưu'
PGS Nguyễn Văn Huy: Đừng áp đặt cách thông tin của 50 năm trước
Tôi rất hiểu sự luyến tiếc của một số ít người trước thông tin loa phường có thể dừng hoạt động. Với thế hệ lớn tuổi như tôi, loa phường trong vài mươi năm trước là một tiện ích quan trọng gắn với sinh hoạt hàng ngày. Đó là hình ảnh đầu tiên mà mỗi gia đình nghĩ tới khi muốn cập nhật tin tức, tình hình xã hội hay lên phương án tránh máy bay trong chiến tranh chống Mỹ.
PGS Nguyễn Văn Huy
Vậy nhưng, từ nhiều năm nay, sự phát triển của đời sống xã hội đã khiến loa phường dần không còn phù hợp nữa. Bạn bè quốc tế tới Hà Nội, nhiều người từng lấy làm lạ và hỏi tôi về những chiếc loa phường oang oang hàng ngày, ngay cạnh nơi họ nghỉ. Vậy mà, với cộng đồng cư dân Hà Nội, cảnh bi hài ấy diễn ra triền miên hết năm nay qua năm khác, nhất là với những gia đình không may sống ngay cạnh cột loa.
Loa phường phát đi bản tin phường đã đành. Một phần lớn thời gian hoạt động, loại hình này còn dùng để phát những bản tin về tình hình thời sự trong nước, thậm chí là quốc tế. Đó là một sự chồng chéo lãng phí kinh khủng, khi mà chúng ta đang có rất nhiều kênh truyền hình, truyền thanh làm tốt công việc này.
Chúng ta có thể tiếc một hình ảnh của quá khứ, nhưng đừng nhầm lẫn giữa loa phường, trong tính chất một phương tiện truyền tin, và mục đích khiến nó ra đời. Không còn phù hợp về mục đích sử dụng, loại phương tiện ấy ắt tới lúc phải nhường chỗ cho những kênh thông tin hiện đại và hiệu quả hơn nó.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôn trọng cộng đồng
Nhiều người còn hiểu lầm loa phường Hà Nội có từ... thời Pháp. Hoàn toàn không phải vậy. Loa phường, như ký ức của tôi, phát triển mạnh trong những năm chống Mỹ. Thời kỳ ban đầu, đó còn là những chiếc loa bằng nhựa nhỏ, được gắn vào từng hộ gia đình. Sau đó, loa phường mới chuyển sang hình thức sử dụng những cột loa chung như bây giờ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhìn lại, sự xuất hiện của loa phường gắn với một giai đoạn lịch sử. Tôi vẫn nhớ, trước khi có loa phường, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng từng gặp khó khăn trong kế hoạch "tường thuật trực tiếp" lễ tiếp đón Hồ Chủ tịch năm 1946, sau chuyến đàm phán bên Pháp. Cuối cùng, chúng ta phải sử dụng sáng kiến của ông Nguyễn Dực: huy động các nhà có radio đặt ra vỉa hè và tiếp sóng truyền thanh cho mọi người cùng nghe.
Nói vậy, để thấy rằng mỗi loại hình thông tin đều dần có sự thay đổi trong từng thời kỳ. Quả thực, với những người lớn tuổi như tôi, loa phường gắn bó với những kỷ niệm đặc biệt khi đi ra Hồ Gươm để nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ hay nghe tường thuật bóng đá. Nhưng, ở thời điểm xã hội có sự phân khúc mạnh như hiện nay, cách thông tin theo kiểu đại chúng như vậy không còn phù hợp nữa.
Loa phường liệu đã tới lúc "về hưu" ? (nguồn internet)
Rất nhiều người đã nói tới nhu cầu không còn bị "ô nhiễm" âm thanh bởi loa phường. Đó là một yêu cầu chính đáng và cần được tôn trọng. Tôi được biết nhiều bệnh viện, trường học hiện nay đã yêu cầu hệ thống xe ô tô vào, ra hoặc đi qua không được bấm còi để giữ gìn không gian đặc thù cho cộng đồng.
Câu chuyện của loa phường, xét theo một nghĩa nào đó, cũng gần như vậy. Chưa kể, như thông tin các báo đưa, chúng ta cũng mất một số kinh phí không nhỏ để vận hành hoạt động của loa phường, cũng như đội ngũ kĩ thuật chuyên trách – trong khi đời sống đã có nhiều kênh truyền tin hiện đại và phù hợp hơn.
Chỉ có một thông tin cần lưu ý: Hà Nội hiện tại vẫn còn một phần lớn các xã, huyện có mật độ dân cư thưa, và đời sống sinh hoạt gắn với ngành sản xuất đặc thù. Ở những địa điểm ấy, loa phường phần nào vẫn còn có ích. Chúng ta vẫn có thể duy trì loa phường tại những khu vực chưa bị đô thị hóa với mật độ cao như vậy.
Sơn Tùng