40 năm kiệt tác "The Godfather": Phần tiếp theo hay nhất mọi thời đại
(TT&VH Cuối tuần) - Trước The Godfather, điện ảnh thế giới chưa có tiền lệ làm phần tiếp theo một bộ phim ăn khách. Nhưng sau khi Bố già trở thành siêu phẩm ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu kỷ lục 268,5 triệu USD (mãi đến 1975 mới bị Hàm cá mập của Steven Spielberg vượt qua), lãnh đạo hãng phim Paramount lập tức triển khai kế hoạch sản xuất phần tiếp theo…
>> Chuyên đề: Những bộ phim đi cùng năm tháng
Đến giờ… “chảnh” của Coppola
Thật ra ý tưởng làm phần tiếp theo đã được lên kế hoạch từ trước khi The Godfather được bấm máy xong, sau những lời bàn tán tích cực về bộ phim. Việc quan trọng đầu tiên là phải mời lại cho bằng được đạo diễn Coppola.
Nhưng có vẻ ông vẫn chưa hết “cú” ban lãnh đạo hãng Paramount đã từng hành ông “lên bờ xuống ruộng” trong thời gian thực hiện The Godfather, nên Coppola yêu cầu chọn một đạo diễn khác cho phần tiếp theo này, còn ông sẽ giữ vai trò sản xuất. Ông tiến cử Martin Scorsese nhưng không được chấp thuận.
Hãng Paramount làm một động tác xoa dịu khi tặng cho Coppola một chiếc xe Mercedes-Benz đời mới, như là phần thưởng cho doanh thu thành công kỷ lục của The Godfather. Cuối cùng, Coppola đồng ý làm đạo diễn sau khi được đáp ứng một số điều kiện: Nội dung phần II phải được nối tiếp với bộ phim đầu tiên, với mục đích sau này có thể chiếu chung như một tác phẩm hoàn chỉnh. Ông phải được làm đạo diễn The Conversation, bộ phim do chính ông viết kịch bản. Ông phải được đạo diễn một xuất phẩm cho Nhà hát Opera San Francisco; và phải được phép viết kịch bản phim chuyển thể từ tác phẩm kinh điển The Great Gatsby của nhà văn F.Scott Fitzgerald.
Mọi điều ông muốn đã được chấp thuận. Nhưng vấn đề lớn nhất là câu chuyện phần tiếp theo sẽ như thế nào khi The Godfather đã kết thúc trọn vẹn như trong tiểu thuyết? Cùng với tác giả Mario Puzo, Coppola quyết định phần tiếp theo của Bố già sẽ gồm hai câu chuyện diễn ra song song. Chuyện thứ nhất nói về gia đình Corleone sau khi Michael Corleone trở thành Bố già. Chuyện còn lại là cuộc đời của Bố già Vito Corleone giai đoạn 1917 đến 1925, từ khi còn là một cậu bé rời Sicilia năm 1901, đến khi thành trùm mafia tại thành phố New York. Phần này trong tác phẩm gốc của Puzo chỉ vẻn vẹn có một chương, nhưng ý tưởng biến nó thành câu chuyện thứ hai là do Coppola nắm bắt tâm lý khán giả vẫn còn dư âm luyến tiếc, muốn thấy lại hình ảnh một bố già đầy uy nghiêm nhưng cũng rất tình cảm trong phần đầu.
Lại nhức đầu vì diễn viên!
Đa số các diễn viên của phần I đều được mời xuất hiện lại trong phần II. Nhưng bộ phim suýt nữa lâm nguy khi các luật sư của Al Pacino bảo với Coppola rằng, Pacino sẽ không nhận vai diễn vì lo âu nghiêm trọng về kịch bản. Coppola phải bỏ ra cả một đêm viết lại kịch bản trước khi đưa Pacino xem lại, lúc ấy anh mới đồng ý. Coppola muốn để nhân vật “sát thủ béo ú” Clemenza - chiến hữu sát cánh với Bố già Vito từ thời trẻ - trong phần II lại là người đồng ý làm chứng buộc tội gia đình Corleone trước tòa. Nhưng diễn viên thủ vai này là Richard S.Castellano (người được trả thù lao cao nhất trong The Godfather) không những đòi tăng thù lao nhiều hơn, mà còn đòi được viết lời thoại cho nhân vật. Coppola đành phải khai tử Clemenza và thay bằng nhân vật mới, Frankie Pentangeli (do Michael V.Gazzo đóng). Nhưng theo vợ của Castellano kể, thì ông từ chối tăng thêm 23 kg theo yêu cầu của vai diễn vì lý do sức khỏe, nên Coppola phải quyết định thay vai này còn hơn là thấy một Clemenza không còn béo ú như phần đầu.
Trong phần II, Coppola và Puzo viết thêm một nhân vật khá quan trọng là lão già thâm độc Hyman Roth - kẻ đứng sau âm mưu ám sát cả gia đình Michael Corleone. Al Pacino đã đề nghị với Coppola để Lee Strasberg - bậc thầy dạy diễn xuất lừng danh ở Hollywood - lúc này đã nghỉ hưu, được đóng vai này. Lee Strasberg lúc đầu do dự sau lời thỉnh cầu đặc biệt của Al Pacino, nhưng cuối cùng đã đồng ý sau một cuộc gặp dài 45 phút với Carmine Coppola, cha của đạo diễn Coppola.
Tính cách của nhân vật Hyman Roth được dựa theo tay anh chị ngoài đời thực là Meyer Lansky. Chính Lansky sau này khi xem xong phim đã gọi điện cho Lee Strasberg từ Miami, và chúc mừng ông đã đóng rất hay vai Hyman Roth, đồng thời góp ý kiến: “Lẽ ra ông nên làm cho nhân vật của tôi dễ mến hơn một chút mới phải”!
Ban đầu Coppola cân nhắc đưa Marlon Brando trở lại với vai Vito Corleone thời trai trẻ, vì tin rằng Brando có thể diễn xuất ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, khi sáng tác kịch bản, Coppola tình cờ xem Robert De Niro đóng vai chính trong phim Mean Streets, ông sực nhớ lại lần thử vai xuất thần của diễn viên này trong bộ phim The Godfather, nên đã quyết định giao vai này cho De Niro.
Để chuẩn bị cho vai diễn của mình, Robert De Niro bỏ ra 4 tháng tới sống ở Sicily, “quê hương của Bố già”, học thổ ngữ Sicily vì gần như tất cả lời thoại mà nhân vật của anh nói trong phim là bằng tiếng Sicily. Trong những cảnh Vito trở lại quê hương để trả thù, De Niro phải tăng cân và đeo một thiết bị nha khoa ở hàm như Marlon Brando đã đeo trong phần I. Theo lịch trình, Marlon Brando đã hứa trở lại với một vai nhỏ trong cảnh hồi tưởng quan trọng ở cuối phim. Nhưng “căm” Paramount đã đối xử tệ với mình trong phần I, nên vào giờ chót ông không xuất hiện trên phim trường vào ngày quay cảnh đó. Coppola phải lập tức sửa lại cảnh này cho phù hợp.
Phần 2 đầu tiên trong lịch sử Hollywood
Phần II được quay từ ngày 1/10/1973 tới ngày 19/6/1974, và bị hoãn bấm máy một tháng sau khi Al Pacino bị viêm phổi trên phim trường ở Santo Domingo (Cộng hòa Dominica). Khác với phần I, Coppola được trao gần như hoàn toàn quyền kiểm soát quá trình sản xuất phần II. Bộ phim được thực hiện rất trôi chảy, dù phải quay tại nhiều địa điểm và kể 2 câu chuyện song song trong một bộ phim. Đây cũng là bộ phim lớn cuối cùng của điện ảnh Mỹ được in tráng màu bằng kỹ thuật Technicolor.
Coppola khẳng định rằng, The Godfather phần II là bộ phim điện ảnh lớn đầu tiên sử dụng cụm từ “Part II” trong tựa phim. Hãng Paramount lúc đầu phản đối việc ông quyết định đặt tên phim như vậy, vì e ngại khán giả sẽ miễn cưỡng đến rạp như kiểu phải xem thêm phần bổ sung của bộ phim nguyên gốc. Tuy nhiên sự thành công khổng lồ của The Godfather phần II sau này, đã khởi đầu truyền thống đánh số các bộ phim phần tiếp theo ở Hollywood.
Ba tuần trước khi phần II được phát hành, sau khi xem xong buổi chiếu thử, các nhà phê bình phim và giới báo chí tuyên bố bộ phim là một thảm họa! Họ cho rằng cách dựng xen kẽ các câu chuyện giữa Vito ở quá khứ, và Michael ở thời hiện tại quá rối rắm đến mức gây khó chịu. Tiết tấu quá nhanh không kịp cho hai câu chuyện đó đủ thời gian đọng lại nơi khán giả. Coppola và các nhà biên tập tức tốc trở lại phòng dựng thay đổi cấu trúc kể chuyện của bộ phim. Nhưng do ngày chiếu quá cận kề, những cảnh cuối cùng của bộ phim được sắp đặt một cách yếu kém.
Tuy nhiên nhờ dư âm của phần I nên ngay từ khi chưa được chính thức phát hành, tổng số tiền vé đặt trước của phần II đã lên tới 26 triệu USD tại 340 rạp. Với kinh phí sản xuất 13 triệu USD, phần II đạt doanh thu đến 193 triệu USD. Năm 1974, phần II được đề cử đến 11 giải Oscar, và đoạt 6 giải. Đây cũng là bộ phim sequel (phần tiếp theo) đầu tiên được đề cử đến 5 giải Oscar diễn xuất cho: Al Pacino (Nam chính), Talia Shire (Nữ phụ), Lee Strasberg, Michael V.Gazzo, Robert De Niro (Nam phụ). De Niro đoạt giải Oscar Nam phụ và cùng với Marlon Brando (Nam chính) là 2 diễn viên duy nhất giành 2 giải Oscar khác nhau cho cùng một vai diễn (Vito Corleone).
Giới phê bình đánh giá Bố già phần II là phần tiếp theo hay nhất và thành công nhất trong lịch sử điện ảnh. Nhiều người còn cho rằng bộ phim hay tương đương, thậm chí là hay hơn phần đầu. Cũng giống như phần I, Bố già phần II thường xuyên xếp hạng cao trong các bảng danh sách phim hay của mọi thời đại.
Đặc biệt diễn xuất của Al Pacino trong vai Michael Corleone cũng đã trở thành huyền thoại. Công chúng và nhiều nhà phê bình cho rằng đây là vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông. Năm 2006, tạp chí Premier đã bình chọn vai Michael Corleone trong Bố già phần II đứng thứ 20 trong danh sách 100 vai diễn xuất sắc nhất mọi thời đại.
Kỳ tới: The Godfather phần III
Bá Vũ