Vì sao 'Bố già' vẫn được sùng bái sau 50 năm?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh phim Bố già (The Godfather) của đạo diễn Francis Ford Coppola đang kỷ niệm 50 năm ra rạp, giới phê bình vẫn không ngừng tranh luận tại sao nó luôn là đỉnh cao của dòng phim gangster.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết ăn khách của Mario Puzo (đồng tác giả kịch bản phim), Bố già đã đưa đạo diễn Francis Ford Coppola (82 tuổi) từ một tên tuổi vô danh trong làng điện ảnh trở thành nhà làm phim Hollywood nổi tiếng toàn cầu.
Phim gangster mang thông điệp gia đình
Xoay quanh diễn biến của gia đình mafia gốc Italy Corleone trong khoảng 10 năm từ 1945 đến 1955, Bố già đã thống trị phòng vé, đoạt giải 9 Oscar (cho cả 2 phần) gồm cả giải Phim hay nhất, còn các nhà phê bình xếp hàng dài để bày tỏ sự kính trọng đối với một hiện tượng văn hóa như vậy. Nhiều năm trôi qua, Bố già luôn là tác phẩm hàng đầu trong cuộc trò chuyện đáng tin cậy về “những bộ phim hay nhất mọi thời đại”.
Danh tiếng và sự nổi tiếng của Bố già không hề suy giảm trong 5 thập kỷ qua. Và giờ đây, tên bộ phim vẫn có ý nghĩa như thời điểm ra rạp vào tháng 3/1972 - nếu không muốn nói là nhiều hơn. Mặc dù đã có nhiều phim xã hội đen được tung ra trong những năm 1990, nhưng Bố già vẫn giữ được danh hiệu là vua của dòng phim về tội phạm có tổ chức.
Có những cảnh phim đẫm máu, những cuộc đối đầu căng thẳng giữa những tên trùm tội phạm nhưng trên tất thảy Bố già là một bộ phim về gia đình. Đối với một số người, Bố già là một câu chuyện về xã hội và giấc mơ Mỹ. Những cảnh phim bạo lực, đẫm máu thực sự là những nhân tố quan trọng để tạo nên những pha “lạnh gáy” trong phim Bố già, nhưng nhịp đập thực sự của câu chuyện là chính động lực sống của gia đình Corleone, với mọi khoảnh khắc và cột mốc mang tính biểu tượng đều bắt nguồn từ mối quan hệ của họ.
Trong phim, suốt hành trình lãnh đạo băng nhóm tội phạm, Vito Corleono không bao giờ ngừng nghĩ về vợ con. Ông luôn phân biệt rõ chuyện nhà và chuyện làm ăn, dạy các con những bài học về đạo làm người. Cuộc chiến giữa các thành viên trong gia đình Corleone và Tattaglia gây tiếng vang vì phản ứng đau lòng của Don Vito (Marlon Brando) - người đứng đầu gia đình Corleone đồng thời là ông trùm mafia - trước cái chết của Sonny (James Caan) - người con cả nóng tính của nhà Corleone - đã đủ để nói lên tình cha con đặc biệt ấy.
Nửa sau của phim là sự phát triển thành trùm mafia “con” của Michael (Al Pacino), khi cậu con út trong gia đình vươn lên thành ông trùm Don Corleone. Sau khi Vito Corleono “về vườn”, kịch bản của Puzo chuyển hướng tập trung vào các anh chị em còn lại của Corleone, gồm Michael, Fredo, Connie và Tom Hagen - cũng như gia đình đang phát triển của Michael với Kay (Diane Keaton). Cảnh quay cuối cùng của Bố già phần 1 là khi Kay nhìn chồng mình thừa kế ngai vàng Corleone, một lần nữa cho thấy ý nghĩa thực sự của câu chuyện là gia đình.
Mặc dù Bố già đã được “copy” không ngừng trong 50 năm qua nhưng rất ít phim xã hội đen mô tả chủ đề gia đình với sự tôn trọng tương tự, ngay cả những bộ phim thực sự tuyệt vời như Goodfellas của Martin Scorsese hay The Sopranos trên HBO.
“Vượt khó” để sáng tạo
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, phim xã hội đen thực sự đã tồn tại trước năm 1972, đáng nói là các tác phẩm kinh điển bao gồm Angels With Dirty Faces (1938), Scarface (1932) và White Heat (1949). Tuy nhiên, sự xuất hiện của Bố già đã tạo ra bình minh mới cho thể loại này.
Khi Coppola bắt đầu làm Bố già vào năm 1970, ông đã tôn vinh nguồn gốc của thể loại xã hội đen bằng cách quay phim mờ ảo cùng ánh sáng vàng nâu mang tính biểu tượng, sau đó nhấn mạnh đến cốt lõi của câu chuyện. Coppola đã nâng bộ phim xã hội đen thành một tác phẩm mang hơi hướng một vở opera Mascagni, với kịch tính sâu sắc hơn, cảm xúc dâng cao và chủ nghĩa tượng trưng ngự trị.
Đạo diễn Coppola đã nói rất nhiều về khoảng thời gian khủng khiếp mà ông phải chịu đựng khi làm Bố già. Quá trình sản xuất phim khó khăn, trong khi hãng Paramount không ưa mọi việc ông đang làm - bao gồm tuyển diễn viên, quay phim, biên tập, âm nhạc. Vào thời điểm đó, Coppola là một nhà làm phim mới nổi và suýt bị sa thải nhiều lần. Nhưng Bố già đã “ra lò” thành công khi nam tài tử Brando đe dọa bỏ dự án để phản đối Paramount trong bối cảnh Coppola sa thải một loạt thành viên sản xuất đang vận động hành lang cho một đạo diễn mới.
Trong quá trình làm phim, Coppola không chỉ phải đối diện với sự phản đối của các nhà điều hành hãng phim mà các băng đảng xã hội đen ngoài đời cũng “gây nhiễu”, khi họ thực lo ngại về cách thế giới của mình được miêu tả trên màn ảnh. Paramount và Coppola phải đối mặt với sự tức giận từ những tên tội phạm cứng rắn và bị đe dọa bằng bạo lực trong nhiều lần. Thay vì bỏ cuộc, Coppola và nhà sản xuất Albert S. Ruddy đã cố gắng lý giải với các mafioso (thành viên băng đảng mafia) đang tập hợp chống lại bộ phim và họ đã thành công. Thực tế, họ còn đạt kết quả ở mức không tưởng khi một số tay gangster người Mỹ gốc Italy thậm chí còn tham gia vào quá trình sản xuất phim.
Điều làm cho Bố già trở nên độc đáo so với các phim xã hội đen khác còn bởi dự án này đã diễn ra trong muôn vàn khó khăn. Với mọi “chướng ngại vật” mà Bố già phải vượt qua và mọi “trận chiến” mà Coppola phải chịu đựng, thật kỳ diệu khi đạo diễn đã bảo vệ được tầm nhìn sáng tạo của mình và sản xuất Bố già theo đúng tinh thần của câu chuyện.
Có bao nhiêu đạo diễn dưới 40 tuổi có thể chịu được sức ép bị sa thải hàng tuần, cũng như mọi đụng độ không ngừng về những lựa chọn sáng tạo, để rồi hoàn thành một phim bom tấn lớn kéo dài 3 giờ đồng hồ khiến người xem căng thẳng cho đến phút chót? Và có bao nhiêu nhà làm phim có thể tập hợp một dàn diễn viên thống trị Hollywood trong 50 năm và tạo ra một bản nhạc phim mang tính biểu tượng? Thực sự, chỉ có Coppola.
“Bố già 4” vẫn chỉ là ý tưởng
Trong nhiều năm, Bố già vẫn là kiệt tác gồm 2 phần nhưng với mức độ nổi tiếng của loạt phim ngày càng tăng, Paramount đã bị cuốn vào sức hút của phim trong khi Coppola chưa sẵn sàng làm phần 3. Cuối cùng, phần này được phát hành vào năm 1990, kể về những nỗ lực của Michael Corleone để biến công việc kinh doanh của gia đình trở thành hợp pháp, trong khi một thế hệ xã hội đen mới do con trai của Sonny là Vincent (Andy Garcia) cầm đầu nổi lên. Mặc dù chắc chắn không phải là một phim tệ nhưng phần 3 nhạt nhòa so với các phần trước của Bố già, với một tiết tấu khác biệt rõ rệt và thiếu hẳn những màn trình diễn đã giúp định hình loạt phim trước đó.
Với sự đón nhận thiếu nồng nhiệt từ giới phê bình và việc Coppola miễn cưỡng làm phần phim thứ 3 ngay từ đầu, hơi ngạc nhiên khi đạo diễn từng lên kế hoạch cho phần 4. Hồi năm 1990, Coppola tiết lộ rằng ông và Puzo đã bắt đầu tìm hiểu xem phần này sẽ thế nào.
- 40 năm kiệt tác "The Godfather": Đoạn kết không trọn vẹn
- 40 năm kiệt tác "The Godfather": Phần tiếp theo hay nhất mọi thời đại
- The Godfather: Phim hay nhất mọi thời đại
Theo vị đạo diễn huyền thoại, phần tiếp theo áp dụng cấu trúc tương tự như phần 2, chia thành các mốc thời gian khác nhau. Theo đó, Bố già phần 4 tiếp tục câu chuyện của Vincent với tư cách là người đứng đầu gia đình Corleone. Dòng thời gian trong quá khứ được đặt giữa câu chuyện kể về Bố già phần 2 của Robert De Niro (ông trùm Vito Corleone thời trẻ) và bộ phim gốc, khám phá cách Vito Corleone từ một trùm băng đảng tương đối nhỏ trở thành ông chủ toàn năng của giới xã hội đen.
Trong phần 4 này, Vincent dẫn dắt gia đình Corleone lao vào buôn bán ma túy, chạm tới những góc đen tối nhất của thế giới tội phạm. Bị ám ảnh bởi cái chết của Mary (nhân vật của Sofia Coppola trong Bố già phần 3), Vincent cũng sẽ cầm súng để trả thù và tìm kiếm kẻ thù cuối cùng của mình...
Mặc dù những ý tưởng ban đầu đã được lên kế hoạch, nhưng Bố già phần 4 chưa bao giờ được viết kịch bản và hoàn toàn bị loại bỏ khi Mario Puzo qua đời vào năm 1999.
Phim vẫn thu triệu đô sau 50 năm ra rạp Nhân kỷ niệm 50 năm ngày phát hành Bố già của Francis Ford Coppola, hãng Paramount đã đặt lịch chiếu phim tại 156 rạp ở Bắc Mỹ vào dịp cuối tuần 25-27/2. Kết quả là phim đã thu về được 970 ngàn USD. Bên cạnh đó, phim cũng thu được 1,4 triệu USD từ một số thị trường. Đến thời điểm này, Bố già đã “bỏ két” được 248,2 triệu USD trên toàn cầu. |
Việt Lâm (tổng hợp)