Về quê sau giãn cách: Cần sự chỉ đạo nhất quán và phối hợp chặt chẽ
(Thethaovanhoa.vn) - Việc người lao động từ các “tâm dịch” trở về quê không còn là vấn đề của riêng vùng nào, không nằm trong khả năng giải quyết của một tỉnh mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương.
Tính đến ngày 7/10, việc người lao động từ các “tâm dịch” Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về quê đã trở thành một thực tế khách quan, ảnh hưởng đến hầu khắp các địa phương ở Bắc, Trung, Nam, không còn là vấn đề của riêng vùng nào, hay giữa các vùng kề cận nhau.
Thực tiễn này cũng không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các địa phương, không nằm trong khả năng giải quyết của một tỉnh, thành phố mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và sự chỉ đạo nhất quán, kiên quyết trên phạm vi toàn quốc.
Từ kiến nghị của Long An
Long An là một trong những địa phương sớm nhận ra “sức nặng” của việc người lao động từ các tâm dịch COVID-19 tự phát về quê “bằng mọi giá”.
Sáng 1/10, trong khi chốt chặn ở huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) đang loay hoay kiểm soát dòng người đi xe máy chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh xuôi theo Quốc lộ 1 để về miền Tây thì lãnh đạo tỉnh Long An đã gửi tới Chính phủ kiến nghị về sự chỉ đạo chung đối với các tỉnh, thành phố phía Nam trong việc phối hợp tổ chức đưa, đón người dân của mình trở về địa phương một cách kịp thời và an toàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cũng đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ, đề nghị phối hợp với Long An để đón người dân có nhu cầu trở về địa phương. Còn với người lao động ngoại tỉnh đang làm việc trên địa bàn Long An, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ bố trí phương tiện đưa về địa phương nếu các tỉnh, thành phố, nơi thường trú của các công dân đó, đồng ý tiếp nhận.
Sở dĩ ban lãnh đạo tỉnh Long An có các động thái nói trên là vì họ đã nhận thấy “quyết tâm” của dòng người trở về quê sau khi vượt qua chốt chặn ở ranh giới giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Long An và đang kẹt lại trước chốt chặn giữa Long An với tỉnh Tiền Giang. Trước đó, tối 30/9, lãnh đạo tỉnh Long An đã có cuộc đối thoại với hàng ngàn người dân về quê và bị kẹt lại tại tỉnh Long An, vận động người dân quay trở lại nơi tạm trú, không tự ý di chuyển nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; đồng thời, cam kết sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực như tiêm vaccine, giới thiệu việc làm, hỗ trợ kinh phí… Tuy nhiên, người dân vẫn tha thiết mong được về quê.
Trước thực tế “không có đường lui” là người dân các nơi từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ xô về quê, chính quyền tỉnh Long An đã liên hệ với các địa phương là nơi thường trú của các công dân nói trên, đề nghị tổ chức tiếp nhận một cách có tổ chức. Sau khi thống nhất với nơi đón nhận, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch ở Long An lập danh sách, kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm, chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 để giải quyết cho người dân qua chốt, cung cấp sữa, nước uống, hỗ trợ những người yếu mệt sau một đêm di chuyển và chờ đợi căng thẳng. Địa phương nơi đến có nhiệm vụ bố trí lực lượng chức năng đón tại địa phận của mình, tổ chức đưa người dân đi cách ly theo quy định.
Ngay sau đó, ở khu vực chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1 (giáp ranh với tỉnh Tiền Giang) lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã có mặt để hỗ trợ, tổ chức phương tiện dẫn đường đưa người dân qua địa phận của mình.
Bằng cách làm này, Long An bước đầu tạm thời tháo gỡ được sức ép hồi hương trên địa bàn, vửa ứng xử nhân văn với những người trên đường về quê, vừa hạn chế ở mức thấp nhất có thể nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đến thiện chí của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những ngày tới, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng của thành phố để đưa người lao động ngoại tỉnh về quê một cách an toàn.
Thông cảm với sự khó khăn của những người quê ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc đang bị kẹt lại do dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh thành phố có kế hoạch hỗ trợ bà con về quê, trong đó ưu tiên trước hết cho người người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau, sức khỏe yếu…Bộ Tư lệnh thành phố sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo phương tiện và cử cán bộ, chiến sĩ đi cùng để đưa người dân về quê, bà con cũng được hỗ trợ thực phẩm và thuốc chữa bệnh.
Người dân ngoại tỉnh có nhu cầu về quê chỉ cần đăng ký nguyện vọng với tổ dân phố, UBND phường, xã, thị trấn nơi đang tạm trú tại thành phố, từ đó Bộ Tư lệnh thành phố sẽ chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương (nơi đón) tổ chức đưa bà con trở về. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể gọi các số hotline 069.652.401 và 02866.822.000 để được hướng dẫn thêm về việc được hỗ trợ về quê.
Cần sự chỉ đạo nhất quán từ Trung ương
Kiến nghị, hành động của Long An, thiện chí của Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh rất đáng được hoan nghênh, nhân rộng để giúp “giải nhiệt” tình trạng người lao động về quê tự phát đang mỗi ngày một nóng lên.
Tuy nhiên, một tuần trôi qua, chúng ta chỉ có thông tin ban đầu về sự phối hợp giữa tỉnh Long An với tỉnh Tiền Giang láng giềng về việc tổ chức đưa, đón người lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê. Chúng ta không có thông tin thêm về sự hưởng ứng hay hồi âm của các địa phương khác cũng nằm trên hành trình hồi hương Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ.
Ngày 2/10, Chính phủ đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và 705 huyện, thị xã, thành phố (trực thuộc tỉnh) trong cả nước về công tác phòng, chống dịch; bàn giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tại cuộc họp này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh "nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phải phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê bảo đảm an toàn dịch bệnh, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh bức xúc cho người dân".
Hiện tại, điều dễ nhận thấy là mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước có các cách ứng xử khác nhau đối với công dân của mình trở về từ tâm dịch COVID-19. Sự ứng xử này phụ thuộc vào năng lực tiếp đón của mỗi địa phương, các nhìn nhận vấn đề cũng như lĩnh vực ưu tiên trong từng thời điểm của tỉnh, thành phố đó.
Những ngày gần đây, phóng viên TTXVN trên các địa bàn đã ghi nhận, phản ánh: Ninh Bình đón hơn 600 công dân trở về từ một số tỉnh phía Nam; Hà Tĩnh chuẩn bị đón gần 800 người về quê bằng máy bay; Quảng Trị hỗ trợ người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê; Quảng Nam tiếp tục đón công dân về quê…
Bên cạnh đó là thông tin: Thừa Thiên Huế: Trường hợp đặc biệt mới được về; Quảng Ngãi dừng tiếp nhận người dân từ vùng dịch trở về; Bí thư Tỉnh ủy, Phú Yên đề nghị người dân đang sinh sống, làm việc ở các địa phương khác không được tự phát trở về; Sóc Trăng: Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh khi người dân tự phát về quê ồ ạt; Hậu Giang khuyến nghị người dân không tự phát về quê bằng phương tiện cá nhân; An Giang khuyến cáo người dân không tự ý về khi chưa bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch…
Mỗi địa phương đều có lý do để giải thích cho việc họ đón nhận hay không người lao động trở về, đón bao nhiêu và ở thời điểm nào.
Song một thực tế rõ ràng là hầu hết các địa phương đều bị động trước dòng người hồi hương tự phát dù đã có nhiều tín hiệu cảnh báo trước đó. Có 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ đầu và giữa tháng 7. Điều này có nghĩa trong 3 tháng qua, có thể là lâu hơn, phần lớn người lao động, nhất là lao động tự do, không có thu nhập, đời sống rất khó khăn dù Chính phủ, các địa phương, các ngành, tổ chức, cá nhân đã nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ.
Ngày 1/10, khi Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đồng thời nới lỏng giãn cách xã hội thì cũng là dịp người dân ngoại tỉnh ồ ạt về quê một cách tự phát dù về nguyên tắc họ chưa được phép làm như vậy. Trong thời gian 3 tháng đó các địa phương không tính đến khả năng này để phối hợp với nơi tiếp nhận lao động trong việc thống kê số lượng, điều tra nguyện vọng hồi hương và chuẩn bị điều kiện tiếp nhận công dân trở về…; những địa phương mà họ sẽ đi qua, đề xuất phối hợp, hỗ trợ những gì
Để giải quyết vấn đề một cách căn bản, dứt điểm và đồng bộ thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương thông qua quyết sách, chỉ đạo chung. Nếu Trung ương chỉ đạo các địa phương có trách nhiệm đón công dân của mình trở về trong thời gian sớm nhất chứ không phải “tùy tâm” như hiện nay thì các tỉnh, thành phố bắt buộc phải trình lên cấp trên kế hoạch, lộ trình một cách chi tiết và phải hoàn thành nhanh nhất. Địa phương nào thực sự yếu kém về năng lực tiếp nhận công dân thì có thể đề đạt về sự hỗ trợ chứ không thể tùy tiện ngừng hay chối bỏ trách nhiệm.
Người dân sẽ kiên nhẫn chờ đợi để được đưa đón trở về một cách có tổ chức và an toàn, tránh gây sức ép cho địa phương một khi họ nhận được hứa hẹn chắc chắn từ phía lãnh đạo ở quê nhà.
Đồng thời, các tỉnh Đông Nam Bộ, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp trọng điểm, nếu muốn giữ chân công nhân để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong thời kỳ hậu giãn cách thì phải có chính sách hỗ trợ đủ mạnh chứ không chỉ là lời kêu gọi suông. Tại Đồng Nai, nơi riêng trong ngày 5/10 đã tổ chức đưa 20.000 công nhân, người lao động ngoại tỉnh về quê theo nguyện vọng cá nhân thì vào ngày đầu hoạt động trở lại, Công ty Changshin Việt Nam (trú chân tại Đồng Nai) chỉ đón được 5% trong tổng số 42.000 công nhân quay về làm việc...
Mặt khác, trong vấn đề cách ly y tế đối với người từ tâm dịch trở về quê, các địa phương nhất thiết phải tuân thủ sự chỉ dẫn của các cơ quan chuyên môn, trước hết là Bộ Y tế.
- Lượng người về quê vẫn tăng, phát hiện nhiều F0 trong số đó
- An Giang, Bến Tre: Người dân vẫn tiếp tục nối đuôi nhau tự phát về quê
- Người dân tự phát về quê: Đừng để nhu cầu 'chính đáng' trở thành hành vi nguy hiểm, sai trái
Từ đầu tháng 8, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch COVID-19. Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến, về địa phương. Tiếp đó, ngày 6/10, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch áp dụng đối với người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Công văn này một lần nữa nhắc lại: Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu.
Tuy nhiên, đến ngày 6/10, một số địa phương vẫn giữ quy định: Người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng); có kết quả xét nghiệm âm tính qua test nhanh kháng nguyên hoặc PCR thì được cách ly y tế tại nơi lưu trú, nhà văn hóa, cụm bản, tiểu khu. Thời gian cách ly là 14 ngày, được xét nghiệm PCR 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 13. Như vậy là có sự chênh lệch 7 ngày cách ly giữa hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương...
Việc giải quyết hợp lý vấn đề người dân trở về quê tránh dịch ở thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, nằm trong sự hài hòa giữa chính sách nhân đạo và mục tiêu kiểm soát dịch nhằm đạt được sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ".
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020) |
Trần Quang Vinh - Ảnh: TTXVN