Vì sao Serena Williams xuất hiện không photoshop trên tạp chí Harper’s Bazaar?
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm thứ Ba (9/7), tạp chí Harper's Bazaar thông báo Serena Williams đã được chọn làm ngôi sao trang bìa cho số ra tháng Tám tại Mỹ. Alexi Lubormirski - nhiếp ảnh gia nổi tiếng với các bộ ảnh về đám cưới Hoàng gia - đã lên ý tưởng và thực hiện bộ ảnh cho tay vợt người Mỹ.
Không lạ khi một ngôi sao như Serena lên trang bìa một tạp chí lớn. Tay vợt 37 tuổi đã làm điều đó vô số lần trong sự nghiệp kéo dài tới nay đã 24 năm. Nhưng Harper's Bazaar chưa từng thực hiện một bộ ảnh mà không ẩn chứa thông điệp trong đó.
Một Serena “chân thực”
Không chỉnh sửa (photoshop) là điểm khác biệt trong bộ ảnh lần này của Serena. Những công cụ được dùng để làm nuột nà đôi bắp chân, cánh tay hay xóa đi những đường nét gân guốc trên cơ thể tay vợt người Mỹ không được sử dụng. Vóc dáng của nữ VĐV quần vợt được lột tả chân thực trong những thước ảnh. Trong chiếc áo choàng thương hiệu Ralph Lauren, Serena lộ những nhược điểm của cơ thể. Có thể thấy rõ vết sẹo ở chân phải cô trong một shoot ảnh. Ở một bức khác, 2 nốt ruồi ở má trái của Serena lộ rõ.
Điều gì đã xảy ra với Serena - cô gái luôn cảm thấy xấu hổ về hình thể của mình trong quá khứ?
Serena kể với Harper's Bazaar: “Khi còn là một thiếu niên, tôi đã bị cả sân vận động la ó. Tôi xấu hổ về vóc dáng của mình”. Những kẻ ác ý thường chê bai hình thể “như đàn ông” của Serena. Thậm chí, có kẻ so sánh cô với cả động vật. Sự kỳ thị kéo dài trong nhiều năm sự nghiệp của tay vợt Mỹ.
Nhưng mấy năm trở lại đây, phong trào nhằm đưa phụ nữ thoát khỏi những gì được coi là tiêu chuẩn của vẻ đẹp chính thống đã được khởi xướng, phát triển và được tiếp sức bởi thế giới thời trang và giải trí. Rất nhiều minh tinh đã chia sẻ những bức ảnh mặt mộc, không chỉnh sửa lên trang cá nhân. Phong trào giúp phụ nữ xóa bỏ sự tự ti về hình thể, tự tin với vẻ đẹp “không chỉ đến từ những đường cong”. Serena là một trong những ngôi sao ủng hộ mạnh mẽ phong trào này. Bộ ảnh của cô trên Harper's Bazaar giúp truyền thông điệp một cách mạnh mẽ hơn.
Sự hưởng ứng từ dư luận được thấy rõ qua những bình luận trên trang Instagram của Harper's Bazaar. “Quá nhiều sức mạnh và cả sự quyến rũ trong bức ảnh này. Hãy tiếp tục tỏa sáng như vậy nhé”, một tài khoản ủng hộ Serena. “Cảm ơn Serena. Không thể chờ đợi lâu hơn để chia sẻ thông điệp này với con gái của tôi”, nhà bình luận chính trị Sally Kohn viết.
Định nghĩa lại cái đẹp
Không chỉ bằng mỗi hình ảnh. Serena bàn cụ thể hơn về nữ quyền qua câu chuyện gây tranh cãi của chính cô ở trận chung kết US Open 2018. Serena đã mắng trọng tài Carlos Ramos là “kẻ dối trá”, “tên trộm” vì bất bình từ một tình huống. Các CĐV trên sân chính Arthur Ashe đã la ó Serena. Cựu số 1 thế giới đã khóc nấc lên và phải cần đến sự động viên của thành viên Ban tổ chức giải cô mới trấn tĩnh lại để tiếp tục thi đấu. Serena bị phạt 17.000 USD sau đó.
Serena cảm thấy giới tính đóng vai trò rất quan trọng trong những tình huống như vậy. “Tại sao tôi không thể bày tỏ sự thất vọng của mình như những người khác? Nếu tôi là đàn ông, liệu tôi có rơi vào tình cảnh đó không? Điều gì khiến tôi khác biệt. Phải chăng vì tôi là phụ nữ?”.
Trong sự nghiệp, Serena chứng kiến nhiều tay vợt nam tranh luận với trọng tài. Những lúc như vậy, họ nhận lại từ trọng tài nụ cười, như thể đó là trò đùa vui giữa 2 người đàn ông. Serena không phàn nàn về án phạt dành cho mình. Cô chỉ muốn sự công bằng. “Đáng buồn thay, đó không phải là thế giới chúng ta đang sống”.
Không hối hận về việc đã lên tiếng, Serena còn hứa sẽ không ngừng lên tiếng để chống lại sự bất công đối với nữ giới. Cô nói: “Kể cả khi còn là một đứa trẻ, tôi đã có cảm giác muốn ý kiến của mình được lắng nghe. Càng ngày, tôi càng nhận ra mình phải đấu tranh cho những thứ mình muốn. Tôi sẽ không bao giờ ngừng lên tiếng để chống lại sự bất công”.
Khánh Đan