Về hưu
(Thethaovanhoa.vn) - Cả tuần nay rồi, phượng đỏ rực, lũ trẻ mới được nghỉ hè tung tăng trên phố. Nhìn chúng nó, không ai bảo ai, cứ tự dưng nhớ tuổi học trò.
Khổ nỗi cái tuổi thần tiên ấy qua nhanh lắm. Chẳng mấy chốc lại một mùa hoa phượng nữa, chẳng mấy chốc tay bế tay bồng, lo công lo việc... Lo cơm áo gạo tiền chẳng thời gian đâu nữa mà tung tăng. Đời người qua nhanh, nhìn hoa phượng, mấy ông xe ôm ngồi vỉa hè bỗng dưng cất giọng não nề nhạc vàng: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...”.
Mình mới ngày nào còn nhặt hoa phượng cho vào giỏ xe đạp, giờ ngoái lại đã về hưu đến mươi năm, sợ thật - bà chủ quán nước thủ thỉ với khách.
Hai chữ về hưu thế là dấy lên trong quán một cuộc luận bàn.
Thì từ lúc hoa phượng bắt đầu nở, hơn tuần nay, vấn đề tuổi nghỉ hưu lại được đặt ra trên bàn nghị sự Quốc hội trong phiên thảo luận về Luật bảo hiểm. Những người ăn lương nhà nước bởi thế phấp phỏng không yên. Nghe đâu Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội nếu được thông qua thì sẽ phải kéo dài tuổi làm việc và khi được về hưu lại phải nhận mức lương hưu trí thấp hơn hiện tại. Lý do, kể ra cũng phải nghĩ ngợi cẩn thận, vì nó chứa đựng những bất ổn thực sự: Một là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng cao đáng kể. Số người ở lứa tuổi 55 - 60 không còn được coi là người già. Đấy, cứ nhìn quanh vỉa hè, các ông bà 70, trên 70 đi lại nhanh thoăn thoắt, buổi sáng tập thể dục còn hăng hơn bọn trẻ. Nhưng lý do thứ hai thì quan trọng hơn, đó là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc chi trả cho bảo hiểm xã hội và các chính sách khác hiện đang quá cao khiến quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029.
Không về hưu sẽ là tin mừng với một số người. Đang nắm giữ chức vụ, lương bổng ngon lành, ở lại quá tốt. Hoặc đang nghiên cứu dang dở, về hưu lúc chưa hoàn thành công việc, cũng khiến một số người có lương tâm lo lắng. Nhưng nói chung, người lao động trực tiếp, làm những viêc chân tay nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... thì chẳng hề mong ở lại.
Tóm lại, người ta sẽ tranh luận. Và thông lệ của mọi cuộc tranh luận trên vỉa hè là không bao giờ có điểm dừng. Nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, có thể sẽ lãng phí một nguồn lao động có kinh nghiệm, còn sức khỏe và nguy cơ sẽ vỡ quỹ lương như ILO cảnh báo. Còn nếu nâng tuổi nghỉ hưu, thì những người lao động trực tiếp không đồng tình.
Rồi thì, bọn trẻ cũng lên tiếng, rằng chúng bị “chiếm chỗ”. Chuyện ấy còn quan trọng nữa, bao nhiêu chỗ ngon chỗ tốt, các ông bà cứ ỷ thế ngồi đấy, chúng nó phấn đấu bao nhiêu năm chưa ngồi được vào cái ghế chúng nó muốn. Bọn trẻ nghe đến chuyện tăng lương hưu cũng bỗng dưng khó chịu...
Khách khứa cứ thế đưa ra ý kiến. Bà chủ quán ngồi nhìn lên cây phượng đỏ như lửa, bỗng dưng buông một câu: trẻ mà làm trong cơ quan nhà nước, mới nghĩ đến ghế, đến vị trí, chứ trẻ tự biết lao động kiếm sống có khi chẳng lo ai tranh chỗ mình. Ai sinh ra trên đời cũng phải lao động, thế thôi. Quan trọng là có muốn lao động hay muốn kiếm vị trí an nhàn...
Câu chuyện về hưu tuổi nào, như thế, cứ kéo dài có khi đến lúc người trẻ nhất trong quán nước, một sinh viên co ro đọc báo, về hưu, cũng chưa chấm dứt.
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần