Vì sao trận Mayweather thắng Pacquiao gây thất vọng?
(Thethaovanhoa.vn) - Manny Pacquiao cho rằng anh đáng ra phải thắng Floyd Mayweather nhưng họ sẽ không bao giờ tái đấu để có một sự phân định hơn thua nếu không có ai trả họ cả núi tiền.
Tinh thần thượng võ thuần chất của boxing của thời mà các tay đấm trưởng thành từ tầng lớp những người da màu sống kiếp nô lệ đã chết từ lâu rồi. Từ trước khi có vụ Mike Tyson cắn tai Evander Holyfield. Và đến khi có một tay đấm không phải thuộc hạng siêu nặng như Oscar De la Hoya được coi là “Cậu bé vàng” tự làm thương mại và tự đấm cứ mỗi lần xỏ găng là kiếm hàng chục triệu đô thì người ta đã thấy sự thương mại hoá chi phối tất cả.
Pacquiao cũng như Mayweather đều có những kỹ thuật chuẩn mực cả từ những cú thọc, những cú đấm chéo từ ngoài vào, rồi từ dưới lên cũng như bộ chân linh hoạt, nửa thân trên dẻo dai để tiến thoái, để phòng thủ, nhưng họ vẫn chỉ là những tay đấm bán trung. Chứ không phải những tay đấm hạng siêu nặng với mỗi cú đấm là một quả thôi sơn.
Thật ra cũng chẳng phải đợi tới khi Pacquiao nói rằng Mayweather đã chẳng làm cái quái gì (một sự cường điệu hoá) trong suốt 12 hiệp đấu gói trọn trong 36 phút thì giới sành boxing mới biết tay đấm độc cô cầu bại người Mỹ là một chuyên gia phòng thủ, chỉ chờ cơ hội mới tung ra những đòn nặng ký.
Pacquiao thường thường mỗi trận tung ra khoảng 700 cú đấm, còn trận này chỉ ra được hơn 400 quả và khoảng 1/5 trong số đó trúng đích. Mayweather theo máy tính đấm nhiều hơn và cũng có nhiều hơn khoảng gấp rưỡi cú đấm trúng đích. Quyền anh là như thế, đôi khi mắt người hâm mộ bình thường nhìn không thấy những cái diễn ra trên võ đài.
Nhưng có một điều mắt thường và máy tính đều không thấy ở trận so găng thế kỷ này đã không có ai làm cho người kia phải nằm sàn.
Ở đây, phải nói là nằm sàn theo kiểu ngã vật ra sau khi lĩnh một vài cú đấm để trọng tài xoè bàn tay ra đếm rồi lại lồm cồm bò dậy đấm tiếp. Chứ nếu ai đó nằm sàn rồi bị knock-out ngay trong vài hiệp đầu thì trận đấu cũng hụt hẫng, nhất là với những người bỏ tiền ra xem trực tiếp hay qua truyền hình.
Người Mỹ đã bỏ rất nhiều tiền ra để xem trận đấu này, 100 USD cho một máy thu hình nhưng boxing không còn là môn thể thao phổ biến nữa.
Sự lên ngôi của Mayweather và cuộc “xâm lăng” của một võ sĩ người Philippines như Pacquiao đến trong thời kỳ mà người Mỹ không còn nhiều người theo đuổi môn võ từng đưa nhiều người lên tầm huyền thoại của các uyền thoại như Muhammad Ali.
Cái cảnh các thanh niên da màu đi các đôi giày cao cổ, rồi thu hai tay lại, nghiêng người bên trái, lắc người bên phải dứ dứ vài cú đấm đã không còn xuất hiện thường xuyên trên đường phố ở những thành phố như Chicago, Philadelphia hay Baltimore...
Vấn đề không phải là người Mỹ đã chán đánh đấm, đã thấy môn boxing là man rợ, bởi những cuộc đấu võ tự do Ultimate Fighting còn khốc liệt hơn nhiều mà vẫn phổ biến.
Không còn những tay đấm hạng nặng đỉnh cao nên trận đấu được coi là hấp dẫn mà vẫn nhạt. Điểm số giữa các hiệp đấu vẫn chỉ là 10-9 chứ không phải là 10-8, tức là không có ai đó bị trừ điểm vì lưng lấm sàn.
10 là điểm tối đa cho người giành ưu thế trong hiệp đấu, còn 9 điểm là dành cho người thua hiệp đó mà không bị đấm đổ ra sàn (ngã ra sàn bị trừ thêm 1 điểm nữa, còn 8). Điểm chung cuộc được cộng từ cả thảy 12 hiệp đặng so sánh hơn thua.
Pacquiao đấm nhiều, tấn công nhiều nhưng lại không quá hiệu quả, nên Mayweather càng được thể để thực hiện lối đánh sở trường của mình là di chuyển, giữ khoảng cách rồi sau đó mới tới tung đòn để tận dụng sải tay dài.
300 triệu đô cho hai võ sĩ phải chăng là quá nhiều (dù sẽ phải nộp thuế cho Chính phủ Mỹ 35%), và liệu các nhà tổ chức có “dụ dỗ” được nước Mỹ và cả thế giới đốt tiền thêm một lần nữa?
Phạm Tấn